Thanh niên khuyết tật và cơ hội khởi nghiệp trong thời đại số

Từ những trở ngại thể chất và tinh thần, thanh niên khuyết tật Việt Nam đã vượt qua nghịch cảnh để tìm thấy chỗ đứng trong xã hội. Với sự hỗ trợ từ công nghệ, trí tuệ nhân tạo và các chính sách thiết thực, họ đang dần khẳng định bản thân, tạo dựng giá trị và lan tỏa cảm hứng tích cực đến cộng đồng.

Vươn lên từ nghịch cảnh

Trong xã hội hiện nay, người khuyết tật không chỉ đối mặt với những trở ngại về thể chất mà còn chịu tác động từ định kiến của cộng đồng. Tại các diễn đàn do Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức, những người trẻ khuyết tật đã thẳng thắn chia sẻ mong muốn được đối xử công bằng. Họ không tìm kiếm sự thương hại, mà khát khao cơ hội để chứng minh năng lực.

 Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 vinh danh 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong toàn quốc. Ảnh: KHÁNH MINH

Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2024 vinh danh 38 thanh niên khuyết tật tiêu biểu trong toàn quốc. Ảnh: KHÁNH MINH

Chị Phạm Thị Hồng Mai, sinh viên Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, sinh ra với khiếm khuyết bàn tay trái, đã vượt qua mặc cảm để sống như mọi người. Tuy nhiên, chị không ngừng nhấn mạnh rằng người khuyết tật vẫn đối diện với kỳ thị, đặc biệt trong quá trình tìm kiếm việc làm. “Các doanh nghiệp cần tạo điều kiện để sinh viên khuyết tật có cơ hội làm việc mà không bị đánh giá bởi ngoại hình”, chị Mai bày tỏ.

Câu chuyện của anh Trần Thành Trung, Giám đốc Công ty TNHH TĐT Digital, là minh chứng sống động cho ý chí vươn lên. Sinh ra với chứng bại não bẩm sinh, anh nỗ lực hoàn thành chương trình cao đẳng nhưng phải đối mặt với hành trình xin việc đầy gian nan. Sau khi 23 bộ hồ sơ bị từ chối, anh quyết định tự học SEO Web, bước vào lĩnh vực marketing online và thành lập công ty riêng. “Tôi không chờ đợi sự thương hại, mà tự mình tạo nên cơ hội”, anh Trung khẳng định.

Tương tự, anh Dương Đình Bảo, Giám đốc Công ty TNHH B-ONE (tỉnh Đắk Lắk), đã vượt qua tai nạn khiến anh bị khuyết tật vận động để mở công ty truyền thông và dạy thiết kế đồ họa online miễn phí. Không chỉ tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số, anh Bảo còn sử dụng các nền tảng trực tuyến như TikTok để truyền cảm hứng và mở rộng hoạt động hỗ trợ cộng đồng. Anh tâm niệm: “Tôi muốn nhân rộng mô hình này để giúp đỡ nhiều người khuyết tật hơn, không chỉ tại địa phương mà còn trên cả nước”.

Chị Nguyễn Thị Vân, nhà sáng lập Trung tâm Nghị lực sống đã dành hai thập kỷ để hỗ trợ người khuyết tật qua đào tạo nghề công nghệ thông tin và kỹ năng sống. Với gần 2.000 học viên được đào tạo miễn phí và hàng chục người có việc làm mỗi năm, trung tâm không chỉ giúp người khuyết tật hòa nhập mà còn nâng cao vị thế của họ trong xã hội. Chị Vân chia sẻ: “Vấn đề lớn nhất hiện nay không nằm ở đào tạo, mà là tạo đầu ra bền vững cho người khuyết tật. Chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận để tập trung vào những nhu cầu thực tế của thị trường”.

Công nghệ và AI: Chìa khóa mở ra cơ hội mới

Thời đại số hóa đã mang lại những thay đổi đột phá, đặc biệt là cho người khuyết tật. Bà Đinh Thị Thụy, Trưởng phòng Người khuyết tật (Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh rằng các lĩnh vực như lập trình và thiết kế đồ họa đang tạo ra những cơ hội lớn cho người khuyết tật tìm kiếm việc làm. Điểm thuận lợi của các ngành nghề này là sự tập trung vào chất lượng sản phẩm thay vì ngoại hình hay khả năng vận động của người lao động.

Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam, thành lập vào tháng 10 vừa qua, đã triển khai nhiều chương trình sáng tạo nhằm hỗ trợ thanh niên khuyết tật tiếp cận và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các dự án ứng dụng AI bao gồm hỗ trợ học tập, giao tiếp, di chuyển và sáng tạo nội dung số. Cụ thể, những thiết bị thông minh tích hợp AI không chỉ giúp người khuyết tật di chuyển độc lập hơn mà còn phá bỏ rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý.

 Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm cho người khuyết tật. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tư vấn, giới thiệu các vị trí việc làm cho người khuyết tật. Ảnh: NHƯ QUỲNH

Theo ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên khuyết tật Việt Nam, AI không chỉ là công cụ, mà còn là động lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo. Với những tiến bộ công nghệ, người khuyết tật không chỉ hòa nhập mà còn có thể tạo ra các sản phẩm, dịch vụ giá trị cho xã hội.

Bên cạnh đó, Hội Thanh niên khuyết tật cũng đang đẩy mạnh phong trào thể thao điện tử với giải đấu Liên Quân Mobile, mở ra cơ hội mới trong lĩnh vực eSports. Theo các chuyên gia AI, thể thao điện tử không chỉ là sân chơi giải trí mà còn là cầu nối giúp thanh niên khuyết tật tham gia ParaGames 2025. Đây cũng là cơ hội nghề nghiệp tiềm năng, từ streamer, bình luận viên, đến biên tập viên nội dung số.
Những câu chuyện thành công của người trẻ khuyết tật không chỉ thể hiện ý chí vươn lên, mà còn chứng minh giá trị của họ đối với xã hội. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ, họ là những minh chứng sống động cho tinh thần vượt khó, sáng tạo và khát vọng vươn lên.

Để những thành công này được nhân rộng, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng. Tạo môi trường làm việc công bằng, đầu tư vào đào tạo gắn liền với nhu cầu thị trường và tận dụng sức mạnh công nghệ là những bước đi cần thiết để đảm bảo người khuyết tật có cơ hội phát triển bền vững.

Khát vọng hòa nhập và khẳng định bản thân của thanh niên khuyết tật là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho xã hội. Họ không chỉ sống một cuộc đời có ý nghĩa mà còn góp phần xây dựng một đất nước phát triển, nơi mọi cá nhân, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, đều có cơ hội tỏa sáng.

LÂM HẢI

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/thanh-nien-khuyet-tat-va-co-hoi-khoi-nghiep-trong-thoi-dai-so-808151
Zalo