Các chính sách hỗ trợ về thuế ngày càng khẳng định 'tác dụng kép'

Kể từ thời điểm Covid-19 bùng phát, chưa bao giờ đất nước ta phải đối mặt với khó khăn như năm 2024. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng.

Một số khoản chi về môi trường sẽ không còn được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp Tạo thuận lợi tối đa trong áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường mới với xăng, dầu

Thực hiện các chính sách thuế làm giảm thu ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ảnh: TL.

Thực hiện các chính sách thuế làm giảm thu ngân sách hàng trăm nghìn tỷ đồng. Ảnh: TL.

Điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt

Tổng quy mô gói hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong năm 2024 lên đến khoảng 191 nghìn tỷ đồng.

Kết quả thực hiện, bao gồm các chính sách thi hành từ năm 2023, tiếp tục tác động làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2024 ước đạt khoảng 197,3 nghìn tỷ đồng, trong đó, miễn, giảm khoảng 99 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 98,3 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2024 giảm thu khoảng 42,5 nghìn tỷ đồng; giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ giảm thu khoảng 49 nghìn tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng hồ sơ trình Chính phủ dự thảo Nghị định quy định việc giảm tiền thuê đất năm 2024 nhằm tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, tăng trưởng, đặc biệt sau cơn bão số 3 (Yagi).

Toàn ngành Tài chính gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và thuế tiêu thụ đặc biệt trong năm 2024 khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng.

Đồng thời, tiếp tục giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ từ tháng 9 đến hết tháng 11/2024 đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, tác động giảm khoảng 2.600 tỷ đồng; tiếp tục giảm mức thu đối với 36 khoản phí, lệ phí, áp dụng nửa cuối năm 2024, tác động giảm khoảng 700 tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã quy định giảm mức thu phí, lệ phí từ 10% đến 50% nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025). Dự kiến thực hiện chính sách này sẽ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp khoảng 100 tỷ đồng/năm.

Như vậy, thời gian qua, nhiều giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã và đang tiếp tục được triển khai trong thực tế để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.

Các chính sách về thuế đã có “tác dụng kép”, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện sức ép lạm phát, chi phí tăng cao.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TL.

Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ làm giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Ảnh: TL.

Nối tiếp những chính sách ưu đãi

Năm 2025, cùng với việc triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ đã được ban hành nêu trên, Bộ Tài chính đã và đang chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ phù hợp trong năm 2025.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2025. Dự kiến thực hiện giải pháp này số tiền thuế được giảm khoảng 26,1 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng trong năm 2024. Thực hiện giải pháp này, dự kiến sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 44 nghìn tỷ đồng.

Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa các lĩnh vực của ngành Tài chính. Qua đó tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc ban hành và thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế cũng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp, người dân; góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh để đóng góp vào kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội.

Đông Mai

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-chinh-sach-ho-tro-ve-thue-ngay-cang-khang-dinh-tac-dung-kep-167618.html
Zalo