WHO đứng trước sức ép tái cơ cấu hoạt động

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang đứng trước áp lực phải tái cơ cấu và tái phân bổ sự ưu tiên trong các hoạt động sau khi Mỹ - nhà tài trợ lớn nhất của cơ quan này, chính thức tuyên bố rút lui. Quyết định của Mỹ được dự báo sẽ gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng, không chỉ với WHO mà còn đối với tình hình y tế trên toàn cầu.

Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Trong một lá thư gửi đến nhân viên vào ngày 23/1, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này đang thực hiện các biện pháp cắt giảm mạnh mẽ. WHO sẽ đóng băng tuyển dụng, ngoại trừ những vị trí thực sự cần thiết, đồng thời giảm mạnh chi phí đi lại.

Ông Tedros yêu cầu tất cả các cuộc họp sẽ mặc định tổ chức theo hình thức trực tuyến, trừ khi có sự phê duyệt đặc biệt, và chỉ triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật tối quan trọng. Ông nhấn mạnh: "Thông báo này (của Mỹ) khiến tình hình tài chính của chúng ta trở nên căng thẳng hơn và chúng tôi hiểu rằng điều này gây ra sự lo ngại lớn đối với lực lượng lao động của WHO".

Người đứng đầu WHO cũng bày tỏ hy vọng chính quyền mới tại Mỹ sẽ cân nhắc lại quyết định và sẵn sàng đối thoại để bảo vệ mối quan hệ song phương.

Trong khi đó, người phát ngôn của WHO Christian Lindmeier cho rằng quyết định của Mỹ là một sai lầm nghiêm trọng. Theo ông, "đây là một vấn đề lớn đối với tình hình y tế toàn cầu – thậm chí lớn hơn cả vấn đề của WHO".

Ông Lindmeier nhấn mạnh vai trò quan trọng của WHO trong việc cung cấp thông tin y tế thiết yếu, không chỉ cho Mỹ mà còn cho các quốc gia thành viên khác. Ông chỉ ra rằng WHO vận hành một hệ thống giám sát và đánh giá các mối đe dọa sức khỏe theo thời gian thực, giúp bảo vệ Mỹ trước những rủi ro, chẳng hạn như đợt bùng phát cúm gia cầm H5N1 gần đây đã lây nhiễm hàng chục người và cướp đi 1 sinh mạng tại Mỹ.

Ông Lindmeier cảnh báo: "Nếu Mỹ ngừng chia sẻ dữ liệu và thông tin, điều đó sẽ trở thành một vấn đề nghiêm trọng".

Quyết định của Mỹ không chỉ là một đòn giáng mạnh vào hoạt động của WHO mà còn khiến cơ quan này đối mặt khó khăn tài chính nghiêm trọng. Trong chu kỳ ngân sách 2022-2023, Mỹ đã đóng góp 1,3 tỷ USD, tương đương 16,3% tổng ngân sách 7,89 tỷ USD của WHO.

Theo quy định do Quốc hội Mỹ đặt ra, việc rút lui chỉ có thể thực hiện sau 1 năm kể từ khi thông báo chính thức và sau khi thanh toán đầy đủ các khoản nợ. Ông Lindmeier tiết lộ rằng Mỹ vẫn còn nợ WHO 130 triệu USD phí thành viên cho năm 2024 và 130 triệu USD cho năm 2025, vốn đã đến hạn thanh toán.

Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump bảo vệ quyết định của mình và nêu rõ rằng khoản đóng góp của Mỹ vượt xa so với các quốc gia khác, ví dụ như Trung Quốc - quốc gia chỉ đóng 88 triệu USD/năm cho giai đoạn 2024-2025.

Thanh Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/who-dung-truoc-suc-ep-tai-co-cau-hoat-dong-20250124222232699.htm
Zalo