Bù Đăng xôn xao mùa lễ hội
Lễ hội 'Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo' là sự kiện văn hóa lớn nhất từ trước đến nay chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Bù Đăng (14-12-1974 - 14-12-2024). Trong 3 ngày (từ 8 đến 10-11), lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa đặc sắc như hội thi giã gạo, đẩy gậy, cõng nước, lễ hội Kết bạn cộng đồng; hội nghị khởi nghiệp du lịch; biểu diễn hòa tấu 500 bộ đàn đá... Điểm nhấn của lễ hội là chương trình nghệ thuật quy tụ nhiều MC, ca sĩ chuyên nghiệp, các vũ đoàn, nghệ nhân lên đến gần 50 người.
SÂN KHẤU HÓA NGHỆ THUẬT HÀNH TRÌNH PHÁT TRIỂN MỘT VÙNG ĐẤT
Chương trình nghệ thuật “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” được tổ chức tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, xã Bình Minh, huyện Bù Đăng. Sân khấu thiết kế theo nhiều lớp mảng khối, kết hợp trong một chỉnh thể thống nhất, tạo nên các khu vực biểu diễn có độ cao, thấp khác nhau, không bị chồng đội hình trong các lớp diễn đông người. Hệ thống âm thanh, ánh sáng có quy mô tương đương các chương trình, sự kiện lớn của tỉnh. Hệ thống màn hình led chiếu hình ảnh tư liệu, các danh thắng về Bù Đăng, sự kiện lịch sử, không khí hào hùng trong chiến đấu, hăng say trong lao động, sản xuất, các sinh hoạt văn hóa dân tộc, xây dựng phong trào nông thôn mới trên quê hương Bù Đăng. Chương trình nghệ thuật dự kiến gồm 3 chương: Chương I có chủ đề “Bom Bo mảnh đất anh hùng”, chương II “Bom Bo trong công cuộc đổi mới” và kết thúc bằng tiết mục “Ngày mới Bom Bo”.
Trong khoảng 120 phút, bằng hình thức ca, múa, nhạc, kịch thông qua các trường đoạn diễn xuất, lời bình và hình ảnh led, chương trình nghệ thuật sẽ chuyển tải các ca khúc viết về sóc Bom Bo, về Bù Đăng, quê hương, đất nước. Nội dung nhằm khái quát sự hình thành và phát triển của một vùng đất, ôn lại lịch sử vẻ vang của vùng đất, con người sóc Bom Bo nói riêng và huyện Bù Đăng nói chung trong công cuộc đấu tranh, xây dựng, hội nhập và phát triển.
Sóc Bom Bo là một miền quê huyền thoại, mang truyền thống anh hùng, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Bù Đăng luôn đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, tập trung tất cả nguồn lực để phát triển kinh tế, khát vọng vươn lên, quyết tâm xây dựng Bom Bo nói riêng và huyện Bù Đăng nói chung ngày càng giàu đẹp, văn minh. Các ca khúc “Xôn xao chiều Bù Đăng” với sự trình bày của ca sĩ Trang Dung; “Lại về Bom Bo” (Nghệ sĩ ưu tú Vũ Thắng Lợi) hay ca sĩ A Páo, Trọng Nhơn sẽ là những nét sáng của sân khấu trong sự kiện lần này.
VUN ĐẮP TÌNH YÊU QUÊ HƯƠNG
Về với lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” lần này, nhạc sĩ Trần Cao Vân, hội viên Chi hội Âm nhạc tỉnh Bình Phước có tâm thế tràn đầy hy vọng. Ông cho biết mong muốn được đắm mình trong không gian văn hóa của lễ hội để yêu, để viết và tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật tỉnh nhà. Trong chương trình nghệ thuật đêm bế mạc, nhạc sĩ Trần Cao Vân có 3 bài hát được các ca sĩ Ngọc Sang, Trọng Nhơn, A Páo thể hiện. Đó là các bài “Thổ cẩm S’tiêng”, “Tôi yêu S’tiêng của tôi” và “Hồn đá”.
Lãnh đạo huyện Bù Đăng kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ hội tại Khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo - Ảnh: Đỗ Huấn
Nhạc sĩ Trần Cao Vân hiện có 7 ca khúc viết về dân tộc S’tiêng, trong đó các ca khúc này được ông xây dựng và phát triển từ dân ca S’tiêng. Tham dự lễ hội lần này, ông còn có bài tham luận với chủ đề bảo tồn và phát huy dân ca trong sáng tác.
Nhạc sĩ Trần Cao Vân chia sẻ: Bù Đăng - một vùng văn hóa đa dân tộc, đa sắc màu, phản ánh sự giàu có và phong phú của nền văn hóa Việt Nam. Tại Bù Đăng, người ta có thể tìm thấy nhiều dân tộc đặc trưng, như: S’tiêng, Chăm, Hrê, Bru-Vân Kiều và các dân tộc khác. Mỗi dân tộc mang những nét văn hóa riêng, từ ngôn ngữ, phong tục truyền thống đến nghệ thuật và thậm chí cả đặc sản ẩm thực. Tôi mong những trao đổi và đề xuất của mình tại lễ hội sẽ được quan tâm để góp phần phát huy tiềm lực, tài nguyên văn hóa và quảng bá hình ảnh quê hương Bù Đăng, những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất, con người nơi đây ra xa hơn.
Là một trong những huyện thành lập sau so với các huyện, thành phố trong tỉnh, 50 năm sau ngày giải phóng, 35 năm sau ngày tái lập, Bù Đăng đang chuyển mình mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Kinh tế chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ... Đời sống người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có nhiều khởi sắc. Bù Đăng đang từng bước xây dựng quê hương văn minh, tươi đẹp, một cộng đồng chan hòa, mến khách, luôn mở rộng vòng tay chào đón, yêu thương, cho bất kỳ ai đến cũng luyến lưu hẹn ngày trở về.
Lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” khai mạc vào ngày 8-11-2024. Trong ngày này sẽ diễn ra hội thi đẩy gậy, cõng nước, lễ hội Kết bạn cộng đồng và đêm giao lưu với chủ đề: “Về Bom Bo nghe nhịp chày giã gạo”. Trong ngày 9-11, diễn ra các hoạt động: Chạy việt dã "Đường về thăm sóc Bom Bo", biểu diễn đàn đá, thi giã gạo, nấu cơm và lễ hội ẩm thực “Hương vị bên ánh đuốc lồ ô”. Lễ hội sẽ bế mạc sau chương trình “Đêm hội Bom Bo” diễn ra vào tối cùng ngày.
Từ sau Hội nghị Văn hóa tỉnh Bình Phước năm 2023, các hoạt động văn hóa trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Bù Đăng bắt đầu sôi động cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong đó, lễ hội “Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo” của huyện Bù Đăng được kỳ vọng sẽ là dấu ấn đậm nét trong năm 2024. Lễ hội không chỉ là dịp giới thiệu văn hóa của một vùng đất, con người mà còn giúp mỗi người dân hiểu sâu sắc hơn về truyền thống của quê hương, khơi gợi lòng yêu nước, ý chí xây dựng, phát huy và bảo tồn văn hóa của một địa danh từng đi vào lịch sử.