Bầu không khí khác lạ ở Iran và niềm tin về một ông Trump 'rất khác'

Thay vì lo lắng và ấp ủ những chiến lược lớn để đối phó với chính sách 'gây áp lực tối đa' của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Iran đang tỏ ra lạc quan về một tương lai mới trong quan hệ với Mỹ.

Quan hệ Mỹ-Iran hy vọng sẽ tìm được ngã rẽ trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 2 của ông Donald Trump. (Nguồn: Iran International)

Quan hệ Mỹ-Iran hy vọng sẽ tìm được ngã rẽ trong nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 2 của ông Donald Trump. (Nguồn: Iran International)

Tín hiệu lạc quan từ hai phía

Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng sẽ tránh được các cuộc tấn công quân sự đối với chương trình hạt nhân của Iran.

Trả lời báo giới khi được hỏi liệu ông có ủng hộ hành động quân sự chống lại các cơ sở hạt nhân của Iran hay không, tân Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ trao đổi với "những người cấp cao" về vấn đề này.

Ông Trump cũng tuyên bố vấn đề hạt nhân của Iran có thể được giải quyết mà không cần phải lo lắng, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể giải quyết vấn đề mà không cần phải sử dụng đến hành động quân sự. Tổng thống Mỹ cũng bày tỏ ủng hộ việc Tehran mong muốn một thỏa thuận.

Ngoài ra, theo tờ New York Times, ông Elon Musk, tỷ phú và là cố vấn quan trọng của ông Trump trong nhiệm kỳ này, đã gặp một quan chức cấp cao của Iran sau cuộc bầu cử để tìm cách xoa dịu căng thẳng.

Về phía Iran, ngày 23/1, Ngoại trưởng Seyed Abbas Araghchi cũng đã tái khẳng định cam kết “lâu dài” và “rõ ràng” của nước này đối với việc không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, ông Araghchi nhấn mạnh Iran đã ký Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1968 với tư cách là thành viên sáng lập.

Theo ông Araghchi, Iran đã ký một thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), với việc cho phép áp dụng chế độ thanh tra phiền hà nhất trong lịch sử của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và Iran tái khẳng định rằng trong mọi trường hợp, nước này sẽ không bao giờ tìm kiếm, phát triển hoặc sở hữu bất kỳ loại vũ khí hạt nhân nào.

Hy vọng về một thỏa thuận mới

Tờ The Globe and Mail ngày 21/1 đã đăng bài phân tích về hy vọng đạt được thỏa thuận mới của Iran dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump. The Globe and Mail nhận định ở một đất nước từng xảy ra đối đầu gay gắt với ông Donald Trump trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông, có một cảm giác lạc quan kỳ lạ trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.

Những ngày này, trên các kênh phát thanh truyền hình Iran tràn ngập những cuộc trao đổi về hòa bình ở Gaza. Ở hậu trường, những người theo đường lối cải cách đang âm thầm cân nhắc khả năng Iran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân với chính quyền mới của ông Trump.

Cả hai bên đều thừa nhận việc đạt được thỏa thuận hạt nhân sẽ không hề dễ dàng. Phe cứng rắn vẫn nắm giữ những vị trí quyền lực ở cả Tehran và Washington. Nhiều nhân vật có tầm ảnh hưởng vẫn kiên quyết phản đối bất kỳ cuộc đàm phán nào.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều tín hiệu để có thể lạc quan về một thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran, đó là lệnh ngừng bắn ở Gaza và lời phát biểu của chính ông Trump trong bài diễn văn nhậm chức ngày 20/1.

Cụ thể, ông Trump đã nói: “Di sản tôi tự hào nhất sẽ là một người kiến tạo hòa bình và thống nhất. Sức mạnh của chúng ta sẽ ngăn chặn mọi cuộc chiến và mang lại một tinh thần đoàn kết mới cho một thế giới đang giận dữ, bạo lực và hoàn toàn khó lường”.

Nhiều học giả Iran cho rằng ông Trump hiện nay khác với ông Trump trước đây. (Nguồn: Reuters)

Nhiều học giả Iran cho rằng ông Trump hiện nay khác với ông Trump trước đây. (Nguồn: Reuters)

Nhiều người Iran coi đây là dấu hiệu cho thấy ông Trump có thể kiềm chế những nhân vật cứng rắn ở Mỹ và Israel - những người tin rằng Iran đã suy yếu đến mức có thể bị “đánh gục” bằng các cuộc tấn công quân sự sau những thất bại gần đây của các đồng minh Iran ở Syria và Lebanon.

Iran đang có một niềm tin rằng trong nhiệm kỳ này, ông Trump ít có dự định tiến hành một cuộc đụng độ mới với Tehran.

Bà Zakiyeh Yazdanshenas, chuyên gia nghiên cứu an ninh tại Đại học Tehran, cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến quan điểm ngày càng tăng trong giới hoạch định chính sách rằng ông Trump hiện nay sẽ khác với ông Trump trước đây. Họ cho rằng lệnh ngừng bắn ở Gaza là một tín hiệu tích cực, cho thấy ông Trump có thể thực sự rút khỏi việc tham chiến thêm ở Trung Đông. Họ xem đây là cơ hội để đạt một thỏa thuận với Mỹ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là về vấn đề hạt nhân”.

Theo giới hoạch định chính sách Iran, đội ngũ của ông Trump phần lớn chịu ảnh hưởng bởi các cố vấn theo chủ trương biệt lập, những người sẽ không muốn châm ngòi cho một cuộc xung đột khác với Iran.

Tiến sĩ Yazdanshenas lưu ý cũng có một số chuyên gia dự đoán ông Trump có thể khôi phục chiến dịch “gây áp lực tối đa” trước đây với các lệnh trừng phạt tăng cường nhằm vào Iran và thậm chí có thể ủng hộ các cuộc tấn công quân sự của Israel nhắm vào Iran.

Tuy nhiên, bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1 của ông Trump, với cam kết chấm dứt các cuộc chiến và thiết lập hòa bình, dường như hàm ý rằng ông sẽ không ủng hộ hành động quân sự của Israel.

Phe cứng rắn của Iran, trong đó có một số nhân vật thân cận với Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei, đã bác bỏ mọi khả năng đàm phán với chính quyền Tổng thống Trump. Nhưng Chính phủ Iran, bao gồm Tổng thống Masoud Pezeshkian lại công khai ủng hộ một cuộc đối thoại với chính quyền mới của Mỹ.

"Cởi trói" cho Iran sẽ có lợi cho cả hai?

The Globe and Mail nhận định động lực thúc đẩy đàm phán là rất lớn. Các quan chức trong Quỹ Phát triển đất nước của Iran, một quỹ đầu tư quốc gia, cho biết đất nước này có thể thu hút từ 100 đến 150 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài hàng năm, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, nếu nước này có thể đàm phán một thỏa thuận với Mỹ và châu Âu để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, mọi cuộc đàm phán lần này sẽ phức tạp hơn bao giờ hết. Liên minh châu Âu muốn mở rộng thỏa thuận hạt nhân để bao gồm cả tên lửa đạn đạo, xét đến mối liên hệ quân sự chặt chẽ của Nga với Iran và việc Nga sử dụng công nghệ quân sự Iran ở Ukraine. Một số cố vấn của ông Trump đã ủng hộ việc khôi phục chiến lược “gây áp lực tối đa” năm 2018 đối với Iran.

Theo Nhóm Khủng hoảng quốc tế (International Crisis Group), chiến lược như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Tổ chức này nhận định trong một báo cáo tháng này: “Gây áp lực tối đa sẽ như đổ thêm dầu vào khu vực vốn đã bùng cháy. Tăng cường sức ép cũng có thể đóng cánh cửa ngoại giao vốn đang mở”.

Bà Masoumeh Ebtekar, cựu Phó Tổng thống Iran, cho biết bà lạc quan về khả năng đạt được một thỏa thuận hạt nhân mới.

“Tôi nghĩ bây giờ có thêm nhiều hy vọng. Tôi cho rằng việc các cường quốc thế giới cùng ngồi vào bàn đàm phán với Iran và khôi phục đối thoại sẽ mang lại lợi ích lớn”, bà Ebtekar nhận định.

Bà Ebtekar nhấn mạnh: “Chúng tôi không mong muốn gia tăng căng thẳng - chính sách của chính phủ chúng tôi là làm dịu căng thẳng. Tôi nghĩ có tiềm năng để hợp tác, để đàm phán và có lẽ là một thỏa thuận mới. Quan điểm của ông Trump dựa trên thương mại và kinh doanh, và tôi chắc rằng ông ấy nhận ra Iran có thể trở thành một đối tác thương mại tuyệt vời cho mọi quốc gia, trong đó có cả Mỹ”.

(theo The Globe and Mail, AP, the New York Times)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-khong-khi-khac-la-o-iran-va-niem-tin-ve-mot-ong-trump-rat-khac-302127.html
Zalo