Sắc lệnh của ông Trump bất ngờ bị chặn

Sắc lệnh hành pháp hạn chế quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ do Tổng thống Mỹ Donald Trump ký, có hiệu lực vào ngày 19/2, hiện châm ngòi tới 5 vụ kiện.

 Sắc lệnh hành pháp của ông Trump hạn chế quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ, đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện. Ảnh: Reuters.

Sắc lệnh hành pháp của ông Trump hạn chế quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ, đang đối mặt với hàng loạt vụ kiện. Ảnh: Reuters.

Một thẩm phán liên bang tại Seattle hôm 23/1 đã chặn chính quyền của Tổng thống Donald Trump thực hiện sắc lệnh hành pháp hạn chế quyền công dân theo nơi sinh tại Mỹ, gọi điều đó là "sự vi hiến rõ ràng", theo Guardian.

Theo yêu cầu của bốn tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo, thẩm phán John Coughenour đã ban hành lệnh cấm tạm thời, ngăn chính quyền thực thi sắc lệnh do tổng thống đảng Cộng hòa ký hôm 20/1 trong ngày đầu tiên nhậm chức. Sắc lệnh này đã châm ngòi 5 vụ kiện của các nhóm dân quyền và tổng chưởng lý đảng Dân chủ từ 22 tiểu bang, gọi đó là hành vi vi phạm rõ ràng hiến pháp Mỹ.

"Theo sắc lệnh này, trẻ sơ sinh chào đời hiện nay không được xem là công dân Mỹ", trợ lý tổng chưởng lý Washington Lane Polozola nói với thẩm phán John Coughenour khi bắt đầu phiên điều trần tại Seattle.

Ông Polozola - đại diện cho các tổng chưởng lý tiểu bang đảng Dân chủ từ tiểu bang Washington, Arizona, Illinois và Oregon - đã thúc giục thẩm phán ban hành lệnh cấm tạm thời để ngăn chính quyền thực hiện yếu tố quan trọng này trong cuộc đàn áp nhập cư của ông Trump.

Trong cuộc họp báo bên ngoài tòa án sau khi lệnh cấm được ban hành, ông Polozola cho biết: “Đây là bước đầu tiên nhưng khi nghe thẩm phán tuyên bố rằng trong 40 năm làm thẩm phán, ông chưa bao giờ thấy điều gì vi hiến rõ ràng như vậy, điều đó cho thấy mức độ nghiêm trọng của nỗ lực này”.

Ông Polozola và những bên khởi kiện khác đối với lệnh hành pháp của tổng thống lập luận rằng hành động của ông Trump vi phạm quyền được ghi nhận trong điều khoản về quyền công dân của Tu chính án thứ 14 của hiến pháp, trong đó quy định rằng bất kỳ ai sinh ra tại Mỹ đều là công dân.

Trong sắc lệnh hành pháp của mình, ông Trump đã chỉ đạo các cơ quan của Mỹ từ chối công nhận quyền công dân của trẻ em sinh ra tại Mỹ nếu cả cha và mẹ đều không phải là công dân Mỹ hoặc thường trú nhân hợp pháp.

Trong một bản tóm tắt được đệ trình vào cuối ngày 22/1, Bộ Tư pháp Mỹ gọi sắc lệnh này là "một phần không thể thiếu" trong nỗ lực của tổng thống "nhằm giải quyết hệ thống nhập cư bị phá vỡ của quốc gia này và cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở biên giới phía nam".

Vụ kiện được đệ trình tại Seattle đã tiến triển nhanh hơn bốn vụ kiện khác được đưa ra liên quan đến sắc lệnh hành pháp.

Vụ kiện đã được giao cho Thẩm phán Coughenour, một người được cựu Tổng thống Cộng hòa Ronald Reagan bổ nhiệm.

Thẩm phán có khả năng sẽ ra phán quyết sau khi nghe các lập luận hoặc có thể đợi để viết quyết định trước khi sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực.

Theo sắc lệnh này, bất kỳ trẻ em nào sinh sau ngày 19/2 mà cha hoặc mẹ không phải là công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp sẽ bị trục xuất và bị ngăn cản không được nhận số an sinh xã hội, nhiều chế độ phúc lợi khác nhau của chính phủ và khả năng làm việc hợp pháp khi trưởng thành.

Hơn 150.000 trẻ sơ sinh sẽ bị từ chối quyền công dân hàng năm nếu sắc lệnh của ông Trump có hiệu lực, theo các tiểu bang do đảng Dân chủ lãnh đạo.

Các tổng chưởng lý tiểu bang của đảng Dân chủ nói rằng sự hiểu biết về điều khoản quyền công dân của hiến pháp đã được củng cố cách đây 127 năm khi Tòa án Tối cao Mỹ phán quyết rằng trẻ em sinh ra tại Mỹ có cha mẹ không phải là công dân có quyền công dân Mỹ.

Tu chính án thứ 14 được thông qua vào năm 1868 sau cuộc nội chiến và lật ngược phán quyết Dred Scott khét tiếng năm 1857 của Tòa án Tối cao tuyên bố rằng các biện pháp bảo vệ của hiến pháp không áp dụng cho người da đen bị bắt làm nô lệ. Nhưng trong bản tóm tắt của mình, Bộ Tư pháp lập luận rằng Tu chính án thứ 14 chưa bao giờ được diễn giải là mở rộng quyền công dân cho tất cả mọi người sinh ra tại quốc gia này và phán quyết năm 1898 của Tòa án Tối cao trong vụ "United States v. Wong Kim Ark" (tạm dịch Nước Mỹ kiện Wong Kim Ark) chỉ liên quan đến con cái của thường trú nhân.

Bộ Tư pháp cho biết vụ kiện của bốn tiểu bang cũng "vượt qua nhiều ngưỡng".

Bộ này khẳng định chỉ có cá nhân, không phải tiểu bang, mới có thể theo đuổi các khiếu nại theo điều khoản quyền công dân và các tiểu bang không có đủ tư cách pháp lý cần thiết để kiện sắc lệnh của Tổng thống Trump. 36 đồng minh Cộng hòa của ông Trump tại Hạ viện Mỹ đã đệ trình riêng luật hạn chế quyền công dân tự động chỉ dành cho trẻ em sinh ra từ công dân hoặc thường trú nhân hợp pháp.

Dương Lam

Nguồn Znews: https://znews.vn/sac-lenh-cua-ong-trump-bat-ngo-bi-chan-post1526899.html
Zalo