Cả xã hội chung tay hỗ trợ, chia sẻ với nạn nhân da cam

Chiến tranh đã đi qua nhưng những hậu quả để lại còn rất nặng nề. Việc khắc phục hậu quả do chất độc da cam gây ra luôn được xem là cuộc chiến thầm lặng, đầy khó khăn và thử thách. Nhân kỷ niệm 63 năm Ngày Thảm họa da cam ở Việt Nam (10/8/1961-10/8/2024), phóng viên Báo Ninh Bình đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Đức Dự, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Ninh Bình.

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh và Hội Bảo trợ trẻ em Việt Nam nhiễm Dioxin tại Pháp trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết khái quát về tình hình hoạt động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh trong những năm qua?

Đ/c Nguyễn Đức Dự: Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh là tổ chức Hội quần chúng được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ. Những năm qua Thường trực tỉnh Hội đã tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội thực hiện tốt những nhiệm vụ trung tâm, đột xuất theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội đề ra. Công tác xây dựng tổ chức Hội ngày càng được hoàn thiện và phát triển, đội ngũ lãnh đạo Hội các cấp đã tích cực phát huy chức năng tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tích cực tuyên truyền, vận động và tiếp nhận nguồn lực xã hội ủng hộ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam và những người bị phơi nhiễm.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo từ các cấp ủy đảng, chính quyền; sự phối hợp giúp đỡ đầy trách nhiệm của các cơ quan chức năng liên quan và tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm vượt mọi khó khăn của cán bộ, hội viên. Do đó, Hội đã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và tiếp nhận nguồn lực xã hội để chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.

Năm 2023, toàn tỉnh có 23.010 lượt đối tượng được nhận quà từ các tổ chức, cá nhân với tổng số tiền, quà trị giá hơn 7,1 tỷ đồng; đến ngày 5/8/2024 toàn tỉnh có gần 19.312 lượt đối tượng được nhận quà từ các tổ chức, cá nhân giúp đỡ (chưa tổng hợp số quà của chủ tịch nước và lãnh đạo các cấp ở địa phương), với tổng trị giá hơn 4,2 tỷ đồng. Riêng dịp Ngày vì nạn nhân chất độc da cam 10/8 năm nay có gần 900 lượt đối tượng được nhận quà, với tổng số tiền, quà trị giá thành tiền là gần 480 triệu đồng.

Phóng viên: Tình hình đời sống của các nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào, thưa đồng chí?

Đ/c Nguyễn Đức Dự: Hiện nay toàn tỉnh có 4.171 người là nạn nhân chất độc da cam được hưởng trợ cấp hàng tháng của Nhà nước, trong đó có 2.651 người là đối tượng trực tiếp (người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học), số nạn nhân thuộc đối tượng gián tiếp (con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học) là 1.520 người.

Chiến tranh đã lui dần về quá khứ nhưng hậu quả của chất độc hóa học còn rất nặng nề. Nhiều gia đình có từ hai đến ba con trở lên là nạn nhân chất độc da cam, nhiều người thuộc đối tượng trực tiếp do tuổi cao, vết thương tái phát, bệnh tình trầm trọng, cùng với các con bị dị dạng, dị tật, hoặc thiểu năng trí tuệ bẩm sinh… Họ đều là những người gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tinh thần, có thể nói "họ là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ".

Đứng trước thực trạng đó, nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách quan tâm tới người có công với cách mạng, trong đó có nạn nhân da cam, đã phần nào giúp vơi đi những nỗi đau của họ. Mặt khác, với bản chất truyền thống của "Bộ đội cụ Hồ" cùng với những hoạt động trong phong trào thi đua của Hội, đã khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vượt khó vươn lên, quên đi những mặc cảm, động viên gia đình, giúp đỡ lẫn nhau tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở địa phương… Cuộc sống của nạn nhân chất độc da cam đều đã thoát nghèo, một số gia đình có đời sống kinh tế khá trở lên. Tuy nhiên, những nạn nhân chất độc da cam/dioxin hơn ai hết vẫn là những đối tượng cần sự quan tâm, giúp đỡ, sẻ chia của toàn xã hội để họ vơi đi bất hạnh, vươn lên trong cuộc sống.

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng nhà hảo tâm tặng quà nạn nhân da cam xã Ninh Khang (Hoa Lư). Ảnh: Minh Quang

Lãnh đạo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cùng nhà hảo tâm tặng quà nạn nhân da cam xã Ninh Khang (Hoa Lư). Ảnh: Minh Quang

Phóng viên: Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội gặp phải những khó khăn gì? Và theo đồng chí, đâu là nút thắt cần tháo gỡ?

Đ/c Nguyễn Đức Dự: Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội gặp không ít khó khăn, tuy nhiên qua tổng hợp tình hình hoạt động từ các cấp Hội, chúng tôi nhận thấy ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn trải rộng, việc rà soát nắm tình hình hội viên, tình hình nạn nhân chất độc da cam phải được cập nhật thường xuyên về tâm tư nguyện vọng, sức khỏe, bệnh tật và cuộc sống… Tuy nhiên việc hỗ trợ kinh phí hoạt động không đồng đều, không ổn định, mang tính thụ động. Do vậy đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền cần quán triệt sâu sắc hơn nữa Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam" để có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và kịp thời, tạo mọi điều kiện cho Hội hoạt động đạt hiệu quả hơn.

Phóng viên: Trong thời gian tới các cấp Hội sẽ tập trung vào những hoạt động trọng tâm nào để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được tốt hơn?

Đ/c Nguyễn Đức Dự: Để hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam được thực hiện tốt hơn, công tác xây dựng tổ chức Hội vững mạnh được Hội quan tâm sát sao, chú trọng các giải pháp thiết thực, cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Trong đó, các cấp Hội tập trung thực hiện tốt những nội dung trọng tâm như: Tiếp tục quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, trên cơ sở đó thực hiện tốt chức năng tham mưu cho các cấp ủy đảng, chính quyền, phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể liên quan để tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về hậu quả của chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trên cơ sở đó tích cực vận động, tiếp nhận nguồn lực xã hội, ủng hộ giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam. Không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, quản lý chặt chẽ, sử dụng đúng mục đích, minh bạch nguồn tài chính, Quỹ, xây dựng niềm tin đối với các cấp lãnh đạo, những nhà hảo tâm cùng toàn thể Nhân dân. Đẩy mạnh phong trào thi đua của Hội, gắn với các phong trào thi đua khác ở địa phương.

Sắp tới, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh sẽ tổng kết phong trào thi đua của Hội giai đoạn 2021- 2025 nhằm đánh giá kết quả hoạt động những năm qua; tiếp tục phát động phong trào thi đua giai đoạn 2025 - 2030, vinh danh những tổ chức, hội viên tiêu biểu trong phong trào thi đua và tôn vinh những tổ chức, cá nhân tiêu biểu đã "chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" trong những năm qua.

Qua cuộc trao đổi này, thay mặt cho trên 4.000 nạn nhân chất độc da cam của tỉnh, tôi xin gửi thông điệp tới các tổ chức, cá nhân trong tỉnh ngoài tỉnh và ngoài nước cùng toàn thể Nhân dân trong tỉnh, hãy tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ cả về tinh thần và vật chất đối với nạn nhân chất độc da cam bởi "Nỗi đau da cam không phải của riêng ai".

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Phương Nam (Thực hiện)

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/ca-xa-hoi-chung-tay-ho-tro-chia-se-voi-nan-nhan-da-cam/d20240809083555879.htm
Zalo