Bức tranh kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng năm 2025

UBND TP Hồ Chí Minh vừa công bố dự thảo báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho năm 2025.

Theo báo cáo, kinh tế TP Hồ Chí Minh trong năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, với mức tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể, quý I tăng 6,79%, quý II tăng 6,53%, quý III tăng 7,36%, và quý IV ước đạt 7,92%.

Trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 dự kiến tăng 7,17% so với năm 2023. Trong đó khu vực nông lâm thủy sản tăng 0,12%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,89%, khu vực thương mại dịch vụ tăng 7,7% và thuế sản phẩm tăng 5,14%.

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh năm 2024 dự kiến tăng 7,17%. Ảnh minh họa

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của TP Hồ Chí Minh năm 2024 dự kiến tăng 7,17%. Ảnh minh họa

Đối với lĩnh vực dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 của TP Hồ Chí Minh tăng trưởng ổn định, ước đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, tăng gần 11%. Trong đó, bán lẻ hàng hóa tăng 11%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9%, dịch vụ lữ hành tăng 55% và các dịch vụ khác tăng 8%.

Theo đó, cơ cấu hàng xuất khẩu tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn (75%) trong kim ngạch xuất khẩu.

Cùng với đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu chuyển dịch mạnh sang các nước/vùng lãnh thổ Việt Nam có tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA), hàng hóa xuất khẩu của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã có mặt tại 214 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh qua các cửa khẩu trên cả nước ước đạt 58,6 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ (năm 2023 giảm 12,1%).

Về tổng thu du lịch năm 2024 toàn TP ước đạt 190.000 tỷ đồng (tăng 18,8%), đạt 100% so với kế hoạch.

Khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh ước đạt 38 triệu lượt (tăng 8,6%), cùng với đó, lượng khách quốc tế đạt 6 triệu lượt (tăng 20%).

Năm 2025, TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tập trung hoàn thành các mục tiêu và nhiệm vụ trọng tâm với kết quả cao nhất, trong đó phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên 10%.

Về hoạt động ngân hàng, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh năm 2024 ước đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10%. Tổng dư nợ tín dụng cũng đạt gần 3,9 triệu tỷ đồng, tăng 10%.

Trong lĩnh vực công nghiệp, TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu, góp phần tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) lên 7,3%.

Trong đó, ngành khai khoáng tăng 29%, công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5%, sản xuất và phân phối điện tăng 11%, và cung cấp nước, xử lý rác thải tăng 5%.

Về đầu tư công, tính đến ngày 29/11, TP Hồ Chí Minh đã giải ngân được 19.723 tỷ đồng, đạt 25% kế hoạch vốn được giao.

Dự kiến, đến hết tháng 12/2024, mức giải ngân sẽ đạt 60.944 tỷ đồng và đến hết niên độ kế hoạch năm 2024 (tháng 1/2025) đạt 64.528 tỷ đồng, tương đương trên 81% kế hoạch năm.

TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, địa phương gặp một số khó khăn khiến tiến độ giải ngân chậm bao gồm các thay đổi pháp luật liên quan, vướng mắc trong thủ tục giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch, cùng với sự phụ thuộc vào các bộ, ngành trung ương trong giải quyết thủ tục.

Về tình hình doanh nghiệp, năm 2024, TP Hồ Chí Minh dự kiến có khoảng 52.500 doanh nghiệp thành lập mới với vốn đăng ký ước đạt 400.000 tỷ đồng, giảm 1% về số lượng và giảm 17% về vốn đăng ký.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp giải thể dự kiến tăng 4% lên 4.200 doanh nghiệp và 32.500 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 17%.

Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh vẫn có 15.800 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 21%.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, TP sẽ xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện chủ đề năm 2025, đồng thời tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo Trung ương gắn liền với với rà soát, đổi mới thể chế, sàng lọc đội ngũ và củng cố hiệu quả quản lý để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung huy động các nguồn lực, triển khai chủ trương xã hội hóa trong nhiều lĩnh vực và thường xuyên cập nhật danh mục các dự án kêu gọi đầu tư để thúc đẩy sự tham gia của các thành phần kinh tế.

Các chương trình, đề án và dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên triển khai, bao gồm: Đề án phát triển kết cấu hạ tầng, nghiên cứu dự án đường ven biển; Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành; Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; các Dự án Vành đai 2, 3, 4; Chương trình phát triển Trung tâm Logistics; Trung tâm Hội chợ - Triển lãm Quốc tế; Đề án chống ngập và xử lý nước thải; và Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030...

Cùng với đó, TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững dựa trên đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và nâng cao năng suất, chất lượng cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế. Các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, kinh tế số, kinh tế xanh và nông nghiệp đô thị hiện đại cũng sẽ được tập trung phát triển.

Ngoài ra, quy hoạch phát triển TP Hồ Chí Minh sẽ được thực hiện theo hướng liên kết vùng, gắn với chỉnh trang đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tích cực đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại cũng là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm tạo nền tảng phát triển lâu dài.

TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tiếp tục triển khai mô hình Chính quyền đô thị và các cơ chế chính sách đặc thù, đồng thời nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý phù hợp với thực tiễn phát triển được thực hiện đồng bộ với nhiệm vụ chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền số, xã hội số và công dân số, góp phần nâng cao hiệu lực và hiệu quả của nền hành chính công.

Việt Hùng

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/buc-tranh-kinh-te-xa-hoi-nam-2024-va-dinh-huong-nam-2025.html
Zalo