'Bừng sáng' công nghệ bán dẫn, AI
Trong năm 2024, nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đã đến 'gõ cửa' Việt Nam.
Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, 11 tháng năm 2024, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ ba liên tiếp Việt Nam đạt mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD.
Lũy kế đến tháng 11/2024, Việt Nam có 41.720 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Ba yếu tố thu hút đầu tư
Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, vốn đầu tư tiếp tục tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài như: Cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… Mười địa phương là Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An và Bắc Giang chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Vũ Văn Chung cho rằng, trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới tiếp tục suy giảm và được dự báo tăng trưởng ở mức, Việt Nam được đánh giá là điểm sáng.
Dòng vốn FDI vào đất nước hình chữ S vẫn ổn định và có xu hướng tăng lên, tập trung vào các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn, pin xe điện, các linh kiện, sản phẩm điện tử... “Đây là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, vào những quyết sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, ông Vũ Văn Chung nói.
Trong khi đó, ông Andrea Coppola, chuyên gia Kinh tế trưởng và Quản lý chương trình Tăng trưởng công bằng, Tài chính và Thể chế của Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, Lào và Campuchia đánh giá, khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam được thúc đẩy mạnh mẽ nhờ ba yếu tố chính.
Thứ nhất, thực tế là môi trường kinh doanh của Việt Nam mang lại sự ổn định cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế đánh giá cao nỗ lực liên tục của Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.
Thứ ba, Việt Nam đã tận dụng tốt vị trí chiến lược là “cầu nối” giữa hai cường quốc Trung Quốc và Mỹ. Nhờ tất cả điều này, Việt Nam có thể thu hút một lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian qua.
Công nghệ, bán dẫn, AI “thổi lửa” dòng vốn FDI
Điểm nổi bật của dòng vốn FDI trong năm qua là nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn của thế giới trong lĩnh vực sản xuất bán dẫn, công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI) đến “gõ cửa” Việt Nam.
Đơn cử như Amkor (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh tăng vốn thêm 1,07 tỷ USD hồi đầu tháng 7/2024 vào dự án Nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây là dự án tỷ USD đầu tiên của năm 2024, đóng góp khá tích cực vào tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam những tháng đầu năm.
Cũng trong tháng Bảy Tập đoàn Foxconn đã được tỉnh Quảng Ninh trao Giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án có quy mô 551 triệu USD để sản xuất sản phẩm giải trí thông minh và hệ thống thông minh. Với hai dự án này, Foxconn đã nâng tổng vốn đầu tư tại Quảng Ninh lên gần 1 tỷ USD và nâng tổng vốn đầu tư tại Việt Nam lên hơn 3 tỷ USD.
Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, LG, Posco… đã và đang lên kế hoạch đầu tư thêm hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới. Ông Jeong Cheol Dong, Giám đốc điều hành LG Display tiết lộ, tập đoàn này đã giải ngân đầu tư hơn 5 tỷ USD tại Việt Nam và sẽ đầu tư thêm 3 tỷ USD trong 5 năm tới. Trong kế hoạch này, Nhà máy LG Innotel dự kiến tăng gấp đôi công suất, qua đó hình thành tổ hợp sản xuất khép kín của LG tại Việt Nam.
Ngoài ra, loạt “ông lớn” trong ngành bán dẫn thế giới đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Trong đó có nhiều tên tuổi lớn trong ngành bán dẫn thế giới như Intel, Ampere, Marvell, Cadence, Renesas, Synopsys, Qorvo... Ngược lại, một số công ty trong nước cũng đã gia nhập thị trường công nghiệp bán dẫn như Viettel, FPT, VNChip…
Mới nhất, sự trở lại của ông Jensen Huang, Tổng giám đốc Tập đoàn NVIDIA hồi đầu tháng đã “làm nóng” ngành AI. Chính phủ Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn công nghệ hàng đầu Hoa Kỳ NVIDIA thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) về AI tại Việt Nam. Và đất nước Đông Nam Á đã chính thức trở thành điểm đến thứ ba mà tập đoàn này đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển về AI, sau Mỹ - nơi NVIDIA đặt trụ sở tập đoàn và Đài Loan (Trung Quốc).
Ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đánh giá, có nhiều lý do để NVIDIA và loạt “ông lớn” bán dẫn, công nghệ, AI lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, đó là chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện, vị trí địa lý chiến lược, sự ổn định chính trị, quy mô thị trường 100 triệu dân, chính sách đầu tư thông thoáng.
Có nhiều lý do để NVIDIA và loạt “ông lớn” bán dẫn, công nghệ, AI lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư, đó là: Chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được cải thiện, vị trí địa lý chiến lược, sự ổn định chính trị, quy mô thị trường 100 triệu dân, chính sách đầu tư thông thoáng.
Đột phá mới
Kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thông qua (tháng 12/1987), dòng vốn FDI đã ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là xuất khẩu. FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Trong khi, theo GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, xuất khẩu chính là “bệ phóng” của nền kinh tế. Dự báo cho năm 2025, thu hút FDI vẫn rất tốt nhờ sự tin tưởng của các nhà đầu tư vào nội lực của kinh tế Việt Nam. Các yếu tố khác như tỷ giá ổn định cũng giúp các nhà đầu tư yên tâm.
Dù vậy, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, xu hướng đầu tư FDI đang có nhiều sự thay đổi. Nếu trước đây, nhà đầu tư chủ yếu tìm khu vực có lao động giá rẻ, thì ngày nay lại chủ yếu đầu tư vào khoa học công nghệ và công nghệ cao. Đó sẽ là động lực giúp Việt Nam có thể tăng trưởng hai con số trong tương lai.
Khẳng định Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI, ông Victor Ngo, Tổng giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam nói rằng, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. “Đây là bước đột phá trong việc giữ ổn định nguồn FDI hiện có và tạo hành lang rộng mở cho việc thu hút các nguồn FDI mới tới đất nước trong tương lai”, ông Victor Ngo nói.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ luôn quyết liệt hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam quyết tâm trong thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao và ngành bán dẫn. Đất nước đã và đang xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao; trong đó, có việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.
Sự nỗ lực đó của Chính phủ sẽ là cơ sở để nhà đầu tư FDI tiếp tục chọn Việt Nam làm bến đỗ, giúp đất nước “bừng sáng” trong kỷ nguyên mới.