Cá dầm xanh ở Xuân Nha
Tận dụng lợi thế về khí hậu mát mẻ, nguồn nước sạch, nhân dân xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ, đã mạnh dạn nghiên cứu, đầu tư nuôi cá dầm xanh - loài cá quý, xưa kia thường được dùng để tiến vua, mở thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế địa phương.

Mô hình nuôi cá dầm xanh của anh Ngần Văn Thiết, bản Chiềng Hin, xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ.
Về Xuân Nha tìm hiểu về mô hình nuôi cá dầm xanh, chúng tôi được giới thiệu đến thăm gia đình anh Ngần Văn Thiết, bản Chiềng Hin - một trong những gia đình tiên phong nuôi cá dầm xanh và hiện nay đã thành công với mô hình này. Đưa chúng tôi đi tham quan ao nuôi cá dầm xanh của gia đình, anh Thiết chia sẻ: Trước đây, cá dầm xanh ở Xuân Nha chủ yếu được đánh bắt tự nhiên từ dòng suối Quanh chảy qua xã, giá cá bán thương phẩm từ 500-600 nghìn đồng/kg. Nhận thấy đây là loại cá có giá trị kinh tế cao, tôi đã tìm bắt cá giống từ suối để mang về nuôi tại ao nhà. Điều kiện quan trọng nhất để nuôi cá dầm xanh là nguồn nước sạch, ao nuôi cá phải thiết kế cho nước chảy vào ra thường xuyên, có như vậy cá mới sống khỏe, phát triển tốt và cho chất lượng thịt thơm ngon.

Anh Ngần Văn Thiết nuôi riêng cá để kích thích sinh sản.
Hiện nay, gia đình anh Thiết có 2 ao để thả cá giống khoảng 200 m² và 1 ao rộng 4.000 m² nuôi cá dầm xanh. Vừa bán cá giống và cá thương phẩm, mỗi năm gia đình anh có thu nhập gần 400 triệu đồng.
Nhận thấy hiệu quả từ mô hình nuôi cá dầm xanh của gia đình anh Ngần Văn Thiết, nhiều hộ gia đình ở xã đã đến học hỏi kinh nghiệm và nhân rộng mô hình. Chị Hà Thị Huế, bản Pù Lầu, xã Xuân Nha, chia sẻ: Trước kia, gia đình tôi chỉ nuôi cá dầm xanh để ăn, nhưng từ khi loài cá này được nhiều người ưa chuộng, gia đình tôi đã đầu tư kinh doanh gần 3 năm nay. Ngoài diện tích ao hơn 500 m² nuôi, tôi còn mua cá của các hộ trong xã về bán, đồng thời mua cá giống còn nhỏ về nuôi để bán giống cho các hộ trong và ngoài xã có nhu cầu. Mỗi năm gia đình tôi thu nhập gần 150 triệu đồng.

Cá dầm xanh khi trưởng thành.
Cá dầm xanh là loài cá chậm lớn, nuôi khoảng 3 - 5 năm mới đạt 2-3 kg. Loài cá này cũng rất dễ nuôi, chỉ cần đảm bảo nước sạch và có dòng chảy liên tục. Thức ăn chủ yếu là cỏ, rau, cám gạo,... Cá dầm xanh có thân hình thon dài, khi bé vảy màu xanh lục, khi đạt trọng lượng từ 2 kg trở đi vảy và vây cá sẽ có vân đỏ. Hiện nay, loài cá này được rất nhiều người ưa chuộng bởi thịt ngon, chắc và đặc biệt là không có mùi tanh. Cá được chế biến thành nhiều món ngon, như: Gỏi, nướng, nấu canh chua,... Ngoài ra cá còn được nhiều người mua về làm cá cảnh. Cá thương phẩm có giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.

Trứng cá dầm xanh được chứa trong bể.
Hiện nay, xã Xuân Nha có hơn 500 hộ nuôi cá dầm xanh với diện tích ao nuôi hơn 25 ha, tập trung nhiều tại các bản: Tưn, Nà Hiềng, Chiềng Hin, Nà Lưa, Pù Lầu. Theo chia sẻ của các hộ nuôi cá, mặc dù là loài cá tự nhiên, xong cá dầm xanh khi nuôi ở trong ao có tỷ lệ sống trên 90%, ít dịch bệnh và nguồn thức ăn chủ yếu là rau cỏ và phụ phẩm nông nghiệp.
Bà Đinh Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha, cho biết: Cá dầm xanh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhân dân. Hiện nay, bên cạnh một số hộ phát triển nuôi cá dầm xanh để kinh doanh, vẫn còn nhiều hộ chỉ nuôi để cung cấp thực phẩm cho gia đình. Thời gian tới, xã đẩy mạnh tuyên truyền hiệu quả kinh tế của cá dầm xanh; phát huy những lợi thế về khí hậu, nguồn nước phù hợp với giống cá bản địa này, giúp nhân dân phát triển kinh tế.
Mô hình nuôi cá dầm xanh ở Xuân Nha đã và đang cho thấy tiềm năng phát triển kinh tế, mở thêm hướng đi mới, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Mô hình này cần được đầu tư, nhân rộng