Nông sản Tết đua nhau lên sóng livestream
Livestream bán nông sản có tiềm năng rất lớn, nhất là khi dịch vụ hậu cần, logistics chuyên biệt cho mảng này đang phát triển
Hoa, cây cảnh là mảng được cho là khó bán hàng online bởi hàng hóa có giá trị thấp, yêu cầu đóng gói và vận chuyển cầu kỳ. Thế nhưng, chỉ sau hơn 1 năm đầu tư và chăm chỉ livestream từ 10-12 giờ/ngày, chị Hồ Thơ, chủ vựa cây giống Huyền Linh Garden (huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), đã mở rộng quy mô đáng kể.
Ngày càng phát đạt
Ban đầu, vợ chồng chị tự vận hành, bán sản phẩm vườn tự sản xuất, nay bán thêm sản phẩm của các nhà vườn lân cận. Chị còn thuê thêm 2 nhân viên phụ livestream, 5-6 người đóng hàng và tăng ca liên tục từ đầu tháng chạp đến nay. Khách hàng chính ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung bởi hoa từ Bến Tre vẫn mới mẻ ở những vùng này.
Theo chị Thơ, ngày đầu đóng cây cảnh, hoa giao đi các tỉnh xa, tỉ lệ hàng bị hỏng nhiều nhưng dần dần rút kinh nghiệm, hạ tỉ lệ hàng hỏng xuống dưới 4%. Trong trường hợp này, khách chỉ cần chụp ảnh, quay video và báo lại, cửa hàng sẽ gửi bù cây khác. "Do bán qua livestream, khách thấy sản phẩm qua màn hình thường có cảm giác to hơn thực tế. Hồi đầu, khi nhận sản phẩm, một số khách hàng chê cây nhỏ. Chúng tôi phải mô tả kích thước sản phẩm kỹ, không để sản phẩm quá gần màn hình" - chị Thơ nêu kinh nghiệm.
Anh Nguyễn Lê Khánh Hoàng, chủ thương hiệu Dừa Sáp Ông Hoàng, đã livestream bán nông sản từ năm 2016 đến nay với nhiều mặt hàng như: cúc mâm xôi, sầu riêng, dừa sáp và sản phẩm chế biến từ dừa sáp. Trong suốt thời gian đó, anh nhận thấy rất nhiều người cùng kinh doanh như mình đã rời cuộc chơi. Bản thân anh phải thay đổi rất nhiều mới trụ lại được. Trước đây, nhiều người đưa nông sản đặc sản lên sàn bán với giá cao, lợi nhuận nhiều để có thể trang trải các chi phí về đóng gói, vận chuyển, bù trừ hàng hư hỏng... Nhưng nay, kinh tế khó khăn, người tiêu dùng so sánh giá rất kỹ, lại thêm việc các sàn siết chặt các điều kiện, nâng phí sàn khiến biên lợi nhuận giảm mạnh. "Trước đây, mứt dừa sáp tôi bán hơn 2 triệu đồng/kg nhưng nay chỉ còn 1,6-1,7 triệu đồng/kg. Muốn tồn tại, chỉ có cách tối ưu hóa vận hành, giảm chi phí và tăng lượng bán. Mỗi đơn hàng nay lãi 5% là tốt rồi" - anh Hoàng bày tỏ.
Anh Hoàng nhận xét các phiên livestream nông sản luôn có nhiều lượt xem hơn các mặt hàng khác, nhu cầu mua của khách cao, vấn đề là phải có giá hợp lý và sản phẩm đóng gói, bảo quản, vận chuyển đến tay người tiêu dùng vẫn bảo đảm chất lượng.
Tiếp tục hoàn thiện
TikToker Thiện Nhân (Tống Thanh Nhàn) - người thường xuyên livestream bán nông sản trong các chiến dịch của TikTok Shop - nhìn nhận có nhiều đặc sản vùng miền chính người Việt cũng chưa biết đến. Ví dụ như dừa sáp Cầu Kè (Trà Vinh) còn xa lạ với người tiêu dùng khu vực phía Bắc, miền Trung.
Với TikToker này, việc bán nông sản không phải để "giải cứu" sản phẩm mà để tiếp cận nhiều người tiêu dùng, nâng cao hơn thương hiệu nông sản Việt. "Năm 2024, tôi đã thử bán sầu riêng tươi, người mua săn đón nhưng kết quả là tôi phải đền đến 1 tấn sầu riêng vì đến tay người dùng hư hỏng. Nhưng tôi sẽ không từ bỏ và rút kinh nghiệm cho những mùa sau, đặc biệt là khâu đóng gói và chọn đơn vị vận chuyển hỏa tốc" - Thiện Nhân nói.
KOC Huyền Phi nhìn nhận bán nông sản online không dễ. Đầu tiên, nhà bán hàng phải tư vấn rõ ràng về cách dùng, cách bảo quản; phải đóng gói hàng hóa sao cho không bị hư hỏng, đến tay người dùng phải nguyên vẹn. Nên chọn những mặt hàng có thời gian bảo quản lâu để không hư hỏng trên đường vận chuyển.
Huyền Phi cho rằng livestream bán nông sản không chỉ KOL/KOC mới làm được, quan trọng là sản phẩm chất lượng, khách hàng sẽ tìm đến. "Bán hàng nông sản qua livestream sẽ mở lối cho hàng Việt nhưng cần phải tìm cách rút ngắn thời gian vận chuyển, đóng gói tiết kiệm và chỉn chu hơn. Ví dụ, bưởi cần bỏ cành, lá và phải thông báo trước với khách về điều này. Những nông sản như: xoài, cóc, ổi dễ có thể làm dưới dạng sấy khô, mứt dẻo để giảm rủi ro hư hỏng" - KOC Huyền Phi gợi ý.
Bản thân chị đang mong muốn có thêm nhiều đơn vị chuyên vận chuyển nông sản, thời gian giao ngắn để giúp nông dân tiêu thụ nông sản tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Tùng Giang - nhà sáng lập G Investment Group, livestream bán nông sản sẽ giúp người tiêu dùng tiếp cận nhiều đặc sản vùng miền hơn. Người bán tiết kiệm được chi phí thuê mặt bằng và phù hợp với xu thế mua hàng hiện nay. "Tuy nhiên, để thành công với livestream bán hàng nông sản, nhà bán hàng cần kết hợp giữa chất lượng sản phẩm, kỹ năng bán hàng và quản lý đơn để tránh thiếu sót hoặc không kiểm soát được hàng hóa. Còn nếu livestream xuất khẩu nông sản cần phải có hệ thống logistics, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu, giá cả, thuế suất… nên cần có sự hỗ trợ từ sàn và cơ quan quản lý" - ông Giang nói.
Hướng đi mới của ngành sầu riêng
Mới đây, lần đầu tiên đặc sản sầu riêng Ri 6 đông lạnh đạt chuẩn OCOP (chương trình "Mỗi xã một sản phẩm") 5 sao của Bến Tre được bán qua livestream đến thị trường Hà Nội. Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đánh giá đây là hướng đi mới của ngành sầu riêng, bởi lẽ, sầu riêng đông lạnh có giá ổn định và ít rủi ro vận chuyển hơn so với sầu riêng tươi. Đây cũng được xem là phiên thử vận hành trước khi chuẩn bị livestream bán sầu riêng đông lạnh Việt Nam đến thị trường Trung Quốc với các KOL/KOC nước này. Ông Nguyễn Khánh Toàn, Giám đốc phụ trách quan hệ chính phủ TikTok Việt Nam, chia sẻ Malaysia đã mời diễn viên Trung Quốc Phạm Băng Băng quảng bá sầu riêng nước này. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể kết hợp với nhà nhập khẩu Trung Quốc mời những người nổi tiếng như ca sĩ Chi Pu (đang thành công tại thị trường giải trí của Trung Quốc) cùng với diễn viên nổi tiếng nước này như Lưu Diệc Phi livestream bán sầu riêng Việt Nam.
Trước đó, Tổng Công ty Bưu chính Viettel (Viettel Post) đã ra mắt sàn VIPO Mall, cung cấp giải pháp thương mại điện tử cho doanh nghiệp sản xuất Việt Nam mở rộng xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là những mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như: nông - lâm - thủy sản và đồ thủ công mỹ nghệ... Ngay sau đó, Viettel Post khai trương Công viên Logistics tại Lạng Sơn, trung tâm giao dịch nông sản, kết nối các loại nông sản chất lượng cao từ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan và nhiều quốc gia khác trong khu vực. Ông Phạm Quyết Tiến, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh sàn nông sản và thương mại điện tử của Vietnam Post, cho biết sàn đang có các chiến dịch cho từng sản phẩm vùng miền. Sàn cũng đang xây dựng bộ máy và phương án xuất khẩu nông sản.