Các mốc thời gian của kế hoạch sáp nhập tỉnh, xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp
Trung ương ban hành Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, trong đó đề cấp đến nội dung, nhiệm vụ, các mốc thời gian dự kiến hoàn thành một số công việc liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp.

Trung ương ban hành Kế hoạch sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã. Ảnh: Báo Lao động
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, đã ký ban hành Kế hoạch số 47-KH/BCĐ của Ban Chỉ đạo về thực hiện sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, Ban Chỉ đạo nêu rõ nội dung, nhiệm vụ, thời gian dự kiến hoàn thành thực hiện sắp xếp, sáp nhập tỉnh, xã và xây dựng hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp.
Dự kiến các mốc thời gian thực hiện nhiệm vụ liên quan đến sáp nhập tỉnh, xã, xây dựng chính quyền địa phương 2 cấp:
Dự kiến 20/4, Đảng ủy Chính phủ, Ban Chỉ đạo đề nghị phối hợp với Đảng ủy Quốc hội hướng dẫn các địa phương tổ chức lấy ý kiến nhân dân về các nội dung cụ thể sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
Dự kiến 25/4, Ban Chỉ đạo yêu cầu Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo ban hành các quy định, hướng dẫn về nguyên tắc, tiêu chuẩn, điều kiện, đặt tên, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính, bảo đảm số lượng xã, phường, đặc khu sau sáp nhập của từng tỉnh, thành phố theo đúng định hướng; về sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện.
Dự kiến 25/4, ban hành hướng dẫn về bố trí kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính; lựa chọn vị trí, bố trí trụ sở làm việc, nhà công vụ sau sắp xếp đơn vị hành chính; về quản lý, sử dụng, xử lý tài sản, đất đai, trụ sở làm việc, nhà ở công vụ… khi không tổ chức cấp huyện; về quản lý, xử lý trụ sở, tài sản, đất đai dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính.
Dự kiến 5/5, Ban Chỉ đạo yêu cầu ban hành hướng dẫn thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sáp nhập cấp xã, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, tổ chức lại hệ thống thanh tra…
Dự kiến 30/6, ban hành quy định, hướng dẫn kết thúc thanh tra cấp huyện; sắp xếp, tổ chức lại các tổ chức thuộc thanh tra cấp tỉnh.
Dự kiến 30/6, Đảng ủy Quốc hội, Ban Chỉ đạo yêu cầu xem xét, quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; trong đó, quy định điều khoản chuyển tiếp để hoàn thành việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy và các đơn vị hành chính cấp xã chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước ngày 15/8, các đơn vị hành chính cấp tỉnh chính thức đi vào hoạt động chậm nhất trước 15/9.
Dự kiến 31/7, các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương không thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh cần sáp nhập cơ quan phát thanh, truyền hình cấp tỉnh vào cơ quan báo của đảng bộ cấp tỉnh; kết thúc thanh tra cấp huyện, sắp xếp thanh tra cấp tỉnh; sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh.
Với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương thuộc diện sắp xếp, trước khi sáp nhập cần lãnh đạo, chỉ đạo tỉnh ủy, thành ủy nơi được xác định là trung tâm chính trị - hành chính của đơn vị hành chính cấp tỉnh mới chủ trì, phối hợp chặt chẽ với tỉnh ủy, thành ủy (đã được Ban Chấp hành Trung ương đồng ý chủ trương sáp nhập) xây dựng Đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh; lấy ý kiến nhân dân, hoàn thiện đề án, trình Chính phủ, hoàn thành vào 1/5.
Dự kiến 31/12, sắp xếp các cơ quan thuế, hải quan, kho bạc Nhà nước, chi nhánh ngân hàng nhà nước, bảo hiểm xã hội, thống kê… đồng bộ với việc sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Đặc biệt, mốc thời gian 15/9 là thời điểm cần nghiên cứu, ban hành chính sách nhà công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức sau khi sắp xếp đơn vị hành chính.
Ban Chỉ đạo quán triệt cần bảo đảm các cơ quan, đơn vị, tổ chức trước, trong và sau sắp xếp hoạt động liên tục, thông suốt, hiệu quả, không để gián đoạn công việc. Đặc biệt, cần kiểm soát chặt chẽ tình hình, bảo đảm an ninh trật tự ở các địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người hoặc phát sinh điểm nóng, phức tạp.