Các mẹo giảm mồ hôi hiệu quả trong những ngày nóng nực

Kiểm soát mồ hôi giúp bạn cảm thấy tự tin và bảo vệ sức khỏe làn da. Thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt và chế độ ăn uống hợp lý có thể giúp bạn tận hưởng mùa hè một cách dễ chịu, hiệu quả hơn.

Khi mùa hè đến, nhiệt độ tăng cao khiến cơ thể chúng ta phải điều tiết bằng cách tiết mồ hôi để làm mát. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, lượng mồ hôi tiết ra quá nhiều không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là trong công việc, giao tiếp hay khi tham gia các hoạt động ngoài trời. Để giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn trong những ngày nắng nóng, dưới đây là các mẹo hiệu quả giúp giảm tiết mồ hôi mà bạn có thể áp dụng hàng ngày.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giữ cơ thể sạch sẽ và khô thoáng

Việc vệ sinh cơ thể đều đặn là cách đơn giản và cần thiết để hạn chế mồ hôi. Nên tắm ít nhất 1–2 lần mỗi ngày, đặc biệt sau khi vận động hoặc ra ngoài trời nắng. Khi tắm, nên sử dụng xà phòng diệt khuẩn nhẹ để loại bỏ vi khuẩn và mồ hôi tích tụ, nguyên nhân gây mùi khó chịu. Sau khi tắm, lau thật khô các vùng dễ đổ mồ hôi như nách, bẹn, dưới ngực và lưng. Bạn có thể rắc thêm phấn rôm để giữ cho da khô ráo suốt ngày dài.

Chọn quần áo phù hợp với thời tiết

Quần áo có chất liệu thoáng khí và thấm hút mồ hôi tốt là yếu tố quan trọng giúp hạn chế cảm giác nóng nực và đổ mồ hôi. Cotton, lanh (linen), rayon hoặc các loại vải thể thao chuyên dụng (dry-fit) là lựa chọn lý tưởng. Tránh mặc đồ bó sát hoặc chất liệu tổng hợp như polyester, vì chúng giữ nhiệt và làm tăng độ ẩm da. Ngoài ra, màu sắc cũng đóng vai trò quan trọng - nên chọn màu sáng, trung tính để phản xạ ánh nắng thay vì hấp thụ nhiệt như màu tối.

Sử dụng lăn khử mùi chứa chất chống mồ hôi

Không nên nhầm lẫn giữa khử mùi và chất chống mồ hôi. Khử mùi chỉ giúp kiểm soát mùi hôi, còn chất chống mồ hôi (antiperspirant) có chứa hợp chất như aluminum chloride giúp giảm lượng mồ hôi tiết ra từ tuyến mồ hôi. Thời điểm sử dụng hiệu quả nhất là buổi tối, trước khi đi ngủ. Khi đó, cơ thể ít tiết mồ hôi, tạo điều kiện cho sản phẩm thẩm thấu và phát huy tác dụng tốt hơn trong ngày hôm sau.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Thức ăn cay nóng, đồ uống chứa caffeine (như cà phê, nước tăng lực), rượu và thực phẩm nhiều dầu mỡ có thể kích thích tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn. Thay vào đó, hãy bổ sung nhiều rau xanh, trái cây mọng nước như dưa hấu, cam, bưởi, dưa leo - những thực phẩm giúp thanh nhiệt và giải độc cho cơ thể. Uống đủ 2-2,5 lít nước mỗi ngày để điều hòa thân nhiệt. Nước lọc, nước dừa tươi và trà thảo mộc (trà hoa cúc, trà bạc hà) là lựa chọn lý tưởng trong mùa hè.

Giữ tinh thần ổn định, hạn chế căng thẳng

Stress và lo âu là nguyên nhân phổ biến gây đổ mồ hôi nhiều, đặc biệt ở lòng bàn tay, lòng bàn chân và vùng nách. Bạn nên dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và thực hiện các hoạt động giúp thư giãn tinh thần như đọc sách, nghe nhạc, tập yoga, thiền hoặc hít thở sâu. Khi kiểm soát được tinh thần, cơ thể cũng sẽ tiết mồ hôi ít hơn.

Áp dụng các nguyên liệu tự nhiên

Một số nguyên liệu có khả năng làm se lỗ chân lông, khử mùi và giảm tiết mồ hôi:

Giấm táo: Dùng bông gòn thấm giấm táo lau vùng nách vào buổi tối trước khi ngủ, sau đó rửa sạch vào sáng hôm sau.

Chanh tươi: Acid citric trong chanh giúp diệt khuẩn và khử mùi. Bạn có thể thoa trực tiếp một lát chanh lên vùng nách hoặc trộn nước cốt chanh với muối để rửa tay/chân.

Lá trầu không: Giã nhuyễn 3-5 lá trầu rồi đắp lên vùng da hay đổ mồ hôi trong 15-20 phút. Thực hiện 2-3 lần/tuần giúp giảm mồ hôi hiệu quả.

Tạo không gian sống mát mẻ

Không gian sống thoáng đãng và mát mẻ giúp hạn chế tiết mồ hôi không cần thiết. Mở cửa sổ, sử dụng quạt hoặc máy điều hòa, bố trí thêm cây xanh trong nhà để giảm nhiệt độ. Vào ban ngày, nên kéo rèm cửa để ngăn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng. Buổi tối, có thể dùng quạt hút ẩm để cân bằng độ ẩm không khí.

Khi nào cần đến sự can thiệp y tế?

Nếu bạn đã áp dụng nhiều biện pháp mà vẫn đổ mồ hôi quá mức, ảnh hưởng đến sinh hoạt, rất có thể bạn đang mắc chứng tăng tiết mồ hôi (hyperhidrosis). Trong trường hợp này, bạn nên đến gặp bác sĩ da liễu để được tư vấn. Một số phương pháp y tế được sử dụng bao gồm:

Tiêm botox: Giúp ngăn tín hiệu thần kinh kích thích tuyến mồ hôi.

Điện di ion: Sử dụng dòng điện nhẹ để giảm hoạt động của tuyến mồ hôi.

Phẫu thuật: Chỉ áp dụng cho các trường hợp nghiêm trọng, khi các phương pháp khác không hiệu quả.

Theo khoahocdoisong.vn

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/doi-song/202505/cac-meo-giam-mo-hoi-hieu-qua-trong-nhung-ngay-nong-nuc-1d37a93/
Zalo