Các nhà khoa học phát triển vắc xin 'Cái chết đen' do lo ngại về đại dịch tiếp theo
Nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford và từng hợp tác với AstraZeneca tạo ra vắc xin COVID-19 đang tiếp tục nỗ lực tạo ra một loại vắc xin mới nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện chủng siêu vi khuẩn của bệnh dịch hạch.
Trong lịch sử, bệnh dịch hạch đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200 triệu người trên toàn thế giới. Ba trong số bảy đại dịch toàn cầu đã được ghi nhận là do dịch hạch gây ra, một bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn Yersinia pestis.
Nghiên cứu thử nghiệm vắc xin trên 40 người lớn khỏe mạnh do nhóm Oxford thực hiện vào năm 2021 đã cho thấy những kết quả khả quan rằng vắc xin này an toàn và có khả năng tạo ra phản ứng miễn dịch ở người.
Theo giáo sư Andrew Pollard, giám đốc của Oxford Vaccine Group, kết quả thử nghiệm sẽ sớm được công bố sau khi hoàn tất quá trình đánh giá. Các thử nghiệm lâm sàng tiếp theo cũng đang được tiến hành.
Ông cho biết: "Hiện tại, Vương quốc Anh chưa có bất kỳ loại vắc xin phòng bệnh dịch hạch nào được cấp phép sử dụng. Kháng sinh vẫn là phương pháp điều trị chính”.
Các nhà khoa học của chính phủ đã thúc đẩy việc phê duyệt và sản xuất vắc xin quy mô lớn, đặc biệt khi bệnh này vẫn còn tồn tại ở một số khu vực trên thế giới và có "khả năng lây lan thành đại dịch".
Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Quốc phòng Porton Down đã nhấn mạnh sự cần thiết phải đẩy nhanh việc phát triển vắc xin "để ngăn ngừa các đợt bùng phát dịch hạch thảm khốc trong tương lai". Các chủng vi khuẩn gây bệnh hiện có thể kháng thuốc, gây khó khăn trong việc điều trị.
Bệnh dịch hạch lây lan qua bọ chét, chúng truyền vi khuẩn từ loài gặm nhấm sang người qua vết cắn. Dịch hạch, hay còn được gọi với cái tên 'Cái chết đen' đã cướp đi sinh mạng của một nửa dân số châu Âu.
Bệnh dịch hạch có thể biểu hiện dưới ba dạng chính: dịch hạch thể hạch, dịch hạch thể phổi và dịch hạch thể nhiễm trùng huyết. Trong đó, dịch hạch thể phổi có thể gây ra tình trạng viêm phổi nặng, khó thở và ho ra máu, nếu không được điều trị kịp thời trong 24 giờ, nó có thể dẫn đến tử vong. Cả hai dạng đều có nguy cơ tiến triển thành dịch hạch thể nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng người bệnh.
Kể từ khi thuốc kháng sinh ra đời vào thế kỷ 20, mối lo ngại về dịch hạch đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng kháng thuốc đang diễn ra trên toàn cầu và dự kiến sẽ giết chết 39 triệu người vào năm 2050.
Các trường hợp kháng thuốc đã được ghi nhận tại Madagascar và Peru, cho thấy nguy cơ "siêu vi khuẩn" dịch hạch là hoàn toàn có thể xảy ra.
Giáo sư Tim Atkins cho biết: “Nếu bị nhiễm vi khuẩn dịch hạch kháng thuốc kháng sinh, việc điều trị có thể kém hiệu quả và người nhiễm có thể bị bệnh lâu hơn”.
"Mặc dù đã xuất hiện các chủng kháng thuốc, vẫn còn các loại kháng sinh khác có thể được sử dụng như phương án dự phòng. Kháng kháng sinh không chỉ là vấn đề của riêng dịch hạch mà còn là mối lo ngại đối với các nhiễm trùng phổ biến như MRSA ở Vương quốc Anh".
Nguy cơ dịch hạch do siêu vi khuẩn hiện nay vẫn thấp nhưng có thể tăng lên do biến đổi khí hậu, khiến các bệnh ở động vật dễ lây lan sang người hơn, ông nói thêm.
Tiến sĩ Simon Clarke cho biết: “Yersinia pestis được coi là nhạy với hầu hết các loại kháng sinh, do đó có thể điều trị nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, điều đó đang thay đổi và tình trạng kháng thuốc đang gia tăng”.