Nhức nhối lừa đảo trên mạng
Giới chuyên gia và các nhà quản lý đánh giá, vấn nạn tội phạm không gian mạng chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Cần truyền thông, giáo dục nhận thức, nâng cao ý thức cảnh giác cho cộng đồng.
![Nhiều người mất tiền khi tham gia các ứng dụng online.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_113_51465114/8d376b6d5b23b27deb32.jpg)
Nhiều người mất tiền khi tham gia các ứng dụng online.
Đầu năm 2025, bà Lê Thị Loan (Đồng Nai) nhận được cuộc điện thoại của một người giới thiệu là công an thông báo về thông tin căn cước công dân của con gái đang học lớp 5 bị sai. Ban đầu bà Loan còn băn khoăn vì sợ bị lừa đảo. Thế nhưng, sau đó bà Loan lại làm theo hướng dẫn, dùng điện thoại khác gọi và sử dụng điện thoại của bà để thao tác thủ tục hành chính trực tuyến. Thao tác một lúc bà Loan mới giật mình vào kiểm tra tài khoản ngân hàng. Kết quả, toàn bộ số tiền (hơn 5 triệu đồng) trong tài khoản ngân hàng đã “không cánh mà bay”.
Tương tự, bà Trần Thị Xuân Diệu - chủ một quán ăn ở Đồng Nai cho biết, mới đây bà được người đàn ông tên Phạm Đỗ Huy Cường nhắn, gọi trên facebook muốn đặt bàn ăn với số lượng mỗi ngày 6 bàn. Thương lượng món ăn và giá cả xong bà Diệu yêu cầu cần có đặt cọc trước. Không lâu sau đó, ông Cường thông báo đã chuyển tiền cọc cho bà Diệu 39 triệu đồng kèm biên lai của ngân hàng với nội dụng: “chuyển tiền ăn cho quân đội”. Nhận thông tin từ khách hàng xong, chủ quán ăn vào kiểm tra tài khoản thì không thấy tiền đến. Bà Diệu báo lại thì ông Cường khẳng định đã chuyển tiền và yêu cầu bà Diệu làm một số thao tác để kiểm chứng. Tuy nhiên, bà Diệu từ chối và yêu cầu ông này đến quán để đối chất…
Đại tá Lê Quang Đạo - Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết, tội phạm không gian mạng ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp. Thời gian qua Công an thành phố đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến tài chính.
Theo thống kê, Công an TPHCM đã thụ lý 461 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng với số tiền gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó có 18 vụ mạo danh Công an hù dọa người dân, 53 vụ yêu cầu đăng nhập vào các trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân chiếm đoạt tài sản, 102 vụ mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch… Đáng chú ý, ghi nhận 267 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc kêu gọi người bị hại làm cộng tác viên cho các sàn Lazada, Shopee, Tiki… để nhận hoa hồng.
Trước tình trạng nở rộ lừa đảo trên không gian mạng, nhiều quan điểm cho rằng, cần tăng cường nhận thức cho người dân. Ông Phan Đức Trung - Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam đề xuất, cần nhanh chóng phổ cập kiến thức blockchain và AI để giảm thiểu lừa đảo, nhất là những người yếu thế (người lớn tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ...). Lực lượng thực thi nhiệm vụ an ninh, trật tự xã hội cũng cần tăng cường đào tạo nội bộ, nâng cao kiến thức chuyên môn để nắm bắt và làm chủ các công nghệ tiên tiến, dễ dàng truy vết và ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị quốc tế uy tín toàn cầu nhằm tối ưu hiệu quả điều tra, ngăn ngừa các giao dịch bất hợp pháp.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Chánh - Trường Đại học Cảnh sát nhân dân khẳng định, đảm bảo mọi người đều an toàn trên không gian mạng là một mục tiêu lớn mà nhà trường và lực lượng Cảnh sát đã và đang nỗ lực thực hiện. Trường đang nỗ lực truyền thông, nâng cao ý thức cảnh giác cho cộng đồng, đặc biệt là học sinh, sinh viên.
Theo Đại tá Lê Quang Đạo, cần làm rõ thêm về sự cần thiết sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan đảm bảo cơ sở pháp lý vững chắc đẩy lùi tội phạm trong lĩnh vực tài chính, công nghệ cao. Đặc biệt, nâng cao nhận thức cộng đồng về lừa đảo trực tuyến, tăng cường ý thức bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân. Song song đó, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các tổ chức trong quá trình điều tra, xác minh, xử lý các vụ việc.
Ông Ngô Minh Hiếu - chuyên gia tại Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia cho biết, nhiều nạn nhân bị lừa đảo qua không gian mạng không muốn trình báo đến cơ quan chức năng. Đối với các nạn nhân bị lừa đảo các khoản tiền lớn, đa phần là lừa đảo tình cảm nên lo bị ảnh hưởng đến uy tín và các mối quan hệ xã hội. Một số người khác lại cho rằng, số tiền quá nhỏ không muốn báo cáo cơ quan chức năng hoặc báo cũng không giải quyết được gì nên im lặng.