Các 'ông lớn' sô cô la thấm đòn vì hạt cacao tăng giá sốc

Sự thiếu hụt cacao không chỉ khiến những bên làm sô cô la truyền thống ở Đức và Thụy Sĩ đối mặt với rủi ro lợi nhuận, bản sắc của họ cũng bị đe dọa khi chi phí sản xuất tăng.

Gần đây, chuyên gia sô cô la Karin Steinhoff đã đến một nhà kho ở Amsterdam để mua hạt cacao cho cửa hàng sản xuất ở Đức của mình. Nhưng khi bước vào bên trong tòa nhà cùng với người giao dịch, cả hai sửng sốt vì nhìn thấy nhiều không gian trống một cách bất thường.

Vụ thu hoạch ít ỏi ở Tây Phi đang làm giảm đáng kể khả năng sẵn có của loại hạt này.

Ghana và Bờ Biển Ngà sản xuất hơn một nửa sản lượng cacao toàn cầu nhưng đang bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt do khủng hoảng khí hậu và hiện tượng El Ninõ. Tình hình càng trở nên trầm trọng hơn do dịch bệnh và sự thiếu đầu tư phục hồi các đồn điền cacao lâu năm.

Theo Guardian, giá mặt hàng này lần đầu tiên đạt hơn 10.000 USD/tấn sau vụ thu hoạch kém thứ 3 liên tiếp ở Tây Phi, gây áp lực lên các nhà cung cấp và nhà sản xuất. Hạt cacao hiện có giá trị hơn cả một số kim loại quý và tăng nhanh hơn cả Bitcoin, NPR cho hay.

Trước tình trạng đó, Steinhoff đã phải chi nhiều hơn ít nhất 40% cho mỗi kg so với mức trước đó mà công ty cô đã chi vào tháng 7/2023.

 Một kho chứa hạt cacao ở Amsterdam trong chuyến thăm của Karin Steinhoff. Ảnh: Karin Steinhoff/Georgia Ramon.

Một kho chứa hạt cacao ở Amsterdam trong chuyến thăm của Karin Steinhoff. Ảnh: Karin Steinhoff/Georgia Ramon.

Tin xấu

Theo Bloomberg, thời tiết khắc nghiệt cùng bệnh cây trồng ở các trung tâm trồng cacao khiến mức sản lượng toàn cầu dự kiến giảm 11% trong mùa này.

Đây là tin đặc biệt xấu đối với các trung tâm sô cô la như Đức và Thụy Sĩ - quốc gia đi đầu trong việc những sản xuất thanh sô cô la chất lượng và có lượng tiêu thụ tính đầu người cao hơn bất kỳ nơi nào khác.

“Đây là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người trong ngành vì mọi thứ rõ ràng không thể tiếp tục diễn ra như bình thường”, Steinhoff, người làm việc cho công ty Georgia Ramon, cho biết. “Trong tương lai, sô cô la sẽ trở thành thứ xa xỉ hơn một chút”.

Giá cacao không ngừng tăng thúc đẩy lạm phát lương thực, nhưng hơn thế, nhiều người lo ngại rằng có thể đẩy một số nhà sản xuất vào tình trạng mất khả năng thanh toán, đặc biệt sau ảnh hưởng tiêu cực mà đại dịch gây ra.

Đầu năm nay, công ty bánh kẹo Hussel GmbH của Đức một lần nữa nộp đơn xin phá sản vì chi phí nguyên liệu thô và nhân công tăng cao. Nhà sản xuất kẹo Mozartkugel của Áo phá sản vào năm 2021 và sau đó được mua lại.

“Hoạt động tập trung của ngành bánh kẹo sẽ được đẩy nhanh hơn do đợt tăng giá cacao này, vì không phải ai cũng có thể gánh được mức tăng giá”, Hermann Bühlbecker, chủ sở hữu của Aachener Printen-und Schokoladenfabrik Henry Lambertz GmbH & Co. KG, nhận định.

Điều này có nghĩa các công ty lớn sẽ chiếm thị trường nhiều hơn, trong khi số lượng công ty nhỏ và trung bình có thể đối mặt nguy cơ thu hẹp.

Trên khắp Liên minh châu Âu và Thụy Sĩ, ngành công nghiệp sô cô la, bánh quy và bánh kẹo đã tuyển dụng hơn 250.000 người vào năm 2020. Nó giúp tạo ra giá trị xuất khẩu khoảng 14 tỷ euro (tương đương 15 tỷ USD), theo tập đoàn thương mại Caobisco đại diện cho hơn 13.000 công ty.

Khoảng 99% trong số thành viên đó là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu quy mô và sức mạnh như tập đoàn nên khó có khả năng đối phó sự biến động mạnh giá cả hàng hóa.

 Chuyên gia kiểm soát chất lượng mẫu hạt cacao tại nhà máy chế biến cacao ở Abidjan, Bờ Biển Ngà. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/Bloomberg.

Chuyên gia kiểm soát chất lượng mẫu hạt cacao tại nhà máy chế biến cacao ở Abidjan, Bờ Biển Ngà. Ảnh: Andrew Caballero-Reynolds/Bloomberg.

"Toát mồ hôi mỗi ngày"

Ngay cả nhà sản xuất số lượng sô cô la lớn nhất thế giới - Barry Callebaut AG - cũng đang phải vật lộn với giá cacao tăng cao.

Giá trị thị trường của công ty Thụy Sĩ này đã giảm mạnh khoảng 30% trong năm qua. Công ty này đã cắt giảm khoảng 18% lực lượng lao động, đóng cửa các nhà máy gần Hamburg và Malaysia như một phần của quá trình chuyển đổi.

Trong khi đó, Steinhoff cho biết công ty Georgia Ramon đang xem xét các cách để cắt giảm chi phí và hạn chế gánh nặng cho khách hàng.

Nhưng đối với những bên khác, việc quản lý chi phí cao hơn có thể gặp nhiều thách thức hơn. Một số nhà sản xuất bánh kẹo có hợp đồng với nhà bán lẻ để bán sản phẩm của họ ở mức giá nhất định. Vì vậy, khi sắp hết sô cô la, họ có thể gặp khó khăn hơn trong việc trang trải chi phí.

“Nhu cầu về các sản phẩm chất lượng cao vẫn còn rất lớn, cả về quà tặng và chiêu đãi”, nhà phân tích cấp cao của Bloomberg Intelligence, Diana Gomes cho biết. “Nhưng đối với thương hiệu đại chúng hơn, chiếm phần lớn trong ngành bánh kẹo sô cô la, điều ngược lại đang xảy ra”.

Lambertz sản xuất các món nướng như bánh gừng phủ sô cô la - món không thể thiếu trong ngày lễ truyền thống của người Đức, bên cạnh rượu ngâm và chợ Giáng sinh. Cacao và đường chiếm khoảng 70% giá thành mặt hàng và công ty vẫn chưa chắc chắn sẽ cần tăng giá bao nhiêu vào mùa đông này.

“Đây là một sự phức tạp khác đối với ngành bánh kẹo, vốn đã chịu nhiều áp lực sau Covid-19 và giá tăng do ảnh hưởng cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra”, Bühlbecker cho biết.

 Những miếng bánh gừng hình vuông phủ sô cô la do Lambertz làm. Ảnh: Stephan Rauh/Lambertz.

Những miếng bánh gừng hình vuông phủ sô cô la do Lambertz làm. Ảnh: Stephan Rauh/Lambertz.

Chocolats Camille Bloch SA - nhà sản xuất các thanh Ragusa và Torino của Thụy Sĩ - gần đây đã tuyên bố tăng giá sau khi cố gắng cắt giảm chi phí mà không sa thải nhân viên toàn thời gian.

Vào năm 2022, công ty đã quyết định nhập nguồn 400 tấn cacao hàng năm từ Peru - nơi ít bị ảnh hưởng bởi mất mùa và sâu bệnh hơn Tây Phi - nhưng giá vẫn tăng.

Công ty không nắm giữ lượng hàng tồn kho lớn và thường mua hạt cacao trước khoảng 4 tháng. Họ có thỏa thuận về số lượng và chất lượng hạt nhất định, sau đó họ mua theo giá giao ngay (giá hiện hành trên thị trường).

“Điều đó thực sự khiến chúng tôi phải toát mồ hôi những ngày này”, Jessica Herschkowitz, người phát ngôn của công ty, cho biết.

Bản sắc bị đe dọa

Tuy nhiên, không chỉ lợi nhuận ròng gặp rủi ro từ hạt cacao đắt tiền mà bản sắc của các công ty cũng đang bị đe dọa.

Sô cô la được dán nhãn sản xuất tại Thụy Sĩ phải đáp ứng tiêu chuẩn nhất định của chính phủ về mặt nguyên liệu, như có nguồn gốc địa phương - bao gồm sữa và đường.

Nó cũng phải được sản xuất ở mức độ đáng kể trong nước - nơi tiền lương thường cao hơn ở nước ngoài.

Trong bối cảnh đó, Toblerone - thuộc sở hữu của Mondelez International Inc - đã quyết định từ bỏ nhãn hiệu Matterhorn để sản xuất rẻ hơn ở Slovakia.

Chocoladefabriken Lindt & Sprungli AG và Nestle SA chỉ dán nhãn một số sản phẩm của họ là Thụy Sĩ sau khi chuyển phần lớn hoạt động sản xuất đi nơi khác.

Trong khi đó, Camille Bloch - một trong những thương hiệu sô cô la hàng đầu ở Thụy Sĩ trong hơn 8 thập kỷ qua - đang tiếp tục đánh giá với tiêu chí của chính phủ, liệu hoạt động sản xuất có thể duy trì lợi nhuận không.

“Chi phí để được dán nhãn Thụy Sĩ phải ở trong giới hạn hợp lý”, Herschkowitz nói.

Minh An

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cac-ong-lon-so-co-la-tham-don-vi-hat-cacao-tang-gia-soc-post1470438.html
Zalo