Các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua sẽ là giải pháp căn cơ, hiệu quả để đạt mục tiêu phát triển KT-XH
Chia sẻ bên lề Quốc hội sau khi kết thúc Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An nêu rõ, Đợt 1 của Kỳ họp này đã thành công tốt đẹp, ghi nhận nhiều điểm nhấn quan trọng về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước nhằm tháo gỡ vướng mắc, thích ứng với thực tiễn phát triển KT-XH. Đại biểu bày tỏ kỳ vọng việc Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết tại Đợt 2 tới đây sẽ là giải pháp căn cơ nhất, hiệu lực, hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển KT-XH của năm nay và những năm tiếp theo.
Chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Đồng hành cùng Chính phủ hoàn thành cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội
Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11/2024. Sau 20 ngày làm việc, Đợt 1 của Kỳ họp này đã kết thúc tốt đẹp. Bên lề Quốc hội, Cổng TTĐT Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An xung quanh Đợt họp này.
Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
Phóng viên: Sau 20 ngày làm việc, Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã kết thúc tốt đẹp, hoàn thành nhiều nội dung đề ra. Đại biểu đánh giá thế nào về điểm nhấn của Đợt 1 tại Kỳ họp này?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Với tinh thần nghiêm túc, tích cực, khẩn trương và sôi nổi, Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với hơn 20 ngày làm việc đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung theo Chương trình đề ra. Tôi cho rằng, Đợt 1 có nhiều điểm nhấn quan trọng về công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Với khối lượng công tác lập pháp rất lớn tại Đợt 1, nhiều dự án Luật, dự thảo Nghị quyết đã được trình Quốc hội thảo luận, xem xét quyết định nhiều nội dung quan trọng, quyết định sự hiệu quả của các giải pháp điều hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thích ứng với thực tiễn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hiện nay và trong thời gian tới. Chính phủ và các bộ, ngành đã tập trung chuẩn bị chu đáo, đầy đủ, rõ ràng về sự cần thiết, các cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để trình ra Quốc hội, các Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội rất chất lượng, trí tuệ.
Đáng chú ý, tại Đợt 1 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; thông qua Nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 với tỉ lệ tán thành cao. Việc Quốc hội nhất trí cao thông qua các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2025 về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, là năm tăng tốc, bứt phá, về đích, để đưa nền kinh tế bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Theo đó, chỉ tiêu đặt ra của năm 2025 là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5-7,0% và phấn đấu khoảng 7,0-7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%... Tôi hy vọng, với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, quyết liệt đã đề ra, kết quả đạt được của năm 2024 sẽ là nền tảng quan trọng, tạo đà cho nền kinh tế bứt phá trong năm 2025.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước còn nhiều biến động, điều này thể hiện quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ sẽ vượt qua khó khăn, thách thức, thích ứng linh hoạt để hỗ trợ phục hồi và phát triển, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và 5 năm 2021 - 2025.
Cùng với đó, qua các phát biểu thảo luận của ĐBQH ở Hội trường tại Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8, tôi nhận thấy, các ý kiến này không lặp lại nội dung đã nêu tại thảo luận tổ, và sau thảo luận tổ, Cơ quan soạn thảo có ngay báo cáo giải trình bước đầu ý kiến của ĐBQH. Tôi cho rằng, với cách thức như vậy, các phiên thảo luận có nhiều đại biểu phát biểu hơn, cung cấp thêm thông tin đa dạng và chọn lọc nội dung đóng góp sâu sắc, xác đáng hơn. Các ý kiến đóng góp của ĐBQH tại phiên thảo luận ở Hội trường cũng như ở Tổ đã thể hiện sự đầu tư, nghiên cứu, nắm bắt thực tiễn, rà soát kỹ lưỡng với hệ thống pháp luật hiện hành và các quy định, chính sách mới được đề xuất, kiến nghị của ĐBQH rất hay, trách nhiệm, có tầm nhìn... Điều này cho thấy ĐBQH ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của mình xứng đáng với niềm tin tưởng của cử tri và Nhân dân.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội
Phóng viên: Cùng với điểm nhấn về công tác lập pháp, xem xét quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, một nội dung nổi bật khác tại Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 cũng dành được nhiều quan tâm của ĐBQH, thu hút sự theo dõi của đông đảo cử tri và Nhân dân chính là Phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Quan điểm của đại biểu về vấn đề này thế nào?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Trong Đợt 1 của Kỳ họp thứ 8 này, tôi cho rằng, nội dung đáng chú ý khác là Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong 02 ngày (11/11-12/11/2024). 03 nhóm vấn đề được chọn để chất vấn là những vấn đề rất sát, nóng được cử tri, xã hội đặc biệt quan tâm như quản lý thị trường vàng, thị trường ngoại hối, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay, trong đó có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ người dân bị thiệt hại, ảnh hưởng do thiên tai, bão lũ vừa qua; tình hình về thông tin xấu độc, quảng cáo sai sự thật chưa được kiểm soát tốt, vấn đề về thuốc, thực phẩm chức năng, chăm sóc sức khỏe người dân… đang được nhiều người dân quan tâm.
Các ĐBQH đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, trọng tâm, thẳng thắn. Điều này thể hiện đại biểu đã rất tích cực nghiên cứu các Báo cáo, nắm chắc tình hình và hết sức trách nhiệm với tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của cử tri, các phát biểu tranh luận của đại biểu đã làm cho phiên chất vấn thêm sinh động, dân chủ, sâu sát đến cùng vấn đề mình quan tâm.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các thành viên Chính phủ đặc biệt là 03 Tư lệnh ngành Y tế, Thông tin - Thuyền thông và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã thể hiện sự nắm chắc, vững, toàn diện nhiệm vụ trên quản lý ngành, lĩnh vực mình phụ trách...; giải trình nghiêm túc, làm rõ nhiều vấn đề và cũng đề ra giải pháp để khắc phục, đặc biệt rất cầu thị nhìn nhận trách nhiệm, tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH, quyết tâm tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ và toàn diện các giải pháp, tập trung vào việc khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực ngành.
Cùng với đó, dưới sự điều hành linh hoạt của Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã không né tránh, đi thẳng vào nội dung trọng tâm cần trả lời chất vấn. Tôi cho rằng, Quốc hội tại Kỳ họp này đã chọn lựa các nhóm vấn đề chất vấn rất đúng, trúng, đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Tôi mong rằng, các Bộ trưởng, Trưởng ngành sẽ giữ lời hứa, thực hiện theo đúng tinh thần “nói đi đôi với làm và làm ngay” như Chủ tịch Quốc hội đã đề nghị, nhằm thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra. Vì vậy, có thể nói, Phiên chất vấn và trả lời chất vấn là điểm nhấn đáng chú ý tại Đợt 1 của Kỳ họp này, đồng thời tiếp tục khẳng định đây là hình thức giám sát tối cao trực tiếp, hiệu quả của Quốc hội.
Tháo gỡ vướng mắc về thể chế, đẩy nhanh hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia
Phóng viên: Theo dự kiến, Đợt 2 của Kỳ họp thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20/11-30/11 và Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều Luật, Nghị quyết quan trọng tại Đợt 2 này. Vậy đại biểu kỳ vọng gì và có kiến nghị, đề xuất như thế nào để hoàn thiện các luật, Nghị quyết đảm bảo chất lượng tốt nhất trước khi Quốc hội thông qua?
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An: Từ những nội dung các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết mà Quốc hội xem xét tại Đợt 1, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua 16 dự án Luật và các Nghị quyết tại Đợt 2. Tôi tin tưởng rằng, với những chính sách, quy định pháp luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 có hiệu lực thi hành sẽ đáp ứng được mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình thực thi pháp luật thời gian qua, đặc biệt là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (1 Luật sửa 7 Luật); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu (1 luật sửa 4 luật) và các Nghị quyết thí điểm...
Tôi cho rằng, việc Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua các Luật, Nghị quyết này là giải pháp căn cơ nhất, hiệu lực, hiệu quả nhất để đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm nay và những năm tiếp theo, cũng như tạo ra cơ chế thuận lợi, thông thoáng để đẩy nhanh hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm và các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong thời gian tới tại các kỳ họp Quốc hội, tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục nâng cao nữa công tác chuẩn bị hồ sơ các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội từ sớm, từ xa, dự đoán, nắm chắc nhu cầu để các đại biểu Quốc hội có thời gian tiếp cận nghiên cứu thuận lợi, trách nhiệm hết mình đóng góp cho Quốc hội thông qua các quyết sách, quy định hiệu lực, hiệu quả, thực thi.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.