Có bắt buộc công chứng với thỏa thuận về lối đi chung?

Gọi điện thoại đến Đường dây nóng ANTĐ, nhiều bạn đọc hỏi, hỏa thuận lối đi chung có bắt buộc phải công chứng? Pháp luật hiện hành quy định về quyền sử dụng lối đi chung ra sao?

Thời gian qua, tình trạng tranh chấp lối đi chung diễn ra khá phổ biến. Thực tế cho thấy, lối đi chung có nguồn gốc hình thành từ lối mòn; Do các chủ sử dụng đất cắt một phần đất của mình tạo nên hoặc được người sử dụng đất phía ngoài tự dành ra hoặc theo thỏa thuận hoặc chuyển nhượng cho người phía trong để có lối ra đường công cộng…

Như vậy, mặc dù nguồn gốc, thời gian hình thành có thể khác nhau lối đi chung thường được hiểu là phần diện tích đất được cắt ra để các chủ sử dụng đất sử dụng làm lối đi ra đường giao thông công cộng.

Trường hợp có thỏa thuận về lối đi chung, các bên cần lập văn bản ghi nhận rõ các thông tin: Thông tin họ tên của các bên; Số Chứng minh nhân dân/ Căn cước công dân; Hộ khẩu thường trú; Cam kết của các bên… và chữ ký đầy đủ của những người liên quan.

Pháp luật hiện hành không quy định bắt buộc thực hiện công chứng đối với văn bản thỏa thuận lối đi chung, điều này tùy thuộc vào nhu cầu của các bên. Song để có cơ sở pháp lý giải quyết những tranh chấp có thể phát sinh sau này, các bên liên quuan cần làm thủ tục công chứng văn bản thỏa thuận về lối đi chung.

Về quyền sử dụng lối đi chung, Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Đồng thời, vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

Do đó, trường hợp mà các bên có chung một lối đi qua từ trước mà không xác định được ai là người sở hữu lối đi đó thì sẽ xảy ra tranh chấp lối đi chung. Ngoài ra, việc tranh chấp lối đi chung không chỉ xuất phát từ việc mở lối đi chung mà còn do lấn chiếm giữa các chủ sử dụng đất liền kề với nhau mà không hề có sự thỏa thuận.

Trường hợp tranh chấp lối đi chung phải được giải quyết qua con đường thỏa thuận trước tiên và các bên có thể đến UBND xã nơi tranh chấp để hòa giải. Chỉ khi không đi đến thỏa thuận cuối thì mới giải quyết qua con đường tố tụng.

Ngọc Minh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/co-bat-buoc-cong-chung-voi-thoa-thuan-ve-loi-di-chung-post603341.antd
Zalo