Buồn thương nỗi lòng con trong 'Đám cưới mẹ'
'Đám cưới mẹ' của nhà thơ Bành Phương Lan (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội) là một bài thơ hay, được nhiều người yêu thích.
ĐÁM CƯỚI MẸ
Mới hôm nào đám cưới cha
Nay giờ tới lượt mẹ là cô dâu
Nhớ lời mẹ, chẳng khóc đâu
Làm sao nước mắt theo nhau cứ về
Mẹ như nửa tỉnh, nửa mê
Ngoài kia xe đón mẹ về nhà ai
Mẹ cười, nước mắt vắn dài
Chân đi, mắt vẫn tìm hoài… con yêu
Từ mai lủi thủi sớm chiều
Tuổi thơ không mẹ, cánh diều đứt dây
Tìm hơi ấm mẹ đâu đây?
Mẹ về bên ấy biết ngày nào sang…
Thêm lần bước xuống đò ngang
Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người
Mẹ đi tìm lại nụ cười
Con về nhặt tiếng à… ơi của bà…
BÀNH PHƯƠNG LAN
Hóa thân vào người con trong tình cảnh trớ trêu: Đám cưới mẹ, nhà thơ đã lột tả tất cả những đắng cay chua xót, tủi cực của đứa trẻ trong ngày vui, hạnh phúc của mẹ; cùng tâm trạng dở khóc, dở cười của mẹ, khi một lần nữa đi "tìm lại nụ cười”.
Thoạt nghe cụm từ “Đám cưới mẹ” có vẻ như bất bình thường. Bởi đây không phải là đám cưới thông thường theo tập tục truyền thống. Vì theo lẽ thường, sau đám cưới một thời gian nhất định, đứa con mới chào đời. Nhưng ở đây, con lại “được” đi dự đám cưới mẹ. Tình cảnh này thật trớ trêu, trái khoáy: Rõ ràng, đứa trẻ đang rơi vào bi kịch gia đình ly tán, bố mẹ chia tay, mỗi người tự tìm hạnh phúc mới cho riêng mình: “Mới hôm nào đám cưới cha/ Nay giờ tới lượt mẹ là cô dâu”. Cách dùng từ: “Mới hôm nào… Nay giờ…” cho thấy, thời gian giữa đám cưới cha và đám cưới mẹ rất gần nhau, cứ như có sự sắp đặt lần lượt vậy? Hai câu thơ đọc lên nghe sao chua chát. Dường như câu thơ còn bao hàm ý: vừa như trách móc, vừa như có chút gì đó cảm thông cho tình cảnh của mẹ.
Đứa trẻ chưa lớn, nhưng đã hiểu và ý thức được lời mẹ dặn: “Nhớ lời mẹ, chẳng khóc đâu/ Làm sao nước mắt theo nhau cứ về”. Hãy hãy hình dung, một đứa trẻ phải cố nén cảm xúc để không bật ra tiếng khóc trong ngày cưới của mẹ sẽ tội nghiệp như thế nào? Nhưng buồn thay, dòng nước mắt nghẹn ngào, tủi cực, không theo sự điều khiển của bé, mà cứ theo nhau ùa về tự nhiên, không thể kìm nén.
Còn người mẹ? Trước nỗi buồn thương phải xa con, chị chỉ biết gạt nước mắt, “đi bước nữa” những mong "tìm lại nụ cười”. Cụm từ “nửa tỉnh, nửa mê” diễn tả tâm trạng rối bời, đau xót, của mẹ, khi nghĩ đến đứa con bé bỏng, từ đây phải xa rời vòng tay yêu thương: “Mẹ như nửa tỉnh, nửa mê/ Ngoài kia xe đón mẹ về nhà ai/ Mẹ cười, nước mắt vắn dài/ Chân đi, mắt vẫn tìm hoài… con yêu”. Khổ thơ đặc tả chân thực, chính xác, nỗi lòng người mẹ trước khi lên xe về nhà chồng. Đúng là tình cảnh dở khóc, dở cười, mọi hành động, suy nghĩ của mẹ đều hướng về con, lo lắng, xót thương và ái ngại cho con... Tâm trạng dùng dằng, day dứt, nửa lo làm tròn bổn phận với cuộc hôn nhân mới, nửa lo lắng, xót thương cho tương lai của con luôn nhức nhối tâm can người mẹ. Thế nên, mọi suy nghĩ, cảm xúc của mẹ chừng như đặt tất cả nơi con.
Thương con đứt ruột, mẹ mường tượng chuỗi ngày sau đây, con sẽ sống ra sao khi vắng mẹ?: “Từ mai lủi thủi sớm chiều/ Tuổi thơ không mẹ, cánh diều đứt dây/ Tìm hơi ấm mẹ đâu đây?/ Mẹ về bên ấy biết ngày nào sang…”. Từ láy “lủi thủi” giúp người đọc hình dung cụ thể về dáng vẻ tội nghiệp, bơ vơ của đứa con khi rời vòng tay mẹ. Hình ảnh so sánh “Tuổi thơ không mẹ, cánh diều đứt dây” có tác dụng phụ họa và cụ thể hóa hơn cho nỗi cô đơn bất hạnh của đứa con.
Khổ thơ cuối đầy nhức nhối, xót thương cho tình cảnh của cả mẹ và con: “Thêm lần bước xuống đò ngang/ Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người/ Mẹ đi tìm lại nụ cười/ Con về nhặt tiếng à… ơi của bà…”. Câu “Bồng theo cả tiếng ru sang nhà người” là ẩn dụ của tình mẹ. Từ đây, mẹ không được tự tay chăm sóc đứa con bé bỏng của mình nữa, bởi “Mẹ đi tìm lại nụ cười”, tìm lại hạnh phúc mới cho mình, âu cũng là mong muốn chính đáng của mẹ. Dấu chấm lửng (…) được dùng đắc địa ở câu thơ cuối “Con về nhặt tiếng à… ơi của bà…” tựa như tiếng nấc, nghẹn ngào, đứt quãng của cả con và mẹ.
Sức nặng của bài thơ đặt ở hai câu cuối. Vẫn âm điệu buồn bã, da diết, nhưng ở đây nhà thơ khéo léo sử dụng thủ pháp nghệ thuật đối lập: Mẹ đi >< con về, từ gần nghĩa (tìm, nhặt); cặp từ: nụ cười, tiếng à ơi, làm cho câu thơ càng da diết hơn, xoáy vào trái tim người đọc một nỗi buồn thương khó có thể nói thành lời. Người bà cuối cùng mới xuất hiện, nhưng lại vô cùng có ý nghĩa với cuộc đời đứa cháu. Từ đây, bà sẽ thay mẹ gánh vác tất cả những phần việc của mẹ, mong sao mẹ “tìm được nụ cười” khi lần nữa “bước xuống đò ngang”.
Bằng giọng điệu lục bát nhẹ nhàng, uyển chuyển da diết; ngôn từ, hình ảnh giản dị, gần gũi, "Đám cưới mẹ" của Bành Phương Lan là một bài thơ buồn, hay, chạm đến cảm xúc rất nhiều độc giả. Cũng là tình mẹ con, bà cháu, nhưng những tình cảm ấy lại được đặt trong tình cảnh đẫm nước mắt, khi con dự đám cưới mẹ.
Nước mắt của con, của mẹ (và độc giả) như hòa lẫn, xót thương, nhiều khi khó phân tách rạch ròi. Chỉ mong sao những cảnh tương tự như thế không xảy ra, để những đứa trẻ được sống yên ấm trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Phải chăng đó cũng là thông điệp nhân văn mà nhà thơ muốn gửi tới độc giả?