Cả nước có hơn 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị
Ngày 28-8, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức diễn đàn 'Tái cơ cấu nông nghiệp: Giải pháp phát triển hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản'.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân thông tin: Trong 8 tháng năm 2024, sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng, là yếu tố quan trọng tạo tăng trưởng của ngành Nông nghiệp, khẳng định vai trò nền tảng của kinh tế, phần nào khẳng định việc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đang đúng quỹ đạo. Trong đó, có sự đóng góp quan trọng của khu vực kinh tế hợp tác với hơn 20.000 hợp tác xã nông nghiệp và hàng chục nghìn tổ hợp tác nông nghiệp, hơn 3,8 triệu thành viên hợp tác xã là nông dân.
Hiện nay, cả nước có hơn 4.000 hợp tác xã tham gia liên kết theo chuỗi giá trị (chiếm gần 13% tổng số hợp tác xã) với các hình thức liên kết chuỗi giá trị phát triển đa dạng theo các công đoạn trong chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, việc liên kết giữa các tác nhân trong cùng khâu (liên kết ngang) và giữa các khâu (liên kết dọc) trong chuỗi giá trị còn lỏng lẻo; liên kết giữa các tổ hợp tác, hợp tác xã trong một số ngành hàng dừng lại ở liên kết mang tính thời vụ, chưa mang tính chia sẻ rủi ro về lợi ích nên chưa bền vững...
Tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết biết: Cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản Việt Nam không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và đã có mặt tại hơn 280 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á, đứng thứ 15 thế giới.
Mặc dù vậy, phát triển nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều thách thức, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Do đó, tiếp tục cơ cấu lại và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản là nhiệm vụ cấp bách, cần thiết.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng, thời gian tới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần thực chất, hiệu quả hơn, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững.
Cùng với đó, ngành cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất - đây là một trong những giải pháp quan trọng nâng cao hiệu quả, tính bền vững của chuỗi giá trị nông sản; đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ - yếu tố then chốt nâng cao hiệu quả, bảo đảm tính bền vững.
Việc mở rộng, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp; phát triển nông nghiệp bền vững cần đi đôi với bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên…