Nhân sự TP.HCM đột ngột mất việc trước Tết, 'trắng tay' tiền thưởng

Cận kề Tết Ất Tỵ, nhiều nhân sự tại TP.HCM bức xúc khi nhận được quyết định sa thải. Phía công ty cho biết đợt cắt giảm cuối năm giúp giảm gánh nặng thưởng Tết.

Ngày 15/11, lập trình viên Hùng Nguyễn (25 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) bất ngờ nhận được email thông báo dừng hợp tác lao động từ công ty.

Theo email Hùng nhận được, đây là “quyết định khó khăn” của doanh nghiệp. Anh và một số đồng nghiệp phải thu dọn đồ đạc, rời khỏi văn phòng trước ngày 31/12.

Đây là thông tin “sét đánh ngang tai” đối với lập trình viên 25 tuổi này, đồng nghĩa với việc anh không có thưởng Tết trong năm nay.

“Họ sa thải chúng tôi 3 tuần trước Tết Nguyên đán. Tôi đã cống hiến cho công ty cả năm, nhưng không nhận lại được gì. Ai nói IT là ‘vua của mọi nghề’?”, Hùng Nguyễn bức xúc chia sẻ.

Trong Báo cáo thị trường tuyển dụng thường niên 2024 - 2025, Top CV chỉ ra “cắt giảm” vẫn là từ khóa đáng chú ý trong năm nay. Theo đó, tỷ lệ cắt giảm cao phản ánh xu hướng điều chỉnh nhân sự do các doanh nghiệp tái cơ cấu hoặc gặp khó khăn về tài chính trong giai đoạn năm 2023-2024.

Điều này cũng cho thấy tác động của các yếu tố kinh tế toàn cầu và sự thay đổi trong chiến lược kinh doanh của các công ty, đặc biệt là công ty công nghệ. IT và Kinh doanh được xem là là các ngành nghề có tỷ lệ cắt giảm cao trong năm nay.

 Nhiều nhân sự rơi vào cảnh mất việc đột ngột trước Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Nhiều nhân sự rơi vào cảnh mất việc đột ngột trước Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Tỷ lệ cho thôi việc của nhóm IT lên tới 24,14%, cao hơn 7,6% so với các ngành nghề khác. Con số này cho thấy thực trạng đầy thách thức của thị trường việc làm IT - Phần mềm, dù đây được xem là một trong những nhóm ngành có sự tăng trưởng nóng trong 3 năm gần đây.

Trong khi đó, nhóm Kinh doanh/Bán hàng cũng là lựa chọn đầu tiên đối với kế hoạch tối ưu hóa nhân sự. Đặc biệt, nhóm nhân viên có kinh nghiệm dưới 1 năm (35,5%) và từ 1-2 năm (21,9%) thường được cân nhắc cắt giảm đầu tiên.

Hùng Nguyễn không phải trường hợp cá biệt. Nhiều nhân sự trẻ cũng rơi vào cảnh bị cắt giảm đột ngột trước Tết Âm lịch, mất các phúc lợi tài chính cuối năm.

Trong khi một số vội vàng tìm việc mới, nhiều người lao động lại chấp nhận tình trạng thất nghiệp đến hết Tết Nguyên đán vì thất vọng trước thị trường tuyển dụng ảm đạm trong giai đoạn này.

Ở phía doanh nghiệp, một số công ty cho biết đợt cắt giảm cuối năm làm nhẹ bớt gánh nặng lương tháng 13 và thưởng Tết trong bối cảnh kinh doanh khó khăn.

Đột ngột mất việc

Nhân viên kinh doanh Thu Hà (24 tuổi, quận Gò Vấp, TP.HCM) cũng thuộc diện cắt giảm ngay trước Tết của công ty. Đầu tháng 12, sếp trực tiếp của Hà thông báo với cô về quyết định của cấp trên.

“Lãnh đạo chưa hài lòng với em. Anh xin lỗi vì không thể can thiệp”, quản lý nói với cô.

Cảm thấy bức xúc trước quyết định này, Thu Hà cho biết cô không phục. Dù chưa hoàn thành toàn bộ KPI tự đề ra từ đầu năm, cô đã thực hiện được khoảng 80% chỉ tiêu doanh số.

Thậm chí, một số khách hàng còn có tín hiệu mua thêm trước Tết Nguyên đán. Nhiều khách do cô phụ trách được đánh giá là tiềm năng trong năm sau.

Dù công ty vẫn để Hà làm việc đến Tết Nguyên đán, nhưng không chi trả lương tháng thứ 13 và thưởng.

“Đối với nhân viên kinh doanh như tôi, thưởng doanh số cuối năm là phúc lợi đáng mong đợi nhất. Họ sa thải chúng tôi để không phải chi trả khoản tiền này”, Thu Hà thất vọng nói.

 Gia An bị cho thôi việc vì công ty tinh gọn bộ máy, cắt giảm chi phí vận hành.

Gia An bị cho thôi việc vì công ty tinh gọn bộ máy, cắt giảm chi phí vận hành.

Tương tự, chuyên viên marketing Gia An (25 tuổi, quận 8, TP.HCM) cũng chịu cảnh mất việc trước Tết. Đầu năm nay, anh nghe theo lời mời gọi của lãnh đạo, chuyển công tác vào văn phòng TP.HCM để phát triển sự nghiệp.

Chưa kịp quen với môi trường sống mới, An đã bị sa thải. Giống với Hùng Nguyễn và Thu Hà, Gia An cũng không nhận được lương tháng thứ 13 và thưởng Tết.

Theo chia sẻ của cấp trên, vị trí do An đảm nhiệm không còn cần thiết đối với công ty. Nếu muốn ở lại, Gia An phải chuyển sang bộ phận kinh doanh hoặc chăm sóc khách hàng.

“Tôi không muốn chuyển ngành nên phải rời đi trong vòng một tuần”, nhân viên marketing 25 tuổi chia sẻ với Tri Thức - Znews.

Người chấp nhận thất nghiệp, kẻ vội tìm việc mới

Khác với đầu năm, quý IV thường được xem là giai đoạn “đóng băng” của các vị trí công việc văn phòng. Trong mùa thấp điểm tuyển dụng cuối năm, nhiều doanh nghiệp có xu hướng hạn chế chiêu mộ nhân sự cho các vị trí nòng cốt, vốn đòi hỏi sự chọn lọc kỹ càng.

Đối với các vị trí ít quan trọng hơn, như thực tập sinh hay cộng tác viên, một số công ty vẫn tuyển dụng, cho dù ứng viên chưa đáp ứng được tất cả yêu cầu.

Sau khi dành 3 ngày theo dõi các nền tảng tuyển dụng, Gia An không tìm thấy vị trí trống phù hợp trong ngành marketing dịp cuối năm nay. Do đó, anh quyết định nghỉ Tết sớm, lập tức tìm vé máy bay về Hà Nội, dự định ở nhà đến hết Tết Âm lịch.

Khi ở nhà với bố mẹ, Gia An không phải tự chi trả sinh hoạt phí, đồng thời tránh được cảnh bị đồng nghiệp, bạn bè kéo vào những cuộc vui, buổi liên hoan, tụ tập tốn kém trong mùa lễ hội.

“Hiện tại, tôi không kiếm ra tiền, lại chưa có quỹ dự phòng thất nghiệp, nên cần hạn chế ‘vung tay quá trán’”, An nói.

Trong thời gian này, anh cũng dự định suy nghĩ về việc tiếp tục tìm việc tại TP.HCM hay quay về Hà Nội. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc phần lớn vào công việc phù hợp đầu tiên mà Gia An tìm thấy ngay sau kỳ nghỉ Tết.

 Trong khi một số chấp nhận tình trạng thất nghiệp đến hết Tết, nhiều nhân sự lại vội vàng tìm kiếm công việc mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi một số chấp nhận tình trạng thất nghiệp đến hết Tết, nhiều nhân sự lại vội vàng tìm kiếm công việc mới. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Trong khi đó, Hùng Nguyễn lại vội vã tìm kiếm việc làm mới ngay sau khi nhận được email sa thải. Anh cho biết phải chịu gánh nặng tài chính lớn.

“Tôi cần gửi tiền về quê cho bố mẹ sắm sửa Tết, đóng phí thuê nhà quý đầu năm, cần có thu nhập ổn định trong dịp này”, Hùng nói.

Hơn nữa, Hùng cũng không muốn gặp gỡ bạn bè, họ hàng vào dịp đầu xuân năm mới trong trạng thái thất nghiệp. Sau hơn 2 tuần tìm kiếm, anh may mắn nhận được công việc mới tại một startup công nghệ.

Mặc dù chưa hoàn toàn ưng ý với lương thưởng, môi trường làm việc và quy mô công ty mới, lập trình viên này vẫn tặc lưỡi “méo mó có hơn không”.

Anh cũng thừa nhận mình may mắn hơn nhiều người khi tìm được việc trong giai đoạn này, không rơi vào cảnh thất nghiệp dịp cuối năm.

Công ty sợ thưởng Tết

Từ phía doanh nghiệp, bà Thu Hồng, phó giám đốc công ty bán lẻ của Gia An, cho biết hoạt động kinh doanh gặp khó khăn lớn từ giữa năm nay. Đơn vị này vẫn nỗ lực “nuôi quân”, cắt giảm các chi phí vận hành khác trước.

Tuy nhiên đến cuối năm, công ty không còn khả năng duy trì quỹ lương thưởng như trước, buộc phải cắt giảm một số vị trí không cần thiết. Sau nhiều cuộc họp, ban lãnh đạo quyết định thuyên chuyển bộ phận hoặc dừng hợp tác lao động với 10% nhân sự.

Đối với người lao động chuyển công tác từ Hà Nội vào TP.HCM như Gia An, doanh nghiệp chỉ có thể tạo điều kiện bằng cách đưa họ sang bộ phận khác với mức lương thấp hơn. Song, bà Thu Hồng cho biết phần lớn quyết định rời đi.

 Doanh nghiệp cắt giảm nhiều vị trí dịp cuối năm, không đủ khả năng chi trả thưởng Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

Doanh nghiệp cắt giảm nhiều vị trí dịp cuối năm, không đủ khả năng chi trả thưởng Tết. Ảnh minh họa: Phương Lâm.

“Chúng tôi cho rằng giảm lương không phải biện pháp triệt để. Thay vì làm nửa vời, chúng tôi muốn ‘chữa bệnh tận gốc’, quyết liệt tinh gọn bộ máy, tái cơ cấu tổ chức, từ đó nâng cao hiệu suất công việc”, phó giám đốc nói với Tri Thức - Znews.

Hơn nữa, bà Thu Hồng cũng thẳng thắn chia sẻ rằng đợt cắt giảm này phần nào giảm bớt gánh nặng lương tháng 13 và thưởng Tết cho doanh nghiệp trong dịp cuối năm. Thậm chí, đối với nhân sự ở lại, công ty cũng không đủ khả năng thưởng Tết, chỉ có thể cung cấp lương tháng 13 trong năm nay.

Linh Vũ

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nhan-su-tphcm-dot-ngot-mat-viec-truoc-tet-trang-tay-tien-thuong-post1519194.html
Zalo