Ca ngộ độc hiếm gặp - suy thận cấp từ cây me đất hoa đỏ

Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), mới đây đã tiếp nhận một trường hợp bệnh nhân bị tổn thương thận, suy thận cấp do tin theo mạng internet, lấy cây mọc dại ngoài vườn, cây me đất hoa đỏ để đun nước uống.

Theo lời kể của bệnh nhân (62 tuổi, ở Hà Nội), do tìm hiểu trên mạng internet thấy cây me đất có tác dụng thanh mát, giải độc, đồng thời thấy cô ruột cũng thường xuyên đun nước uống để chữa sỏi thận, tiểu đường, nên bệnh nhân đã ra vườn nhổ về dùng.

Bệnh nhân nhổ được khoảng 0,5kg, sau đó lấy cả rễ và thân cây rửa sạch đun nước uống. Sau khi đun với 1,5 lít nước, thành phẩm thu được khoảng 600ml, chia làm 3 cốc. Bệnh nhân uống 2 cốc, còn 1 cốc cho mẹ già 85 tuổi cùng uống.

Theo bệnh nhân, nước có vị chát, chua, mặc dù không cho thêm bất cứ thứ gì vào nấu cùng. Sau uống khoảng 1 thời gian ngắn thì cảm thấy khó chịu, buồn nôn và nôn ra dịch. Sáng hôm sau bệnh nhân vẫn dậy sinh hoạt bình thường nhưng có cảm giác mệt, đau đầu và choáng. Sau hai ngày thì thấy người mệt, ăn không ngon nên vào viện để kiểm tra.

Nữ bệnh nhân đang được thăm khám tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai.

Nữ bệnh nhân đang được thăm khám tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai. Ảnh: Quỳnh Mai.

Tại Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai, bệnh nhân tỉnh táo, không sốt, không yếu liệt, không buồn nôn, nôn, không đau bụng, đại tiểu tiện bình thường nhưng đau đầu âm ỉ. Tiền sử bệnh nhân chỉ có bệnh thoát vị địa đệm, tuy nhiên, kết quả xét nghiệm nước tiểu và máu, chỉ số creatine cao gấp nhiều lần bình thường, dấu hiệu cho thấy bị tổn thương thận, suy thận cấp.

Các bác sĩ Trung tâm Chống độc cho biết, mẫu vật phẩm của bệnh nhân mang đến đã được gửi tới chuyên gia và xác định đây là cây me đất hoa đỏ, tên khoa học là Oxalis corymbosa DC. Kết quả xét nghiệm vật phẩm này tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia cho thấy có chứa axit oxalic. Đây là nguyên nhân gây ra tình trạng suy thận khi người bệnh uống quá nhiều.

Trường hợp ngộ độc hiếm gặp từ cây me đất

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc - BV Bạch Mai cho biết, axit oxalic được xem là một tác nhân gây tổn thương thận, suy thận nếu dung nạp vào cơ thể với một lượng lớn hoặc gây sỏi thận nếu thường xuyên sử dụng. Nặng hơn sẽ gây ra ngộ độc cấp tính và có thể tử vong.

"Trung tâm đã từng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc axit oxalic và suy thận do uống trực tiếp hóa chất này. Tuy nhiên, đây là trường hợp đầu tiên chúng tôi ghi nhận, chẩn đoán một bệnh nhân uống loại cây có chứa axit oxalic và bị ngộ độc với tình trạng suy thận. Tìm kiếm trong y văn trên thế giới, chúng tôi chưa thấy có báo cáo hay nghiên cứu nào ghi nhận có người bị ngộ độc loại cây này", TS.BS Nguyễn Trung Nguyên thông tin.

Loại cây me đất hoa đỏ bệnh nhân đun nước uống. Ảnh: BNCC.

Loại cây me đất hoa đỏ bệnh nhân đun nước uống. Ảnh: BNCC.

Axit oxalic trong cây me đất hoa đỏ hại như thế nào?

Cũng theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, axit oxalic (muối oxalat) là axit hữu cơ với tính axit khá mạnh, gấp khoảng 10 nghìn lần axit acetic. Ở điều kiện thường, axit oxalic tồn tại ở dạng tinh thể, dễ tan trong nước tạo dung dịch không màu, có vị chua. Ở liều cao, axit oxalic dễ làm kích thích niêm mạc ruột và ở liều nguyên chất với hàm lượng 4-5g có thể có khả năng gây ngộ độc cấp tính, thậm chí dẫn đến tử vong.

Liều ngộ độc (LD50) của axit oxalic nguyên chất được ước khoảng 378 mg/kg thể trọng (khoảng 22,68 g/người 60 kg). Sự kết hợp của axit oxalic với canxi tạo ra canxi oxalat, có thể gây kết tủa lắng đọng tạo thành sỏi ở các cơ quan tiết niệu, gan, mật, tụy… hoặc đọng lại ở các khớp xương.

Axit oxalic có thể tìm thấy trong các loại thực phẩm rau, củ, quả, mà chúng ta hấp thụ hàng ngày như khế, chanh, nho, me, củ cải đường, ca cao, cải bó xôi, lá chè, cải thìa, cần tây... Cách dễ nhận biết khi ăn thực phẩm chứa axit oxalic là có vị chua, chát. Tuy nhiên, với việc ăn uống bình thường hàng ngày các thực phẩm này thì lượng axit oxalic đưa vào không ảnh hưởng tới sức khỏe.

"Đây là một ví dụ điển hình cho thấy, ngay cả những loại cây cỏ được ghi nhận là có thể ăn uống bình thường, nếu sử dụng quá mức cũng có thể gây ngộ độc. Việc sử dụng cây cỏ để chữa bệnh, dù được gọi là thảo dược và thường mang cảm giác an toàn, vẫn tiềm ẩn nguy cơ nếu không được kiểm soát đúng cách. Bởi một khi đã gọi là "thuốc" thì cần tuân thủ các nguyên tắc về khám bệnh, quản lý và sử dụng thuốc.

Nói cách khác, khi có vấn đề về sức khỏe, người dân cần đi khám và được tư vấn bởi nhân viên y tế, kể cả các thầy thuốc y học cổ truyền đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hành nghề. Sau khi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh và kê đơn phù hợp với loại thuốc và liều lượng chính xác.

Người dân tuyệt đối không nên tin tưởng hay làm theo các thông tin lan truyền trên mạng hoặc truyền miệng, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra", Giám đốc Trung tâm Chống độc khuyến cáo.

Quỳnh Mai

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/ca-ngo-doc-hiem-gap-suy-than-cap-tu-cay-me-dat-hoa-do-169250418103117933.htm
Zalo