Cảnh báo gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởngkhoa Nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy.

TS-BS Lê Quốc Hùng, Trưởngkhoa Nhiễm, Bệnh viện Chợ Rẫy.

Kháng thuốc kháng sinh là hiện tượng vi khuẩn có khả năng tự phòng vệ, chống lại tác động của thuốc kháng sinh được dùng điều trị bệnh.

TS-BS LÊ QUỐC HÙNG, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) nhấn mạnh, Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

Sử dụng thuốckháng sinh tràn lan

Xin ông cho biết tình trạng kháng kháng sinh hiện nay tại Việt Nam?

- Việt Nam đang là một trong những quốc gia có tình trạng kháng kháng sinh cao nhất thế giới và rất đáng báo động. Không chỉ các cấp của hệ thống chăm sóc sức khỏe sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý, mà trong nhiều lĩnh vực khác như: nuôi thủy sản, chăn nuôi và trong cộng đồng cũng đang có tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh. Bộ Y tế cũng đã xác định phòng, chống kháng thuốc là một trong những mục tiêu ưu tiên của ngành y tế nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân.

Nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này, thưa ông?

- Về khách quan, các loại vi sinh vật là sinh vật sống nên thường xuyên biến hóa, đột biến để tạo ra những chủng vi sinh vật mới có khả năng trốn thoát các tác nhân có thể tiêu diệt nó. Đó là thuốc kháng sinh, thuốc chống đông hiện hành.

Tổ chức Y tế thế giới đã xác định vi sinh vật kháng thuốc là một trong những vấn đề ảnh hưởng lớn nhất đến sức khỏe con người, đồng thời phát động phong trào chống lại tình trạng này.

Nguyên nhân chủ quan là do việc sử dụng thuốc kháng sinh không hợp lý ở khối y tế và nhiều lĩnh vực khác. Một nghiên cứu của Bộ Y tế đã chỉ ra rằng, có đến hơn 90% các bà mẹ đã tự mua thuốc kháng sinh cho con mình uống mà không cần đến chỉ định của bác sĩ.

Tại các cơ sở y tế, mặc dù đã có những quy định rất ngặt nghèo nhưng sự phát triển của vi sinh vật rất phức tạp, làm cho chúng ta có những lúc sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp. Cũng có khi bệnh nhân không dùng thuốc đầy đủ theo liệu trình chỉ định của bác sĩ, tự ý bỏ liều khiến vi khuẩn sống sót. Từ đó làm cho tình trạng kháng kháng sinh ngày càng nhiều và đã trở thành dịch.

Ngoài ra, còn có tình trạng người dân lạm dụng thuốc kháng sinh trong sản phẩm nông nghiệp, cụ thể là trồng trọt và chăn nuôi dẫn đến nhiều sản phẩm có dư lượng thuốc kháng sinh khá lớn.

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu soạn thuốc để cấp cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: H.Dung

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu soạn thuốc để cấp cho bệnh nhân theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: H.Dung

Hành động ngay để bảo vệ sức khỏe chính mình và cộng đồng

Nhiều bệnh nhân còn rất nhỏ tuổi nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy đã kháng hầu hết các loại kháng sinh. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người bệnh, thưa ông?

- Tình trạng kháng kháng sinh ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người bệnh. Người bệnh bị nhiễm các loại vi khuẩn này có khả năng gặp biến chứng nặng, thậm chí tử vong cao so với những người không bị kháng kháng sinh hoặc kháng ít. Tiếp đó, làm gia tăng chi phí điều trị và gia tăng áp lực lên công tác quản lý của ngành y tế. Chẳng hạn, một người bệnh nếu không bị nhiễm các vi khuẩn đa kháng thì chỉ cần điều trị khoảng 2-3 ngày trong bệnh viện sẽ cải thiện và được xuất viện. Ngược lại, người bệnh bị kháng kháng sinh nhiều phải điều trị lâu hơn, phức tạp hơn và đôi khi có những biến chứng nặng buộc phải sử dụng những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao như: thở máy, lọc máu, chạy ECMO… Từ đó làm tiêu hao nhiều nhân lực, vật lực của ngành y tế.

Vậy xã hội bị ảnh hưởng như thế nào từ tình trạng này?

- Một bệnh nhân nếu phải nằm điều trị lâu ngày trong bệnh viện đồng nghĩa với việc người đó bị mất sức lao động, không thể lao động để sản sinh ra của cải, vật chất. Thống kê của một tạp chí quốc tế uy tín trên thế giới đã xác định Việt Nam là một trong 5 nước có chi phí sử dụng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới. Như vậy, tình trạng kháng kháng sinh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người bệnh, mà còn ảnh hưởng đến cả ngành y tế và sự phát triển kinh tế - xã hội của cả một quốc gia.

Các cơ quan chức năng đã có những quy định gì để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh?

- Về luật, chúng ta đã có nhiều luật, quy định để ràng buộc, chẳng hạn như với những thuốc cần phải kê đơn và những thuốc không cần kê đơn. Tuy nhiên, thực tế người dân vẫn dễ dàng mua thuốc kháng sinh. Từ năm 2023, Cục Y tế dự phòng và Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cục Dược, các bộ, ngành để triển khai nhiều giải pháp mang tính chất pháp lý mạnh hơn. Chúng ta cũng đã ban hành chiến lược tầm nhìn đến năm 2030 và xa hơn nữa đến năm 2050 về các nhiệm vụ chiến lược để kiểm soát việc sử dụng thuốc kháng sinh trong cộng đồng mà không có đơn của bác sĩ.

Đến nay, đã có những hiệu quả bước đầu. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm nhiều hệ thống nhà thuốc làm tốt vấn đề này.

Người dân cần lưu ý gì trong việc sử dụng thuốc kháng sinh, thưa ông?

- Bất cứ một chính sách nào của Nhà nước nói chung và của Bộ Y tế nói riêng cũng rất cần sự đồng thuận, chung tay của người dân. Nếu lạm dụng, sử dụng thuốc kháng sinh vô tội vạ, không đúng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của không chỉ cá nhân người bệnh, mà cả cộng đồng, quốc gia. Do vậy, người dân cần biết được hậu quả của vấn đề này, nâng cao kiến thức, thay đổi nhận thức và hành vi, sử dụng thuốc hợp lý, đúng chỉ định của bác sĩ để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, tăng cường sức khỏe cho cộng đồng.

Xin cảm ơn ông!

Hạnh Dung (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phong-van/202501/canh-bao-gia-tang-tinh-trangkhang-thuoc-khang-sinh-0046320/
Zalo