Các hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện công tác xã hội?

* Bạn đọc Nguyễn Thu Phương ở xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, các hành vi nào bị nghiêm cấm trong thực hiện công tác xã hội?

Trả lời: Vấn đề bạn hỏi được quy định tại Điều 10, Nghị định số 110/2024/NĐ-CP ngày 30-8-2024 của Chính phủ quy định về công tác xã hội. Cụ thể như sau:

1. Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.

2. Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.

3. Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.

4. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.

5. Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

6. Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

* Bạn đọc Vũ Văn Quang ở phường Đại Cương, thị xã Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, pháp luật quy định như thế nào về xử phạt vi phạm hành chính đối với vi phạm của tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam khi tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 33 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP ngày 17-1-2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng khi có hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo hoặc báo cáo không đúng nội dung hoặc báo cáo không đúng thời hạn cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi có hành vi không thông báo bằng văn bản kèm bản sao có chứng thực hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam và các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật cho tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam kể từ ngày ký kết hợp đồng lao động với người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/cac-hanh-vi-nao-bi-nghiem-cam-trong-thuc-hien-cong-tac-xa-hoi-815356
Zalo