Bứt phá xuất khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã bắt nhịp được với việc xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử (TMĐT) xuyên biên giới.

Giai đoạn chuyển mình của thương mại số

TMĐT đang là xu hướng tất yếu trên toàn cầu, TMĐT xuyên biên giới là đòn bẩy quan trọng cho xuất khẩu trực tuyến.

Ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) cho biết việc chủ động đa dạng hóa các hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và phát triển bền vững của doanh nghiệp (DN) Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cùng quan điểm, ông Larry Hu - Tổng Giám đốc Amazon Global Selling Đông Nam Á cũng cho rằng, đây là giai đoạn chuyển mình của thương mại số Việt Nam. Amazon Global Selling nhận thấy xuất khẩu qua TMĐT đang trở thành một động lực quan trọng trong chiến lược thương mại quốc tế và phát triển thương hiệu của Việt Nam.

Amazon Global Selling cho biết, hơn 60% số lượng sản phẩm bán trên Amazon hiện nay đến từ các đối tác bán hàng bên thứ ba, trong đó có hàng nghìn DN Việt Nam. Các DN Việt Nam đã đạt được tăng trưởng ấn tượng, số lượng sản phẩm do DN Việt bán ra trên Amazon tăng hơn 300% trong 5 năm qua.

Năm 2025, Amazon Global Selling Việt Nam tập trung vào 4 ưu tiên: thúc đẩy các nhà sản xuất Việt Nam nắm bắt cơ hội với xuất khẩu trực tuyến, phát triển hệ sinh thái của ngành, nâng cao năng lực logistics và hỗ trợ đối tác bán hàng thành công thông qua các chương trình đào tạo. Bên cạnh đó Amazon Global Selling Việt Nam cũng triển khai xây dựng kế hoạch hỗ trợ các cụm công nghiệp lớn như: Vùng công nghệ cao và dệt may phía bắc tận dụng ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển, cơ sở hạ tầng ICT tiên tiến và chuyên môn sản xuất may mặc sẵn có của khu vực; vùng sản xuất và nông nghiệp phía Nam phát huy thế mạnh của khu vực trong sản xuất đồ nội thất, điện tử và xuất khẩu nông sản đặc sản.

Ở góc độ DN, ông Nguyễn Thanh Lam - Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt cho biết, thị trường Hoa Kỳ hiện chiếm khoảng 50% tổng doanh thu của DN. Các đơn hàng đã được ký kết đến hết tháng 9/2025, cho thấy sức mua ổn định từ thị trường chủ lực này. Không chỉ duy trì kênh bán hàng truyền thống, Lâm Việt đang chuyển hướng mạnh mẽ sang xuất khẩu trực tuyến nhằm giảm khâu trung gian và tối ưu chi phí. Trong tháng 4 vừa qua, công ty đã thử nghiệm xuất khẩu thành công 3 container hàng hóa qua nền tảng TMĐT Amazon.

“Thị trường Mỹ là trọng điểm của DN. Nhờ nắm bắt tốt xu hướng tiêu dùng và thiết kế sản phẩm phù hợp, chúng tôi tin tưởng vào khả năng chinh phục thị trường qua TMĐT” - ông Lam chia sẻ.

Đòn bẩy cho xuất khẩu bền vững

Theo ông Bùi Huy Hoàng - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT và Công nghệ số (eComDX), Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương), TMĐT xuyên biên giới không chỉ là việc mở gian hàng trực tuyến mà là một hành trình dài hơi đòi hỏi DN phải làm chủ chuỗi giá trị số từ dữ liệu, hậu cần, đến hậu mãi và quảng cáo, bán hàng.

Ông Hoàng nhấn mạnh, nhiều DN Việt vẫn đang loay hoay ở bước đầu - đưa sản phẩm lên sàn mà chưa có chiến lược bài bản về vận hành xuyên biên giới. Các DN nhỏ và vừa đặc biệt gặp khó trong quản trị đơn hàng đa thị trường, thiếu dữ liệu hành vi người tiêu dùng và công cụ phân tích để tối ưu cạnh tranh.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển nhanh, DN cần được hỗ trợ nâng cao năng lực nội tại để tự điều phối và tối ưu toàn bộ hoạt động TMĐT quốc tế, thay vì chỉ "tham gia" mà không thể "làm chủ". “DN Việt cần chuyển từ tư duy phụ thuộc nền tảng sang chủ động tiếp cận thị trường toàn cầu, nếu muốn TMĐT trở thành đòn bẩy tăng trưởng bền vững” - ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo Quyết định 645/QĐ-TTg, TMĐT là lĩnh vực tiên phong trong ứng dụng công nghệ số, hiện đại hóa sản xuất – phân phối và thúc đẩy xuất khẩu. Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả kênh này, DN cần làm chủ toàn bộ chuỗi giá trị số: Từ quản trị dữ liệu, logistics, marketing đến thanh toán và dịch vụ hậu mãi. Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công thương) đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hoàn thiện thể chế, phát triển hạ tầng số, thúc đẩy logistics thông minh, thanh toán không tiền mặt và ứng dụng AI trong TMĐT xuyên biên giới.

T.Hằng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/but-pha-xuat-khau-thuong-mai-dien-tu-xuyen-bien-gioi-10311210.html
Zalo