Bước ngoặt từ thảm kịch Jeju Air
Vụ tai nạn thảm khốc khiến 179 người thiệt mạng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nhà giám sát hàng không trong và ngoài Hàn Quốc cải thiện hệ thống quản lý an toàn.
Thảm kịch Jeju Air hôm 29/12/2024 là một trong những vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng nhất trong nhiều năm, làm chấn động ngành toàn không toàn cầu, một phần là vì Hàn Quốc từng được xem như quốc gia kiểu mẫu cho quá trình cải thiện mức độ an toàn của các chuyến bay, theo New York Times.
Ba thập kỷ trước, mức độ an ninh hàng không của Hàn Quốc khá ảm đạm. Korean Air, hãng hàng không số một của nước này, từng trải qua nhiều vụ tai nạn chết người trong giai đoạn 1980-1990. Năm 2001, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã hạ bậc xếp hạng an toàn hàng không của Hàn Quốc vì không đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Bước sang thế kỷ XXI, Hàn Quốc khởi động một dự án lớn để đại tu các biện pháp đảm bảo an toàn hàng không, dựa trên kinh nghiệm từ những quốc gia khác.
Đến năm 2008, Hàn Quốc vượt lên nhóm các quốc gia đạt điểm số cao nhất trong cuộc kiểm toán an toàn được thực hiện bởi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế.
Vào thời điểm xảy ra thảm họa Jeju Air, Hàn Quốc được coi là một trong những quốc gia an toàn nhất để bay đến và đi, theo New York Times.
Thảm kịch khiến 179 trong số 181 người có mặt trên chuyến bay 7C2216 của Jeju Air là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên của hãng này trong hơn hai thập kỷ hoạt động, đồng thời là thảm họa hàng không tồi tệ nhất từng xảy ra trên lãnh thổ Hàn Quốc. Jeju Air cho biết họ đang phối hợp với lực lượng chức năng để điều tra nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn này.
Điều tra nguyên nhân
Giới chuyên gia nhận định rằng chính quyền Hàn Quốc có thể rút ra bài học để nâng cấp hệ thống an toàn hàng không từ thảm kịch Jeju Air, tương tự cách mà họ đã làm thông qua việc học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia khác.
"Trong vài thập kỷ qua, chính quyền Hàn Quốc và các hãng hàng không nước này đã làm rất tốt trong việc xây dựng hệ thống quản lý an toàn", Chủ tịch Hassan Shahidi của Quỹ An toàn Hàng không nhận định.
Trong quá trình điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn hôm 29/12/2024, lực lượng chức năng cho biết họ cần phải xem xét nhiều yếu tố, bao gồm thiệt hại từ cú va chạm với một con chim, dẫn đến việc máy bay đáp đất gấp rút mà không thể kích hoạt vạt cánh để giảm tốc độ di chuyển.
Ngoài ra, một trong những chủ đề thu hút sự chú ý là khối cấu trúc bê tông nằm ở cuối đường băng nơi máy bay đáp. Phi cơ của Jeju Air đã đâm vào cấu trúc này trước khi bốc khói và phát nổ. Các chuyên gia an toàn hàng không cho rằng vụ va chạm đã làm gia tăng con số thương vong.
Không gian xung quanh một đường băng, được gọi là khu vực an toàn đường băng, hướng tới việc cung cấp không gian không bị cản trở cho máy bay có thể vượt qua hoặc chuyển đổi sang một đường băng khác trong quá trình hạ cánh.
Tại Mỹ, FAA chỉ định rằng khu vực an toàn phải kéo dài 305 m ở cuối đường băng và 152 m ở hai bên. Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế, một cơ quan của Liên Hợp Quốc đặt ra các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu, khuyến nghị một vùng đệm tiêu chuẩn khoảng 180 đến 300 m ở cuối đường băng.
Trong khi đó, ở Sân bay Muan, khối cấu trúc bê tông mà máy bay của Jeju Air va chạm phải nằm cách phần cuối đường băng khoảng 250 m, New York Times dẫn lời quan chức địa phương cho biết.
"Việc máy bay vượt quá phạm vi đường băng vẫn xảy ra", ông Shahidi nói. "Đó chính là lý do khu vực an toàn đường băng đóng vai trò cực kỳ quan trọng".
Cải thiện công tác giám sát
Ngay sau vụ tai nạn, các quan chức Hàn Quốc cho biết hàng rào gần đường băng đáp ứng các quy định về an toàn. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, họ nói thêm rằng sẽ kiểm tra xem vị trí của cấu trúc mà máy bay đã va chạm phải có phù hợp và cần thay đổi hay không.
Sangdo Kim, cựu quan chức ngành hàng không dân dụng Hàn Quốc, nói với New York Times rằng nước này đã nỗ lực để đáp ứng khoảng 10.000 quy chuẩn về an toàn mà các tổ chức hàng không quốc tế đặt ra.
Ông Kim cũng nói rằng Hàn Quốc vẫn đang "tiếp tục xử lý các hoạt động hàng không thường nhật một cách an toàn".
Dẫu vậy, ông Kim cho rằng ngành hàng không Hàn Quốc vẫn có điểm cần cải thiện. Ông nói rằng việc chính phủ cố gắng áp dụng quy chuẩn giám sát chung cho hơn chục sân bay trên khắp Hàn Quốc bất chấp quy mô là chuyện tương đối khó, đặc biệt là đối với các sân bay cỡ nhỏ như Muan.
Ông Kim đồng thời hy vọng vụ tai nạn sẽ thúc đẩy các nhà giám sát hàng không trong và ngoài Hàn Quốc cải thiện hệ thống quản lý an toàn. Ông nói rằng mỗi sân bay đều chứng kiến "cuộc chiến liên tục nhằm loại bỏ bất kỳ rủi ro nào dù nhỏ đến đâu".