Khu thương mại tự do: Bước đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics tại Việt Nam
Với chủ đề 'Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics', Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các Khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi và cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành Dịch vụ logistics nói riêng…
Sáng 2/12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề “Khu thương mại tự do giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics” với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và gần 500 đại biểu là lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội, các doanh nghiệp Logistics, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 nhằm thúc đẩy doanh nghiệp logistics ứng dụng công nghệ tiến bộ, hiện đại trong việc vận hành chuỗi cung ứng. Tìm giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và khu vực Đông Nam Bộ; đặc biệt tạo môi trường để liên kết giữa các doanh nghiệp logistics, các nhà đầu tư và các cơ quan quản lý nhằm phát triển logistics Việt Nam.
Logistics Việt Nam phát triển mạnh nhưng chưa xứng với tiềm năng
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhận định, logistics là ngành Dịch vụ được ví như những “mạch máu” của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hóa tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), cùng 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm 90% GDP toàn cầu); kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
Thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành Dịch vụ logistics, ngành Dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của ngành trong khu vực và thế giới. Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số Hiệu quả logistics.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua. Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững) cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics
Tại phiên toàn thể, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình phát triển, những tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách, định hướng phát triển logistics Việt Nam. Đặc biệt, các đại biểu có nhiều tham luận đề xuất định hướng phát triển logistics Việt Nam vươn mình tiến vào kỷ nguyên mới; doanh nghiệp logistics Việt Nam trước bước ngoặt thời đại; kinh nghiệm, xu hướng phát triển logistics và khu thương mại tự do - cơ hội và khuyến nghị cho ngành Logistics Việt Nam…
Các đại biểu đề xuất thúc đẩy hình thành các khu thương mại tự do, các cảng trung chuyển quốc tế, xây dựng đội tàu container, đội tàu bay chuyên dụng vận tải hàng hóa; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng các doanh nghiệp logistics mạnh của Việt Nam, phát triển mạnh hạ tầng giao thông, kho bãi, đổi mới công nghệ, đào tạo và nâng cao nhân lực ngành Logistics, phát triển các mô hình hợp tác công tư trong lĩnh vực logistics, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, có chính sách khuyến khích người nước ngoài phát triển logistics Việt Nam như chính sách thuế, thị thực cho người nước ngoài…
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, Khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.
Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết, Bà Rịa - Vũng Tàu có vị trí chiến lược, là cửa ngõ hướng ra Biển Đông của vùng Đông Nam Bộ và cả nước, với điều kiện tự nhiên thuận lợi, người dân hiền hòa, mến khách, mạng lưới giao thông nội tỉnh và liên kết vùng Đông Nam Bộ và liên vùng đang được hoàn thiện, cùng với việc phát triển Cảng hàng không quốc tế Long Thành, hiện đại hóa Cảng biển Cái Mép - Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển tầm cỡ khu vực và thế giới gắn với phát triển trung tâm logistics cấp quốc gia và quốc tế theo mô hình “cảng xanh, logistics xanh” đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Do đó, việc hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, chính là một bước đi chiến lược để hoàn thiện hạ tầng logistics Vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, sớm hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Cảng biển nước sâu Cái Mép - Thị Vải một cách đồng bộ, tạo ra lợi thế cạnh tranh tuyệt đối của quốc gia để làm mới động lực cũ, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư thế hệ mới trong không gian dịch vụ - công nghiệp - đô thị trên hàng lang kinh tế Đông Tây từ Mộc Bài đến Cái Mép - Thị Vải.