Bước chân anh hùng của Đài Phát thanh Giải phóng
Với những đóng góp của mình cho Cách mạng Việt Nam, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử - giải phóng Sài Gòn Gia Định ngày 30/4/1975, Đài phát thanh Giải phóng vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ Quán Sứ đến Chiến khu D
Cao trào Đồng Khởi đầu năm 1960 đã đưa đến thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (20/12/1060). Để đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền Cách mạng, Trung ương Đảng chỉ đạo, hướng dẫn Trung ương Cục miền Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam gấp rút thành lập Đài Phát thanh Giải phóng. Đài Tiếng nói Việt Nam coi đây là nhiệm vụ chính trị bí mật, cực kỳ quan trọng.

Ảnh tư liệu về Đài Giải phóng đang được lưu giữ tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.
Tết Quý Sửu (1961) Bộ Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN) cử các ông Huỳnh Minh Lý (Ba Nhi), Vũ Đường (Thanh Nho), Hoàng Quân (Hồng Hà) và Hồ Vĩnh Thuận bí mật vào Nam thực hiện nhiệm vụ bí mật.
Sau đó Đài cử thêm các ông Phạm Châu Lập, Huỳnh Đăng Khoa (Trọng Dân) cùng một số cán bộ kỹ thuật mang theo một số thiết bị phát thanh gọn nhẹ vào Chiến khu D, miền Đông Nam Bộ phối hợp với Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam tổ chức, chuẩn bị thành lập Đài Phát thanh Giải phóng (Đài PTGP).
Tháng 11/1961, tại căn cứ Tây bắc Tây Ninh, Đài PTGP được thành lập, bên cạnh Thông tấn xã Giải phóng và Báo Giải phóng trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam.
Lúc 18h30 ngày 1/2/1962, Đài PTGP phát chương trình chính thức đầu tiên. Nhạc hiệu của Đài PTGP là nhạc phẩm Giải phóng Miền Nam của nhạc sỹ Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước, Huỳnh Văn Tiểng).
Lời xướng là “Đây là Đài Phát thanh Giải phóng - Tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam”. Giám đốc đầu tiên là giáo sư Nguyễn Văn Hiếu. Sau này là Bộ trưởng Văn hóa, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Từ V12 đến CP90
Để hỗ trợ, tiếp sức cho Đài PTGP đặt ở Chiến khu D, Tây Ninh (gọi tắt là Đài B) Trung ương Đảng chỉ đạo Đài Tiếng nói Việt Nam (ở 58 Quán Sứ, Hà Nội) khẩn trương thực hiện ba nhiệm vụ cấp bách. Một là dùng máy phát sóng mạnh, tiếp âm Đài PTGP B.
Hai là sản xuất ngay một số chương trình phát thanh bổ sung cho làn sóng Đài B. Ba là xây dựng mạng lưới thông tin liên lạc, trực tiếp nhận tin, bài từ Đài B và ý kiến chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam. Tiếp đến, Trung ương giao cho Ban Thống nhất Trung ương và Đài TNVN xây dựng Đài Giải phóng A đặt tại Hà Nội.
Ngày 30/4/1962, tại số nhà 6A Yên Phụ, Hà Nội, V12 (mật danh đầu tiên của Đài Giải phóng A) chính thức tiếp âm làn sóng Đài PTGP B. Công suất máy phát được nâng lên nhiều lần nên nhân dân cả nước và nhiều khu vực trọng điểm trên thế giới nghe rõ Đài PTGP.
Tháng 5/1963 Đài PTGP A hình thành các bộ phận Biên tập, Bá âm, sản xuất các chương trình phát thanh tại Hà Nội.
Để bảo toàn lực lượng và bảo đảm phát sóng liên tục, từ tháng 3 đến tháng 7/1964, Trung ương chỉ đạo xây dựng Đài PTGP A tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại đây, Đài PTGP A tiếp âm Đài PTGP B và sản xuất thêm một số chương trình. Nhiều lần Đài A phát sóng thay Đài B, khi bị địch đánh phá.
Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại, Đài A ở Nam Đàn phải di chuyển khẩn cấp ra Hà Nội với hơn 50 người và trên 100 tấn thiết bị máy móc. Thời gian này, Đài TNVN cử đoàn cán bộ công nhân kỹ thuật Bá âm vào Chiến khu D tăng cường cho Đài B.
Năm 1966, Trung ương giao cho Đài TNVN quản lý Đài PTGP A, với mật danh C55.
Tháng 3/1967, sau trận càn Junction City vào Tây Ninh, Trung ương quyết định tổ chức Đài PTGP A thành đơn vị chính trị đặc biệt, trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng với mật danh CP90. Nhà báo Nguyễn Thành (bút danh Nguyễn Trung Trinh) ủy viên Bộ biên tập Đài TNVN được cử làm Trưởng ban. Trụ sở tại 58 Quán Sứ, Hà Nội.
Liên tiếp trong các năm 1965, 1968, 1972, 1973, Đài TNVN và Đài PTGP A cử các đoàn phóng viên, kỹ thuật viên vào thường trú các chiến trường Trị Thiên Huế, Khu 5, Tây Nguyên phối hợp với Đài B, Thông tấn Quân sự thông tin nhanh, phản ánh kịp thời cuộc sống chiến đấu của quân dân Miền Nam.
Hành quân theo bước chân thần tốc quân Giải phóng
Từ tháng 3/1975, Đài TNVN và Đài PTGP A cử 5 đoàn cán bộ, phóng viên bám sát các mũi tiến công của Quân Giải phóng vào giải phóng các tỉnh, thành phố từ Huế vào cực Nam Trung Bộ, phối hợp với Đài B tiến về Sài Gòn nhanh chóng tiếp quản các đài Phát thanh, Truyền hình của chính quyền Sài Gòn để lại.
Lúc 20h ngày 30/4/ 1975, tại trung tâm thành phố Sài Gòn Gia Định phát đi chương trình Phát thanh cách mạng đầu tiên với danh xưng “Đây là Đài Phát thanh Sài Gòn giải phóng, tiếng nói của nhân dân Sài Gòn Gia Định, phát thanh từ Sài Gòn”.
Lực lượng của Đài Phát thanh Giải phóng A và B, Đài TNVN cùng nhau tiếp quản các đài phát thanh truyền hình chính quyền Sài Gòn.
Từ Đài Tiếng nói Việt Nam 2 đến cơ quan thường trú Đài TNVN tại TP Hồ Chí Minh
Ngày 25/7/1975, Ban Tuyên huấn Trung ương ra Quyết định số 340 VP/TH chuyển Ban biên tập Đài Giải phóng A vào Sài Gòn hợp nhất với Đài Giải phóng B, quản lý, phát sóng các chương trình của Đài Phát thanh Giải phóng đến ngày 31/8/1976.

Đài phát thanh Giải phóng vinh dự nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trụ sở đặt tại nhà số 7 Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai), Giám đốc là ông Tân Đức, sau đó là ông Nguyễn Thành, trưởng ban biên tập CP90.
Theo quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ hợp nhất Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Tiếng nói Việt Nam thành cơ sở 2 của Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (Đài Tiếng nói Việt Nam 2) do ông Nguyễn Thành làm Giám đốc.
Ngày 18/6/1977 thành lập Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam. Theo đó tháng 5/1981 trên cơ sở Đài Tiếng nói Việt Nam 2 thành lập Cơ quan thường trú Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, do ông Nguyễn Thành làm Giám đốc.
Ngày 13/9/1988, sau khi giải thể Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam, cơ quan thường trú Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam trở thành Cơ quan thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh cho đến ngày nay.
Một bộ phận của Đài phát thanh Giải phóng B và A cùng Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập Đài Phát thanh Sài Gòn Giải phóng (Sau này là Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh).
Tự lực, tự tin vượt qua gian khó tiến lên phía trước
Nhận nhiệm vụ trọng đại, khẩn cấp xây dựng Đài Phát thanh Giải phóng với hai bàn tay trắng, những cán bộ, biên tập viên, kỹ thuật viên đầu tiên đã khắc phục khó khăn thiếu thốn, trước mắt vượt qua vùng kiểm soát của địch tìm kiếm máy phát sóng với công suất 200W.
Phải vượt rừng rậm, qua trảng đầy bom đạn di chuyển từ Bắc Mã Đà, Đồng Nai lên Tân Biên, Tây Ninh, kịp phát chương trình phát thanh đầu tiên của Đài Phát thanh Giải phóng vào 18 giờ 30’ ngày 1/2/1962 trên hai làn sóng 25m và 31m, với 5 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Hoa và Khmer. Cũng những ngày đầu này, tại 58 Quán Sứ Hà Nội, lãnh đạo Đài TNVN khẩn trương đưa cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên cùng phương tiện gọn nhẹ bí mật vượt Trường Sơn vào B2 tiếp sức cho đồng nghiệp.
Hơn 14 năm, Đài B trụ vững trên chiến trường miền Nam, Đài A đối đầu quyết liệt với chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, cán bộ, phóng viên, biên tập, phát thanh viên, nghệ sỹ, kỹ thuật viên đã chịu đựng gian khổ, vượt qua thiếu thốn đủ bề, chiến đấu, hy sinh để làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng phát đi liên tục, không ngưng nghỉ một phút, một chương trình, phục vụ đắc lực cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Cán bộ, phóng viên, biên tập viên, Đài B thực sự là Nhà báo - Chiến sỹ. Họ đã thâm nhập vào vùng sâu, tạm chiếm của địch để hoạt động nghiệp vụ, đưa tin nhanh về công cuộc chiến đấu của quân dân Miền Nam. Phóng viên hai Đài A, B bám sát các đơn vị quân Giải phóng, đưa tin kịp thời các trận đánh, chiến dịch lớn như Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, chiến dịch chiến tranh mở rộng sang Campuchia - 1970, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào 1971; chiến dịch mùa hè 1972, Giải phóng Phước Long 1975; trận tiến công chiến lược giải phóng Buôn Mê Thuột đến chiến dịch Hồ Chí Minh - 1975.

Bia tưởng niệm các liệt sĩ Đài Phát thanh Giải Phóng Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh).
Đặc biệt sau giải phóng Buôn Mê Thuột (10/3/1975) quân địch tháo chạy khỏi Tây Nguyên, phóng viên Đài Giải phóng đã bám sát chiến trường thông tin nhanh, phản ánh kịp thời, bình luận sâu sắc, nhạy bén góp phần làm hàng ngũ địch thêm tán loạn, gieo nỗi sợ hãi, tâm lý thất bại đi đến hành động chống lệnh chỉ huy của binh sỹ Sài Gòn.
Các cuộc tháo chạy của quân địch ở Huế, Đà Nẵng được phản ánh nhanh trên làn sóng của Đài Giải phóng và Đài TNVN đã góp phấn khiến quân địch tan rã nhanh, mất sức kháng cự, làm cho tinh thần quân dân ta thêm phấn chấn, thần tốc lên phía trước.
Trong hồi ký của quan chức cao cấp tình báo Mỹ thừa nhận: “Đài Giải phóng đã đem đến cho họ (chính quyền Sài Gòn) sự thất vọng. Trong khi đó, vào thời điểm này, Đài Phát thanh Giải phóng đã tiếp tục cổ vũ cho một cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày càng mạnh mẽ và rộng khắp”.
Trong thời gian cùng với Đài B giữ cho làn sóng Phát thanh Giải phóng liên tục, mạnh mẽ, Đài A đã liên tục di chuyển hơn 10 lần khắp địa bàn miền núi, trung du, đồng bằng Bắc bộ, Tây Bắc, Việt Bắc vừa chiến đấu với máy bay địch, vừa sản xuất chương trình, duy trì truyền dẫn phát sóng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị mà Đảng và nhân dân giao phó.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “Đài Giải phóng là vũ khí sắc bén, luôn luôn góp phần cổ cũ quân và dân ta trên các chiến trường, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến đấu dũng cảm và mưu trí… dành thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất Tổ quốc, non sông thu về một mối, Nam Bắc sum họp một nhà”.
Nguyên Phó Chủ tịch nước, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình nhận định: “Đài Phát thanh Giải phóng là một trong những phương tiện thông tin, tuyên truyền quan trọng của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam… Sự tồn tại và phát triển của Đài Phát thanh Giải phóng B và A đã viết thêm trang sử oanh liệt của ngành Phát thanh Việt Nam”.
Nhà báo lão thành Hoàng Tùng, Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ: “Sự cống hiến (của Đài Phát thanh Giải phóng) đối với sự nghiệp giải phóng đất nước, thống nhất nước nhà không khác gì chiến công của một binh đoàn mạnh”.
Làn sóng phát thanh Giải phóng là mũi tiến công đối ngoại mạnh mẽ, sắc bén
Sau ngày 30/4/1962, làn sóng Đài B được tiếp âm tại Hà Nội (V12) sau đó khuyếch đại lên 15 lần, phủ sóng nhiều vùng trọng điểm trên thế giới, nhân dân yêu chuộng hòa bình nhiều nước, khu vực đã biết đến, khâm phục, cổ vũ cuộc chiến đấu chống Mỹ cứu nước của nhân dân Miền Nam Việt Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.
Cả hai đài B và A chung tay xây dựng các chương trình phát tiếng nước ngoài cả nội dung và hình thức thể hiện, như tiếng Anh, Pháp, Quảng Đông, Bắc Kinh, Khơ me, Lào, Triều Châu. Đài A phối hớp chặt chẽ, hiệu quả với Đài TNVN tổ chức nhiều chương trình có nội dung phong phú vừa kết hợp tiếng nói chiến trường với bạn bè thế giới có dịp đến Hà Nội.
Năm 1973, tại Cam Lộ, Quảng Trị, thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, phóng viên Đài A đã có mặt kịp thời, thông tin nhanh, phản ánh sinh động hoạt đồng đối ngoại, như Đại sứ các nước trình quốc thư, các cuộc thăm, làm việc của nhiều đoàn đại biểu Quốc tế, trong đõ có đoàn đại biểu cùa Hội nhà báo quốc tế - OIJ, Phát thanh truyền hình quốc tế - OIRT.
Nhà báo Nguyễn Thành (Nguyễn Trung Trinh) đại diện cho Đài Phát thanh Giải phóng được bầu giữ chức Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Quốc tế (OIJ). Đặc biệt, tại đây, năm 1973, Đài A đã truyền đi nhanh chóng đầy xúc động chuyến thăm Quảng Trị của Chủ tịch Cu Ba, Phiden Cátxtrô.
Trong thời gian Hội nghị Paris bàn về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam, làn sóng Đài Phát thanh Giải phóng đã bám sát chiến trường, thông tin nhanh, bình luận kịp thời, sâu sắc, thể hiện thế và lực của cách mạng, góp phần xứng đáng với đấu tranh ngoại giao trên bàn hội nghị và dư luận trên trường quốc tế.

Một số ảnh tư liệu về Đài Giải phóng đang được lưu giữ tại Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM.
Bà Nguyễn Thị Bình ghi nhận: “Đài Phát thanh Giải phóng B được tăng cường về mọi mặt khi có thêm Đài Phát thanh Giải phóng A được phát đi từ hậu phương lớn miền Bắc. Tiếng nói của Đài vang xa đến tận nước Mỹ cũng như tại Paris, khi ở đây diễn ra Hội nghị bốn bên về Việt Nam”.
Chương trình phát thanh binh địch vận đã phát huy hiệu quả, không chỉ thức tỉnh tình nước, tình nhà trong hàng ngũ quân đội Sài Gòn mà còn làm rõ tính chất chính nghĩa cuộc chiến đấu của quân dân ta, phân hóa, lôi kéo những lính Mỹ về phía chính nghĩa.
Chương trình Binh địch vận của Đài Giải phóng cùng với Đài TNVN thực sự mà mũi tiến công sắc bén, hiệu quả. Đồng thời qua làn sóng phát thanh nhân dân thế giới hiểu rõ và đồng tình với cuộc chiến đấu, hy sinh của quân dân ta, chào mừng, chung vui cùng chiến thắng lịch sử của nhân dân Việt Nam.
Đài Phát thanh Giải phóng đã rèn tạo nên một đội quân báo chí – chiến sỹ
Trung ương Đảng coi Đài Phát thanh Giải phóng là vũ khí sắc bén, hiệu quả trên mặt trận thông tin, tuyên truyền nên ngay từ ngày đầu thành lập đã giao trọng trách cho Trung ương Cục Miền Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện.
Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu là giám đốc đầu tiên, sau này là Bộ trưởng Bộ Văn hóa chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam. Tiếp đến là ông Trần Bửu Kiếm, sau này là Bộ trưởng, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam, ông Lê Đức Tài (Bảy Kỉnh), Thanh Nho (Vũ Đường) cán bộ Đài TNVN tăng cường năm 1961, Nguyễn Thành, Ủy viên Bộ biên tập Đài TNVN, Giám đốc Đài PTGP A.
Ngày đầu thành lập Đài B chỉ hơn 10 người, phần đông có trình độ kiến thức phổ thông, nhưng đã tự học, tự rèn luyện trong chiến đấu gian khổ, thiếu thốn trở thành những phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên có tay nghề đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Ngày đầu tiên phát sóng, tiếp âm Đài B, V12, đơn vị đầu tiên của Đài A chỉ vỏn vẹn 12 người. Sau đó được Ban Thống nhất Trung ương và Đài TNVN giúp đỡ, Đài A đã tuyển được hàng chục cử nhân Khoa Văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội về làm công tác “B trên A”.
Lực lượng này có trình độ cơ bản về xã hội nhân văn nên nhanh chóng thuần thục công việc biên tập. Bên cạnh là lớp kỹ sư vô tuyến điện lấy từ Đại học Bách khoa Hà Nội về làm kỹ thuật phát thanh. Đài A còn tập hợp được nhiều nghệ sỹ, nhạc sỹ, sinh viên, học sinh từ Huế, Đà Nẵng và nhiều thành phố khác ở Miền Nam lên vùng giải phóng ra Bắc học tập trở lại phục vụ cách mạng Miền Nam.
Đến năm 1974, Đài Phát thanh Giải phóng B và A có hơn 400 cán bộ, phóng viên, biên tập, nghệ sỹ, kỹ thuật viên, nhân viên. Trong đó có nhiều cán bộ vững vàng, đảm trách các đài PTTH các địa phương phía Nam, cán bộ chủ chốt của Đài TNVN, Cơ quan thường trú Đài TNVN tại thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Đài A và B đều chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên là cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, trí thức, nhà văn, nhà báo, nhà hoạt động xã hội có tên tuổi: Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh (bút danh Trường Sơn), Hoàng Văn Thái (Nam Hải), Trần Độ (Cửu Long), Trần Văn Trà, Nguyễn Thị Định, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Thúc Long. Nhiều nhân sỹ, trí thức, nghị sỹ hoạt động trong các phong trào dân chủ ở các thành thị miền Nam cũng đồng tình viết bài cho Đài Giải phóng.
Trong suốt cuộc hành trình xây dựng và bảo vệ, rèn đức, rèn tài, những người làm phát thanh Giải phóng A và B cũng là chiến sỹ, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu với quân thù dưới mặt đất, trên bầu trời, bảo vệ căn cứ, cơ quan. Đài PTGP đã có 25 cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên hy sinh trong khi làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong vùng địch tạm chiếm và ngay trên căn cứ của Đài B.
Nhiều cán bộ, nhân viên là chiến sỹ thi đua, dũng sỹ diệt Mỹ, dũng sỹ diệt xe tăng, diệt máy bay. Tập thể Đài Phát thanh Giải phóng và nhiều cá nhân đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều huân hy chương. Hơn 400 cán bộ, nhân viên Đài Giải phóng được nhận Huy chương vì sự nghiệp Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước.
Tập thể Đài phát thanh Giải phóng vinh dự, tự hào được Đảng và Nhà nước tạng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang thời kỳ chống Mỹ cứu nước.