Các nhà băng 'tăng tốc' vốn cho hoạt động xuất nhập khẩu

Sự tiếp sức về nguồn vốn ưu đãi và dịch vụ thanh toán quốc tế với chi phí thấp đã giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thêm lực đẩy, vững vàng trong năm 2025.

Doanh nghiệp “khát” vốn

Thời điểm cuối năm luôn là thời điểm nước rút của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Doanh thu giai đoạn này nếu làm tốt có thể bằng, thậm chí nhiều hơn doanh thu của vài tháng cộng lại. Chính vì vậy, đây là giai đoạn mà các doanh nghiệp cần được hỗ trợ hơn bao giờ hết, nhất là về nguồn vốn.

Công ty xuất khẩu ván bóc của anh Minh Luân (Hà Nội) có nhiều lô hàng được các đối tác nhập khẩu ở nước ngoài ký hợp đồng mua hàng và mở LC cho công ty anh. Tuy nhiên, vì thời gian thành lập công ty mới chỉ 9 tháng; đặc biệt, công ty cũng không còn tài sản để thế chấp vì đã dùng cho các đơn hàng trước,… cho nên dù đã khắp các ngân hàng vẫn chưa có nơi nào nhận hỗ trợ cấp vốn để anh Luân thu mua nguyên vật liệu đầu vào, gia công nguồn hàng. Trước nguy cơ giảm uy tín với đối tác và khả năng mất luôn đơn hàng, anh Luân vừa đau đầu vừa tiếc nuối.

Theo các chuyên gia tài chính, những ngày chuyển giao năm mới là thời điểm thị trường tài chính sôi động nhất khi các công ty bổ sung vốn lưu động và hoàn tất hợp đồng chuẩn bị cho một hành trình mới. Tuy nhiên, áp lực chi phí tăng cao và quy trình vay vốn phức tạp đang là những thách thức lớn đối với doanh nghiệp. Đặc biệt, doanh nghiệp xuất nhập khẩu còn phải đối mặt với biến động tỷ giá ngoại tệ ảnh hưởng đến chi phí giao dịch quốc tế và lợi nhuận. Nhu cầu tài trợ trước và sau giao hàng tăng mạnh cuối năm buộc các công ty phải tìm kiếm giải pháp tài chính tối ưu để duy trì dòng tiền ổn định.

Truyền thêm ‘sức mạnh’ cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu

Hiểu được những khó khăn, cũng như nắm bắt được nhu cầu của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các ngân hàng đã tung ra nhiều gói ưu đãi hấp dẫn cho các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như hỗ trợ về tiếp cận tín dụng.

Mới đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 35 năm thành lập, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) triển khai chương trình “I-One ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhập khẩu”, nhằm giúp các đơn vị tiếp cận nguồn vốn ưu đãi và dịch vụ thanh toán quốc tế với chi phí tối thiểu.

Chương trình ưu đãi I-One. Ảnh: Eximbank

Chương trình ưu đãi I-One. Ảnh: Eximbank

Cụ thể, nhà băng này áp dụng mức lãi suất vay ngoại tệ (USD) từ 3,8% một năm và lãi suất vay nội tệ (đồng) từ 4,9% một năm. Điều này tạo điều kiện để doanh nghiệp dễ dàng cân đối dòng tiền và mở rộng hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, Eximbank còn miễn 100% phí phát hành thư tín dụng (Letter of Credit - L/C), áp dụng cả tại quầy và online. Khách hàng còn được miễn phí chuyển tiền quốc tế, điện phí và phí phát hành bảo lãnh nộp thuế. Doanh nghiệp có doanh số thanh toán quốc tế cao nhất trong thời gian diễn ra chương trình sẽ nhận được quà tặng từ Eximbank.

Tương tự, Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện đại (MBV) cũng triển khai gói tín dụng ưu đãi với lãi suất từ 6,5%/năm (dành cho Việt Nam đồng) và từ 4,5%/năm (dành cho USD).

Đại diện nhà băng cho biết điều kiện vay của các gói này được tối giản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, hạn chế rào cản thủ tục. Ngân hàng cũng triển khai hai chương trình: “Bảo lãnh nhanh - Về đích ngay” và “Xuất nhập khẩu trọn gói, ưu đãi vượt trội”, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong các ngành thế mạnh của Việt Nam như gạo, gỗ, cafe, điện, và thiết bị y tế.

Các lợi ích bao gồm miễn phí và không yêu cầu ký quỹ phát hành bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh bảo hành, thời gian xử lý bảo lãnh trong ngày và miễn phí chuyển tiền quốc tế. Đặc biệt, ngân hàng tài trợ trước giao hàng lên đến 90% và sau giao hàng đến 98% cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam thịnh vượng (VPBank), doanh nghiệp có thể chuyển/nhận ngoại tệ tại bất cứ đâu và có thể thực hiện giao dịch thông qua dịch vụ online mà không phải ra ngân hàng, điều này đem lại rất nhiều lợi ích khi doanh nghiệp làm ăn với các đối tác chênh lệch múi giờ hành chính.

Cùng với đó, dịch vụ chiết khấu bộ chứng từ theo L/C xuất khẩu tại VPBank, doanh nghiệp cũng được “yểm trợ” từ A đến Z. Từ việc được ngân hàng ứng trước tiền cho lô hàng ngay khi có hợp đồng xuất khẩu, đến việc nhận được tỷ lệ chiết khấu nằm trong top cao nhất thị trường, thời gian chiết khấu dài với phí và lãi suất cạnh tranh. Thời gian xử lý chỉ gói gọn trong vòng 4 tiếng, kể từ khi nhận đủ bộ hồ sơ cho đến khi doanh nghiệp được giải ngân.

Bên cạnh hai sản phẩm chủ lực rất được các doanh nghiệp ưa chuộng nói trên, VPBank còn tiếp sức doanh nghiệp xuất nhập khẩu về nguồn vốn không cần tài sản bảo đảm, hạn mức đến 5 tỷ đồng, quy trình giản lược thông qua kênh online, đặc biệt có chính sách ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp thông thường, lãi suất ở mức cạnh tranh trên thị trường chỉ từ 5,5%/năm.

Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi các ngân hàng còn triển khai các dịch vụ thanh toán quốc tế với chi phí thấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Tuấn Hưng

Bên cạnh nguồn vốn ưu đãi các ngân hàng còn triển khai các dịch vụ thanh toán quốc tế với chi phí thấp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Ảnh: Tuấn Hưng

Đặc biệt, VPBank ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm đặc thù như: Cà phê, gạo, nhựa, thép, gỗ, dệt may, dược và thiết bị y tế… Doanh nghiệp cũng có thể tận dụng sản phẩm tài trợ xuất khẩu trước giao hàng theo L/C xuất khẩu của VPBank với tỷ lệ tài trợ lên tới 80% giá trị L/C xuất khẩu, tài sản bảo đảm là quyền đòi nợ từ hợp đồng xuất khẩu có phương thức thanh toán là L/C. Các chính sách này giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực tài chính để chuyên tâm vào các hoạt động kinh doanh và giao thương.

Nhà băng này cũng vừa cho ra mắt sản phẩm tiên phong trên thị trường dành cho mảng xuất nhập khẩu, đó là Tài trợ Xuất khẩu trước giao hàng, hướng đến phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ. Đây cũng là đối tượng khó tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ xuất nhập khẩu bởi các ràng buộc về điều kiện thời gian hoạt động, có tài sản bảo đảm, cũng như thỏa tiêu chí về doanh thu/lợi nhuận năm gần nhất…Với sản phẩm Tài trợ Xuất khẩu trước giao hàng, VPBank sẵn sàng hỗ trợ cả những doanh nghiệp mới thành lập từ 6 tháng, không có hoặc thiếu tài sản bảo đảm.

Theo đó, hạn mức tối đa mà doanh nghiệp có thể nhận là 5 tỷ đồng nếu doanh nghiệp có phương án vừa nhận tài trợ tín chấp kết hợp với thế chấp. Riêng với doanh nghiệp không có tài sản bảo đảm thì có thể nhận tài trợ lên đến 1,5 tỷ đồng, doanh nghiệp chỉ cần chứng minh phương án kinh doanh và năng lực tài chính để nhận mức tài trợ phù hợp.

“Tôi cũng không ngờ VPBank lại có chính sách hỗ trợ vốn linh hoạt và hợp lý cho doanh nghiệp như vậy, không chỉ nới lỏng về điều kiện nhận vốn mà quy trình thủ tục xử lý cũng rất nhanh gọn. Trong 2 ngày kể từ khi cung cấp đầy đủ hồ sơ chứng từ và nhận hạn mức chính thức thì tôi đã được giải ngân. Điều này giúp tôi nhanh chóng xử lý đơn hàng, cũng có nghĩa là tôi kịp giao hàng đúng cam kết và giữ được mối làm ăn cho các thương vụ tiếp theo.” - anh Minh Luân chia sẻ.

Theo lãnh đạo các ngân hàng, thị trường xuất nhập khẩu cuối năm có nhiều triển vọng và điểm sáng. Theo đó, sự tiếp sức của ngành ngân hàng đối với doanh nghiệp là hết sức cần thiết trong giai đoạn này. Với hành động cụ thể của các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ có thêm lực đẩy mới để tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, các chính sách trợ lực để vững vàng lấy đà tăng trưởng vào năm 2025.

Tính đến ngày 13/12/2024, tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng trưởng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, với một phần lớn tập trung vào các lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-nha-bang-tang-toc-von-cho-hoat-dong-xuat-nhap-khau-367910.html
Zalo