Ung thư đường tiêu hóa đang ngày càng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa
Các bệnh ung thư đường tiêu hóa như ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư ruột, ung thư dạ dày… đang có xu hướng gia tăng và xuất hiện ngày càng nhiều ở bệnh nhân trẻ tuổi.
Việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh ung thư đường tiêu hóa sẽ góp phần giải quyết tình trạng bệnh, cũng như nâng cao chất lượng sống cho người bệnh. Đó là thông tin được chia sẻ tại Hội nghị Khoa học kỹ thuật lần thứ 22 năm 2024 do Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức ngày 14/11.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, Phó Giám đốc Phụ trách điều hành, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cho biết, ung thư đường tiêu hóa là một trong những loại ung thư phổ biến hiện nay. Bệnh xảy ra khi có sự xuất hiện của các khối u ác tính trong đường tiêu hóa ở các cơ quan như: Thực quản, dạ dày, ruột non, ruột già, đại tràng, trực tràng, tuyến tụy, đường mật, gan… Ung thư đường tiêu hóa có thể do nhiều nguyên nhân như yếu tố di truyền, chế độ sinh hoạt và ăn uống. Ở giai đoạn đầu, do không có triệu chứng rõ rệt nên người bệnh không phát hiện bệnh, cho đến khi cơ thể xuất hiện những triệu chứng cụ thể thì bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, có thể dẫn đến tử vong.
Hằng năm, thông qua việc khám bệnh, tầm soát, các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã phát hiện nhiều trường hợp ung thư đường tiêu hóa. Trong đó, phổ biến là các loại ung thư đại trực tràng, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư ruột…
Đáng chú ý, theo bác sĩ Lê Cao Phương Duy, ung thư đường tiêu hóa hiện nay có xu hướng xuất hiện ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi. Nhằm đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, những năm gần đây Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đang dần hoàn thiện hệ sinh thái điều trị ung thư đường tiêu hóa bằng việc kết hợp nhiều phương pháp như phẫu thuật, hóa trị và xạ trị. Trong đó, phẫu thuật vẫn là phương pháp điều trị chính và quan trọng nhất đối với các khối u ác tính ở đường tiêu hóa. Trung bình mỗi ngày các bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương thực hiện từ 10 - 15 phẫu thuật ung thư đường tiêu hóa.
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Huy Lưu, Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng ê-kíp đã thực hiện một ca phẫu thuật ung thư ruột thừa và truyền tiếp đến hội trường. Đó là trường hợp của một nữ bệnh nhân 67 tuổi, được phát hiện ung thư ruột thừa sau nhiều lần có triệu chứng đau bụng. Ca mổ thị phạm thành công và giúp các bác sĩ trẻ tham gia Hội nghị học hỏi cách tiếp cận, giải quyết tình huống cụ thể.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Lê Cao Phương Duy, ung thư đường tiêu hóa có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và giải quyết sớm. Do đó, người dân cần tránh để đến khi bệnh nặng mới tìm kiếm sự can thiệp. Để phát hiện ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Duy khuyến cáo người dân nên tầm soát định kỳ. Đặc biệt đối với người trên 50 tuổi, dù có triệu chứng bệnh hay không cũng nên thực hiện nội soi đường tiêu hóa ít nhất 2 năm một lần để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư. Khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng bất thường cùng một số dấu hiệu nhận biết như thay đổi thói quen đi ngoài, hay bị táo bón, tiêu chảy, đau bụng… người dân nên đi khám sớm. Bác sĩ Duy cũng dẫn chứng tại một số quốc gia tiên tiến, trong đó có Nhật Bản, tầm soát sớm đã giúp tỷ lệ điều trị khỏi ung thư đường tiêu hóa cao nhờ vào phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.