Bước tiến dài trong chương trình xây dựng nông thôn mới ở Sóc Sơn

Thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, một bước tiến dài được ghi nhận tại huyện Sóc Sơn khi bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Vừa qua, tại hội nghị tổng kết Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, Chương trình số 02 của Huyện ủy Sóc Sơn về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, ông Bùi Duy Cường, Bí thư Huyện ủy cho biết, huyện sẽ phấn đấu hoàn thành xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao trong năm 2025.

Theo ông Cường, xác định xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, do vậy huyện sẽ chỉ đạo các địa phương tiếp tục bám sát quy định, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố để triển khai hiệu quả các chương trình xây dựng nông thôn mới. “Phấn đấu trong giai đoạn 2025-2030, toàn huyện có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, có 2 xã nông thôn mới thông minh”, ông Cường chia sẻ.

 Đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội khảo sát mô hình rau thủy canh tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Ảnh: M.Phương

Đoàn thẩm định nông thôn mới TP Hà Nội khảo sát mô hình rau thủy canh tại xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Ảnh: M.Phương

Để đạt được mục tiêu này, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Bùi Duy Cường đề nghị các đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong việc hưởng thụ cũng như trách nhiệm duy trì nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Huyện cũng tiếp tục quan tâm phát triển kinh tế, cơ cấu lại ngành nông nghiệp bảo đảm nâng cao giá trị, phát triển bền vững; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật để phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc sản của từng địa phương theo chuỗi giá trị, kết hợp với thu hút đầu tư, phát triển du lịch.

Ông Cường cho hay, huyện Sóc Sơn sẽ đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý đất đai; quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng theo hướng đô thị văn minh, hiện đại, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển.

“Trước mắt, đề nghị UBND huyện chỉ đạo các đơn vị hoàn thành thẩm định, đánh giá đối với 7 xã đủ điều kiện về đích nông thôn mới nâng cao theo kế hoạch năm 2024; đồng thời, sớm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình Đoàn thẩm định nông thôn mới của Thành phố đánh giá theo quy định”, ông Cường nói.

Còn theo Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội, đến hết năm 2024, huyện đã có 18/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, vượt 48%; 11/25 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, vượt 28% chỉ tiêu Chương trình số 04 của Thành ủy giao.

Bộ mặt nông thôn Sóc Sơn được ghi nhận có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Nông thôn Sóc Sơn được đầu tư khang trang “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, “nhà có số, phố có tên”.

Bên cạnh đó, nhờ đầu tư đầy đủ các thiết chế văn hóa, các dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời, đông đảo người dân tham gia sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tại các thôn làng. Hạ tầng viễn thông được đầu tư bài bản, ứng dụng công nghệ số đi vào đời sống hàng ngày của người dân; ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường duy trì thi đua hàng tuần và ngày càng được nâng cao tại các thôn làng; an ninh, trật tự được đảm bảo.

Đặc biệt, sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục phát triển và xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung. Trong đó xuất hiện vùng trồng lúa chất lượng cao, rau an toàn, rau hữu cơ; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chuỗi liên kết…

Ông Minh cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 146 sản phẩm, nhóm sản phẩm OCOP (bằng 146% chỉ tiêu cả giai đoạn 2021-2025). Các sản phẩm OCOP của huyện đã khẳng định được uy tín, chất lượng, thương hiệu sản phẩm với thị trường, có nhiều hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm được ký kết; bao bì, mẫu mã, chất lượng sản phẩm được các chủ thể coi trọng, sản phẩm thực sự đem lại niềm tin cho người tiêu dùng.

Từ phát triển kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn Sóc Sơn cải thiện rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 76 triệu đồng. Hết năm 2024, trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch tập trung đạt 95%; số hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh theo quy chuẩn quốc gia đạt 100%; có 93,5% thôn, làng công nhận và giữ vững danh hiệu thôn, làng văn hóa…

“Hơn 10 năm qua, huyện Sóc Sơn đã có bước tiến dài trong xây dựng nông thôn mới. Xuất phát điểm từ không có xã nông thôn mới nào, đến năm 2020, Sóc Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện nay, Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị tham mưu nâng cao các tiêu chí; phấn đấu hoàn thiện hồ sơ, tài liệu để trình các cấp có thẩm quyền của Thành phố và Trung ương xem xét, thẩm định huyện Sóc Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2025”, ông Minh chia sẻ.

* Bài viết có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/buoc-tien-dai-trong-chuong-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-o-soc-son-post323858.html
Zalo