Các nhà sản xuất ô tô châu Âu và châu Á đối mặt với chi phí logistics đến Mỹ tăng vọt

Vốn đã choáng váng vì thuế quan của ông Donald Trump, các nhà sản xuất ô tô châu Âu và châu Á tiếp tục phải đối mặt với chi phí cao hơn khi vận chuyển xe đến Mỹ, vì chính sách phí cảng mới của Washington đe dọa gây thiệt hại cho thị trường nhập khẩu ô tô đường biển trị giá 150 tỷ USD của Mỹ.

Bị cuốn vào cuộc chiến vận chuyển giữa Washington và Bắc Kinh, các nhà khai thác tàu chở ô tô sẽ phải trả 150 USD cho mỗi xe mà họ có khả năng vận chuyển vào Mỹ từ tháng 10. Ảnh: Getty.

Bị cuốn vào cuộc chiến vận chuyển giữa Washington và Bắc Kinh, các nhà khai thác tàu chở ô tô sẽ phải trả 150 USD cho mỗi xe mà họ có khả năng vận chuyển vào Mỹ từ tháng 10. Ảnh: Getty.

Theo Clarksons Research, điều đó có thể tương đương với khoản phí bổ sung khoảng 1,8 tỷ USD một năm cho ngành vận chuyển ô tô.

Điều này xảy ra sau khi Đại diện thương mại Mỹ (USTR) vào giữa tháng 4 áp dụng một khoản phí chung cho tất cả các tàu không do Mỹ chế tạo vào các cảng của Mỹ, gây ra sự hoảng loạn trong ngành vận tải biển của Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lasse Kristoffersen, giám đốc điều hành của hãng vận tải ô tô hàng đầu Wallenius Wilhelmsen, nói rằng chi phí phát sinh sẽ do các nhà sản xuất ô tô và các khách hàng khác gánh chịu, và cuối cùng "người tiêu dùng sẽ phải trả".

"Sự bất ổn quá lớn đến mức bạn phải ngừng sản xuất ô tô, bạn phải tạm dừng các quyết định, bạn phải trì hoãn xuất khẩu và tìm nguồn cung ứng phụ tùng", Kristoffersen cho biết.

Hoạt động vận tải ô tô trên biển toàn cầu, với tổng giá trị khoảng 600 tỷ USD vào năm ngoái, liên quan đến một đội tàu gồm 836 tàu chuyên dụng. Chế độ phí mới sẽ tốn tới 1,2 triệu USD cho mỗi chuyến đi đến Mỹ đối với một tàu lớn, mà Hội đồng Vận tải Biển Thế giới cho biết có thể vận chuyển 8.000 USD.

Nhiều nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với mức thuế 25% đối với các loại xe sản xuất ở nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ và các tập đoàn từ Audi và Jaguar Land Rover đến Aston Martin đã dừng các lô hàng xe đến Mỹ vì các khoản thuế này.

Mitsui OSK Lines, công ty sở hữu đội tàu lớn thứ hai thế giới, cho biết họ lo ngại chính sách cảng mới tại Mỹ "có thể tác động đáng kể đến chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp ô tô".

Andreas Enger, giám đốc điều hành của hãng vận tải ô tô Höegh Autoliners của Scandinavia, vào cuối tháng 4 cho hay khách hàng của công ty sẽ phải chia sẻ chi phí mới. "Đây là sự không chắc chắn về tác động của thuế quan đối với khách hàng của chúng tôi và dòng chảy thương mại", ông nói tại cuộc họp báo cáo thu nhập mới nhất của công ty.

Dữ liệu của Clarksons cho năm 2024 cho thấy ngành công nghiệp vận tải ô tô đã vận chuyển kỷ lục 29 triệu xe, trong đó 4,6 triệu xe đến Mỹ.

Những nỗ lực của Mỹ nhằm thách thức sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu thương mại bắt đầu dưới thời chính quyền ông Joe Biden, nơi đã mở một cuộc điều tra vào tháng 4 năm ngoái về các hoạt động kinh tế không công bằng của Trung Quốc trong lĩnh vực đóng tàu và hậu cần hàng hải.

Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Mỹ đã tái giới thiệu "Đạo luật Tàu biển vì nước Mỹ" vào thứ Tư để khởi động lại ngành đóng tàu của Mỹ.

Theo USTR, thị phần đóng tàu của Trung Quốc đã tăng vọt từ con số không vào những năm 1990 lên hơn 50% vào năm 2023, trong khi quyền sở hữu của Trung Quốc đối với đội tàu thương mại toàn cầu đã tăng lên hơn 19% vào đầu năm 2025.

Các biện pháp mới nhằm mục đích thúc đẩy sản xuất tàu trong nước nhưng chúng đã bị giảm đáng kể so với đề xuất trước đó là áp dụng mức phí lên tới 1,5 triệu USD đối với các tàu được đóng tại Trung Quốc sau cảnh báo từ các nhà xuất khẩu Mỹ về giá cước vận chuyển cao hơn và cuối cùng là giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ.

Những nhà khai thác tàu chở ô tô đã bị bất ngờ với mức phí mới không chỉ nhắm vào tàu Trung Quốc mà còn vào tất cả các tàu do nước ngoài đóng, không có miễn trừ nào đối với tần suất ghé cảng được cung cấp cho các phân khúc khác.

Những nhà khai thác tàu chở ô tô đã bị bất ngờ với mức phí mới không chỉ nhắm vào tàu Trung Quốc mà còn vào tất cả các tàu do nước ngoài đóng, không có miễn trừ nào đối với tần suất ghé cảng được cung cấp cho các phân khúc khác.

Các khoản phí mới có thể bị trì hoãn trong ba năm nếu các nhà khai thác đặt hàng và nhận hàng một tàu chở ô tô được đóng tại một xưởng đóng tàu của Mỹ trong thời gian đó.

Tổng giám đốc điều hành Hội đồng Vận tải Biển Thế giới Joe Kramek nhận định: “Điều đó không thực tế. Không có xưởng đóng tàu nào ở Mỹ có thể làm được điều đó”.

Chỉ có một tàu trong đội tàu chở ô tô biển sâu toàn cầu hiện tại được đóng tại Mỹ. Khoảng 1/5 công suất tàu chở ô tô hiện tại được đóng tại Trung Quốc, trong khi Nhật Bản chiếm 47%. Mỹ chỉ chiếm 0,1%.

Các nhà sản xuất ô tô phải đối mặt với một vấn đề nữa khi Trung Quốc chiếm 86% số tàu mới đã được đặt hàng và đang được đóng, theo Clarksons.

Kramek cho hay USTR đã quyết định áp dụng mức phí không giới hạn đối với tất cả các tàu chở ô tô, không chỉ các tàu do Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành, mà không thông báo trước cho ngành.

Các nhóm vận chuyển ô tô đang phản đối cơ sở pháp lý để quản lý các tàu chở ô tô do các quốc gia khác ngoài Mỹ sản xuất với một số giám đốc điều hành vận tải hy vọng rằng mức phí sẽ được điều chỉnh trước khi áp dụng trong năm nay.

Kramek nói: “Các biện pháp này áp dụng cho tất cả các tàu do nước ngoài đóng, mặc dù mục tiêu đã nêu của USTR là hạn chế các hành vi của Trung Quốc trên thị trường vận tải thương mại. Điều này đặt ra câu hỏi liệu USTR có vượt quá thẩm quyền của mình hay không.”

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/automotive/cac-nha-san-xuat-o-to-chau-au-va-chau-a-doi-mat-voi-chi-phi-logistics-den-my-tang-vot.htm
Zalo