Bước tiến mới trong y học bào thai
Ngày 8/5, Hội nghị Sản phụ khoa Việt-Pháp-châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 25 chính thức khai mạc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Toàn cảnh Hội nghị. (ẢNH: CHI MAI)
Hội nghị có 3.000 đại biểu trong và ngoài nước tham dự, trong đó có các chuyên gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực sản phụ khoa.
Trong khuôn khổ Hội nghị, hơn 50 bài báo cáo chuyên sâu được trình bày, tập trung vào các chủ đề mang tính thực tiễn và cập nhật cao như: Phẫu thuật nội soi phụ khoa và điều trị xâm lấn tối thiểu; chẩn đoán trước sinh và các kỹ thuật can thiệp bào thai hiện đại; ứng dụng di truyền học trong sản khoa; ung thư phụ khoa, HPV và ung thư cổ tử cung; quản lý thai kỳ nguy cơ cao, cấp cứu sản khoa, điều trị sinh non; tối ưu hóa phối hợp sản-nhi trong chăm sóc liên chuyên khoa…
Một trong những điểm nhấn nổi bật là phiên hội nghị chuyên đề về siêu âm sản phụ khoa do các chuyên gia ISUOG phụ trách. Đây là cơ hội để đội ngũ y bác sĩ trong nước tiếp cận các kỹ thuật hình ảnh học hiện đại, nâng cao năng lực chẩn đoán chính xác và kịp thời.
Tại phiên khai mạc, Bệnh viện Từ Dũ đã chính thức đón nhận Chứng nhận trở thành trung tâm can thiệp bào thai chuẩn châu Âu đầu tiên tại Việt Nam, do Trường quốc tế Y học chu sinh, sơ sinh và sức khỏe sinh sản châu Âu (PREIS-Italia) cấp. Đây là một cột mốc có ý nghĩa đặc biệt, ghi nhận nỗ lực không ngừng trong nâng cao trình độ chuyên môn và hợp tác quốc tế của bệnh viện đầu ngành sản phụ khoa tại Việt Nam.
Cũng trong dịp này, Bộ Y tế trao quyết định phê duyệt 5 kỹ thuật can thiệp bào thai mới, mở ra kỷ nguyên mới cho lĩnh vực y học bào thai tại Việt Nam, từng bước tiệm cận các chuẩn mực điều trị tiên tiến của thế giới.
Song song với chương trình chính, ba Workshop chuyên đề được tổ chức nhằm củng cố kiến thức thực hành cho đội ngũ y bác sĩ, gồm: Can thiệp bào thai – Từ lý thuyết đến thực hành; tiến bộ trong phẫu thuật nội soi; siêu âm quốc tế.
Hội nghị lần thứ 25 không chỉ là nơi cập nhật kiến thức mà còn tạo lập các kết nối chuyên môn dài hạn giữa Việt Nam và các tổ chức y khoa quốc tế. Những thành quả bước đầu cho thấy nhu cầu đào tạo chuyên sâu trong sản phụ khoa là rất lớn, đồng thời mở ra hướng phát triển mới cho ngành, hướng tới số hóa nội dung, chia sẻ kiến thức qua nền tảng trực tuyến.
Hội nghị một lần nữa khẳng định vị thế của Việt Nam trong bản đồ y học khu vực, là tiền đề quan trọng để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em – lĩnh vực then chốt trong công cuộc bảo vệ và phát triển giống nòi.