BRICS trước lời đe dọa 'vũ khí hóa đồng USD' từ ông Donald Trump: Lưỡng bại câu thương
Chiều 30/11, Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump tuyên bố trên mạng xã hội Truth Social rằng ông yêu cầu các nước thuộc nhóm BRICS 'cam kết sẽ không tạo ra một loại tiền tệ mới của BRICS hoặc ủng hộ bất kỳ loại tiền tệ nào khác để thay thế đồng USD hùng mạnh, nếu không, họ sẽ phải đối mặt với mức thuế quan 100% và phải nói lời tạm biệt với nền kinh tế tuyệt vời của Mỹ'.
Mệnh đề này nhanh chóng khơi lên những cuộc thảo luận sôi nổi từ giới quan sát quốc tế và giới chuyên môn kinh tế học, cũng như phản ứng từ nhóm quốc gia bị nêu tên. Song, có lẽ, tất cả những động thái ấy xuất hiện không phải theo cách mà ông Donald Trump chờ đợi.
"Bẫy việt vị"
Bộ Quan hệ và Hợp tác quốc tế Nam Phi, quốc gia thành viên vừa tiếp nhận vai trò Chủ tịch luân phiên của BRICS, lập tức thông báo rộng rãi: "Những thông tin sai lệch được công bố gần đây đã gây hiểu lầm rằng BRICS đang có kế hoạch tạo ra một loại tiền tệ mới. Đây là thông tin không chính xác. Các cuộc thảo luận của BRICS hiện chỉ tập trung vào hoạt động giao dịch giữa các quốc gia thành viên của khối và sử dụng các đồng nội tệ".
BRICS sợ hãi ư? Hoàn toàn không. Từ Moscow, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, ngày 2/12, lên tiếng cảnh báo: Nếu Washington dùng đến "vũ lực kinh tế" để buộc các nước sử dụng đồng USD thì điều này sẽ phản tác dụng và khiến các nước tiếp tục chuyển sang dùng đồng nội tệ hoặc đồng tiền khác trong giao thương. Ông cũng nhận xét: Đồng USD đang mất đi sức hấp dẫn như một loại tiền tệ dự trữ đối với nhiều quốc gia, theo một xu hướng đang diễn ra nhanh chóng và "Ngày càng có nhiều quốc gia chuyển sang sử dụng nội tệ trong các hoạt động thương mại và kinh tế đối ngoại của họ".
Trước đó một ngày, người đứng đầu Ủy ban Chính sách thông tin của Hội đồng Liên bang Nga Alexei Pushkov xem việc áp thuế đối với hàng hóa của các nước BRICS là "không thể thực hiện được". Theo ông, mối đe dọa này là không thực tế, vì Mỹ phụ thuộc về kinh tế vào toàn cầu hóa và nhập khẩu.
Trong khi đó, từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm tuyên bố Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác với các thành viên khác của BRICS bất chấp mối đe dọa về thuế quan của ông Trump. Theo ông Lâm Kiếm, nhóm BRICS là một nền tảng quan trọng cho sự hợp tác giữa các thị trường mới nổi, mục tiêu của nó là đạt được sự phát triển và thịnh vượng toàn diện, không phải để tham gia vào "cuộc đối đầu giữa các khối" hoặc "nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào". Do đó, "Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các đối tác BRICS để tăng cường hợp tác thực tế trong nhiều lĩnh vực và đóng góp nhiều hơn cho sự tăng trưởng bền vững, ổn định của nền kinh tế thế giới".
Còn từ Brazil, chuyên gia kinh tế Miguel do Rosario chỉ ra trên tờ Tạp chí O Cafezinho, ngày 3/12: "Ông ấy nói các quốc gia dám phát triển các chiến lược thương mại độc lập với đồng USD sẽ không thể bán hàng hóa cho người Mỹ nữa. Khi nói như vậy, ông đã gây hại cho chính đồng USD". Miguel do Rosario lưu ý rằng, nếu các nước BRICS không thể cung cấp hàng hóa cho Mỹ, họ sẽ phải bán sản phẩm cho các quốc gia khác, điều này sẽ làm tăng khả năng các thỏa thuận thương mại được thực hiện bằng cách sử dụng các loại tiền tệ địa phương. Và, ông bình luận: Lời hăm dọa của Tổng thống đắc cử Mỹ "theo một số cách, giống như sự tuyệt vọng" trong "cơn cuồng loạn về thuế quan".
Hơn cả, trên thực tế, dù từng được đề cập, BRICS chưa bao giờ thực sự nghiêm túc nỗ lực xúc tiến xây dựng một đồng tiền riêng của nhóm, vì nhiều lý do. Cho đến hiện tại, điều duy nhất được chú trọng là việc tiến hành trao đổi thương mại giữa các thành viên trong khối thông qua thống nhất quy đổi tỷ giá tiền tệ giữa các quốc gia mà không cần đến đồng USD trung gian, đơn cử như chính các hợp đồng cung cấp dầu khí giữa Nga và Trung Quốc, kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt bùng nổ tháng 2/2022, kéo theo hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây.
Chính Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi đầu tháng 11 cũng cho biết: 2/3 kim ngạch thương mại Nga được thực hiện bằng tiền tệ quốc gia và với các nước thành viên BRICS, con số này đã là 88%. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng phía Nga không chống lại đồng USD, nghĩa là chưa bao giờ tìm cách và cũng không tìm cách từ bỏ đồng USD.
Phải chăng, vị tổng thống chuẩn bị tiếp nhiệm của nước Mỹ đã hơi "cả nghĩ"?
Giới hạn của BRICS và sự nôn nóng của ông Donald Trump
Thật ra, mọi chuyện phức tạp hơn thế một chút. Bởi, cho dù chưa chính thức sở hữu một đồng tiền cho riêng mình thì các quốc gia sáng lập của BRICS cũng đã luôn thúc đẩy một tiến trình mang tên "phi dollar hóa (dedollarization)".
Nguyên nhân của điều này rất dễ hiểu. Những thành viên của BRICS như Brazil, Trung Quốc, Chile, Ấn Độ và Nga nằm trong nhóm những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế kỷ 21. Họ mong muốn giảm phụ thuộc vào đồng USD, vốn được sử dụng trong gần 80% thương mại toàn cầu, khi luôn cảm thấy nguy cơ nước Mỹ "vũ khí hóa đồng USD" - đồng tiền chính để định giá dầu và vàng. Do tính ổn định của USD, các nhà đầu tư thường đổ xô mua đồng tiền này trong thời kỳ bất ổn. Mỹ cũng hưởng lợi từ ảnh hưởng địa chính trị to lớn của "USD hóa", bao gồm khả năng áp đặt lệnh trừng phạt với các quốc gia khác và hạn chế năng lực tiếp cận thương mại cũng như vốn của họ.
Thực tế, tháng 4/2023, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS tổ chức ở Nam Phi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã kêu gọi các quốc gia thành viên tạo ra một đồng tiền chung cho thương mại và đầu tư. Theo ông, đây sẽ là công cụ giảm thiểu rủi ro trước những biến động của tỷ giá đồng USD. Ý tưởng này, khi ấy, nhận được nhiều ý kiến đồng thuận trong khối. Nhưng, vấn đề là, các nhà lãnh đạo BRICS cũng nhận thức rõ và nhấn mạnh: Sẽ mất nhiều năm để điều đó thật sự xảy ra.
Một cách ngắn gọn, như tờ DW nhận xét mới đây: Kế hoạch về đồng tiền chung của BRICS hầu như không tiến triển, cho dù BRICS đã mở rộng gấp đôi số thành viên trong năm nay. Lý do là bởi, khi mỗi nền kinh tế thành viên đều theo đuổi những lợi ích riêng tùy thuộc vào tình hình thời sự, một đồng tiền chung BRICS có thể là "lợi bất cập hại", trong bối cảnh hiện tại. Trung Quốc chưa từng bày tỏ quan điểm rõ ràng về đồng tiền chung BRICS, cho dù luôn ủng hộ các sáng kiến nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD. Ấn Độ thậm chí còn thận trọng hơn nữa, bởi họ vẫn giữ được những mối quan hệ hữu hảo trong hợp tác kinh tế với Mỹ và phương Tây. Đó là chưa kể đến quan điểm của những thành viên mới như Ai Cập hay Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bởi vậy, khó có khả năng các thành viên BRICS thật sự muốn chuyển sang một loại tiền tệ được giao dịch đầy đủ như đồng USD hoặc euro. Cũng cần nhắc lại, đồng euro của Liên minh châu Âu (EU) đã phải mất tới 40 năm để trở nên quen thuộc (được đề xuất lần đầu năm 1959; đến năm 2002, tiền giấy và tiền xu euro mới trở thành tiền tệ hợp pháp tại 12 quốc gia EU, sau đó là 20 quốc gia. Và, gần đây, giải pháp mà Tổng thống Nga Vladimir Putin "gạch chân" dành cho BRICS là một dạng tiền tệ kỹ thuật số, dựa trên tỷ giá hối đoái được thỏa thuận giữa các bên, nhằm trao đổi thương mại thuận tiện hơn nữa.
Trong tình hình này, áp lực mà ông Donald Trump thể hiện với BRICS có lẽ là quá nóng vội. Vô hình trung, điều đó "mở đường" để các thành viên chủ chốt của BRICS tiếp tục công khai chống lại những hình thức áp đặt, theo hướng "phi USD hóa". "Nếu vấn đề này trở thành một phần trong chính sách của Mỹ, BRICS sẽ tiếp tục phát triển ý tưởng về một công cụ thanh toán chung. Mặc dù việc có một đồng tiền duy nhất có thể không khả thi, nhưng một hệ thống thanh toán chung dựa trên các đơn vị tiêu chuẩn vẫn có thể được phát triển", ông Vadim Kovrigin, Phó Giám đốc Viện Kinh tế, Quản lý và Luật tại Đại học thành phố Moscow, khẳng định.
Trong khi đó, theo một số nhà kinh tế, có nhiều mối đe dọa trực tiếp đối với đồng USD hơn là những mối đe dọa từ các quốc gia đang tìm kiếm giải pháp thay thế. Paul Donovan, nhà kinh tế trưởng tại UBS Global Wealth Management, nhận định: Thâm hụt quá mức của Mỹ và chủ nghĩa dân tộc kinh tế cũng có thể ảnh hưởng đến vị thế của USD. Ông nhấn mạnh rằng, "các mối đe dọa đối với vị thế dự trữ của đồng USD sẽ đến từ trong nước, không phải bên ngoài".
Dù sao, USD vẫn là đồng tiền được sử dụng rộng rãi và có sức mạnh hàng đầu, trong thương mại và tài chính quốc tế. Điều đó có nghĩa là, tân Tổng thống Mỹ đang tự vẽ nên một viễn cảnh "lưỡng bại câu thương", bằng hàng rào thuế quan mà ông phác thảo.