Bùng nổ chương trình nghệ thuật, giải trí dịp 2/9

Hàng loạt sự kiện văn hóa, nghệ thuật trải dài từ trung tâm thành phố đến ngoại thành trong dịp 2/9, với sự đa dạng từ trưng bày, triển lãm đến những chương trình âm nhạc được đầu tư, đáp ứng nhu cầu giải trí của người dân Thủ đô và các vùng lân cận.

Đắm chìm trong các lễ hội

Kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày từ 31/8-3/9, bên cạnh lựa chọn du lịch, người dân có hàng loạt lựa chọn để thư giãn, tận hưởng kỳ nghỉ lễ này. Dịp này, Sở Du lịch Hà Nội, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và một số đơn vị liên quan kết hợp tổ chức chương trình Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội năm 2024, diễn ra từ ngày 1/9 tại Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và một số tuyến phố thuộc các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm và Long Biên. Tại Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long, chương trình biểu diễn nghệ thuật múa rối chiêu đãi khán giả miễn phí trong hai khung giờ 9h30-10h30 và 15h00-16h00 các ngày 1 và 2/9.

Hòa nhạc Điều còn mãi dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Hòa nhạc Điều còn mãi dần trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu vào dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9.

Triển lãm Nghiên bút còn thơm khai mạc vào ngày 31/8 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm, hiểu biết thêm về nghệ thuật thư pháp quốc ngữ. Triển lãm giới thiệu và trưng bày những tác phẩm thư pháp quốc ngữ theo hướng hiện đại kết hợp với nghệ thuật sắp đặt và ánh sáng. Nội dung tác phẩm thư pháp được lấy cảm hứng từ những tác phẩm thơ văn quốc âm (chữ Nôm) hoặc chữ quốc ngữ của các danh nhân nổi tiếng hoặc gắn bó, sáng tác về Thăng Long - Hà Nội, về Văn Miếu - Quốc Tử Giám... Triển lãm được tổ chức tại Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ 31/8-25/9.

Mong muốn khám phá nét đẹp, văn hóa của các phiên chợ vùng cao của du khách có thể được đáp ứng trong Vui tết độc lập tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội). Không chỉ tìm hiểu các phiên chợ vùng cao, du khách có thể thêm yêu văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua những màn trình diễn dân ca dân vũ, giới thiệu ẩm thực vùng miền. Dịp này nhiều lễ hội truyền thống được tái hiện như: lễ cưới của dân tộc Nùng, nghi thức rước ma giữ lửa của đồng bào dân tộc Mông... Sự kiện có sự tham gia của hơn 200 nghệ nhân, nghệ sĩ. Vui tết độc lập được tổ chức ngày 31/8-3/9.

 Chương trình Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 1/9 tại Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Chương trình Áo dài kết nối Du lịch với Di sản Hà Nội sẽ diễn ra từ ngày 1/9 tại Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội.

Cùng được tổ chức ngày 31/8-3/9 là lễ hội Xứ sở thần tiên tại công viên Thiên đường Bảo Sơn (huyện Hoài Đức, Hà Nội). Với chủ đề Xứ sở thần tiên, công viên Thiên đường Bảo Sơn đem đến cho du khách nhiều hoạt động giải trí đậm màu cổ tích như vũ hội thần tiên, gặp gỡ nàng Tinker Bell, chương trình biểu diễn của nàng tiên cá…

Tại một số quận huyện ngoại thành Hà Nội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm Quốc khánh 2/9 không kém phần sôi động. Các nhà hát liên tục biểu diễn phục vụ khán giả vào hai ngày 1, 2/9 với nhiều chương trình đặc sắc, hấp dẫn. Nhà tổ chức chương trình Tinh hoa Bắc Bộ sẽ bắn pháo hoa vào ngày 2/9 tại công viên biển Tuần Châu, Hà Nội (huyện Quốc Oai).

Tiệc âm nhạc rộn ràng

Hòa nhạc quốc gia Điều còn mãi là điểm hẹn quen thuộc từ năm 2009 đến nay. Chọn thời điểm biểu diễn duy nhất vào 14h ngày 2/9 tại địa điểm duy nhất là Nhà hát Lớn, trước Quảng trường Cách mạng Tháng Tám, Điều còn mãi là sự kiện bày tỏ niềm tự hào dân tộc thông qua âm nhạc. Năm 2024 gắn với nhiều ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước như 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ đô, 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Yêu cầu đặt ra đối với những người thực hiện chương trình là làm thế nào để vừa tạo được tính kết nối nghệ thuật, vừa tôn vinh được giá trị của những sự kiện lịch sử.

Nhiều phim điện ảnh ngoại đổ bộ rạp Việt dịp nghỉ lễ 2/9.

Nhiều phim điện ảnh ngoại đổ bộ rạp Việt dịp nghỉ lễ 2/9.

“Với chủ đề gói gọn trong ba cụm từ quân đội, chiến thắng và người Hà Nội, tôi biên tập các bài hát tạo thành mạch kể chuyện, bắt đầu từ khi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, đoàn quân kéo lên Tây Bắc, Điện Biên, trải qua những hi sinh mất mát để giải phóng Điện Biên, giải phóng Thủ đô …”, giám đốc âm nhạc Trần Mạnh Hùng chia sẻ. Các nhạc phẩm nổi tiếng như Hành quân xa (Đỗ Nhuận), Bài ca trên núi (Nguyễn Văn Thương), Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Tiến bước dưới quân kỳ (Doãn Nho)… sẽ vang lên ở Điều còn mãi.

Dịp nghỉ lễ 2/9, khán giả nhí cũng có nhiều lựa chọn vui chơi, giải trí. Liên đoàn Xiếc Việt Nam xác nhận tổ chức Gala xiếc thú với các tiết mục mạo hiểm trên cao. Đây cũng là chương trình xiếc quy tụ nhiều tiết mục xiếc thú đặc sắc nhất trong năm. Gala xiếc thú được biểu diễn trong 4 ngày, từ 31/8 đến 3/9.

Từ ngày 12/8 đến 5/9, Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức chương trình chiếu phim tuyên truyền và biểu diễn nghệ thuật tại Rạp Kim Đồng (Hoàn Kiếm) và Rạp 2/9 Sơn Tây (thị xã Sơn Tây). Đợt phim giới thiệu tới công chúng các phim truyện, phim tài liệu, phim hoạt hình như Luật sư Vũ Trọng Khánh, Một lần sống, Anh hùng núi Tản…

Phim ngoại đổ bộ

Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, hai phim hoạt hình 200% Sói bảnh và Bố gà siêu đẳng: Trận chiến trên băng được giới thiệu đến khán giả toàn quốc. Hai bộ phim phù hợp với nhu cầu giải trí của tất cả thành viên trong gia đình. Chàng nữ phi công và Hellboy: Đại chiến quỷ dữ cũng đổ bộ rạp Việt dịp này. Đây được coi là “bom tấn” ngoại đổ bộ trong đợt nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Cả bốn phim sẽ được công chiếu trên toàn quốc từ ngày 30/8.

GIA LINH - NGỌC ÁNH

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bung-no-chuong-trinh-nghe-thuat-giai-tri-dip-29-post1667273.tpo
Zalo