Bứt phá phát triển công nghiệp văn hóa từ tư duy đổi mới, sáng tạo

Văn hóa là sức mạnh nội sinh, hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh con người Việt Nam. Trong tiến trình lịch sử hào hùng của dân tộc, đất nước ta mạnh lên, tự tin, vững vàng hơn nhờ những giá trị tốt đẹp, truyền thống văn hóa đặc sắc và lịch sử dựng nước, giữ nước đáng tự hào.

Khai thác thế mạnh này chính là quá trình kết tinh những giá trị, hồn cốt dân tộc từ trong quá khứ cho đến hiện tại để dệt nên tương lai tươi sáng. Nói cách khác, đây chính là cơ sở, tiềm lực để phát triển ngành công nghiệp văn hóa, giải trí nhờ truyền thống văn hóa, lịch sử, đất nước Việt Nam xinh đẹp, sự sáng tạo của con người Việt Nam.

Vì lẽ đó, hiện nay, ở nước ta, công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là cấu phần quan trọng, bền vững, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế, định vị thương hiệu quốc gia. Phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta đang tập trung vào các lĩnh vực như: Kiến trúc, thiết kế, thời trang, điện ảnh, du lịch văn hóa, nghệ thuật biểu diễn… Đây đều là những nhóm ngành mới, có giá trị gia tăng đóng góp cho nền kinh tế thể hiện là lợi thế quốc gia của Việt Nam.

Dẫn chứng cho luận điểm nêu trên có thể thấy, thời gian qua, nước ta đã xuất hiện những sản phẩm văn hóa mang lại giá trị kinh tế rất lớn. Nổi bật là những điểm đến du lịch văn hóa - di sản ở Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều địa phương khác trong cả nước luôn thu hút đông đảo du khách ghé thăm. Kế đến, trong lĩnh vực điện ảnh, đã có những tác phẩm thu hút lượng lớn khán giả đến rạp thưởng thức và mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho nhà sản xuất. Đặc biệt là gần đây, 2 concert “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” đã tạo nên cơn sốt trong giới mộ điệu cả nước. Phải khẳng định, cột mốc từ hai chương trình giải trí trên truyền hình “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” cùng việc tổ chức các concert đi kèm một cách chuyên nghiệp đã phần nào lấy lại thị phần cho nghệ sĩ nội địa trước làn sóng của các chương trình giải trí nước ngoài.

Nhìn nhận một cách thấu đáo và toàn diện, các bộ phim, chương trình nghệ thuật, giải trí… khẳng định được sức hút không chỉ là một cuộc đua về lượng vé bán ra hoặc đạt chỉ số người xem trên truyền hình, mà còn là sự khẳng định về giá trị văn hóa, hồn cốt dân tộc trong đó. Và để tạo ra được sản phẩm, dịch vụ văn hóa thực sự hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân, yếu tố quan trọng là cần phát triển nội dung sáng tạo và phản ánh được bản sắc văn hóa dân tộc.

Đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành Văn hóa, thể thao và du lịch diễn ra vào ngày 18-12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh giải pháp xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…; đồng thời đặt vấn đề: “Tại sao chúng ta không tổng kết, nhân rộng 2 concert vừa rồi?”.

Rõ ràng, để phát triển công nghiệp văn hóa hiệu quả, vấn đề nòng cốt là khai thác thật tốt hồn cốt, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Thông qua khai thác những giá trị văn hóa cùng những sản phẩm và dịch vụ có tính trí tuệ, ý nghĩa xã hội và văn hóa để thu về nguồn lợi kinh tế. Vì thế, theo người đứng đầu Chính phủ, phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển thể thao và du lịch phải huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội chứ không thể chỉ trông chờ nguồn lực của Nhà nước.

Như vậy, yêu cầu đặt ra là các cấp, ngành chức năng, địa phương phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược trong phát triển công nghiệp văn hóa, tạo ra các sản phẩm mang tính nghệ thuật và sáng tạo, đáp ứng nhu cầu thụ hưởng của người dân và xa hơn là có tầm ảnh hưởng ở phạm vi khu vực và thế giới. Muốn vậy, việc huy động nguồn lực xã hội là giải pháp cốt yếu, trong đó cấp có thẩm quyền cần sớm nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách cụ thể, khuyến khích tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo sản phẩm văn hóa, như hỗ trợ về chính sách thuế, đất đai, đầu tư, tiếp cận tín dụng…

Cùng với đó, hỗ trợ và khuyến khích liên kết, hình thành mạng lưới các trung tâm công nghiệp văn hóa, các không gian sáng tạo trên cả nước và kết nối với quốc tế. Đặc biệt, cần tăng cường kết nối thị trường cho các sản phẩm sân khấu, âm nhạc, chương trình nghệ thuật tại các đô thị lớn, khu vực trung tâm ở trong nước và quốc tế; khuyến khích các sáng tạo đột phá khai thác giá trị văn hóa Việt Nam trong thiết kế bao bì sản phẩm, giao diện, quảng cáo và truyền thông, trang trí, thiết kế thời trang và may mặc…

Tựu trung, phát triển công nghiệp văn hóa là gắn liền việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa phải bảo đảm đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp và có tính cạnh tranh, từ đó từng bước tạo dựng thương hiệu cho sản phẩm và dịch vụ mang tầm quốc gia, quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/but-pha-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-tu-tu-duy-doi-moi-sang-tao-688111.html
Zalo