Chính trường Hàn Quốc rối ren sau nghị quyết yêu cầu bắt giữ tổng thống

Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua nghị quyết yêu cầu 'bắt giữ khẩn cấp' Tổng thống Yoon Suk Yeol và 7 quan chức cấp cao khác liên quan đến sự kiện thiết quân luật. Nhưng nghị quyết này chưa có hiệu lực ngay lập tức.

Quy trình pháp lý tiếp theo

Nghị quyết mà Quốc hội Hàn Quốc thông qua vào hôm 10/12 về yêu cầu bắt giữ 8 quan chức cấp cao trong đó có Tổng thống Yoon Suk Yeol vốn không có tính ràng buộc về mặt pháp lý với các cơ quan điều tra của Hàn Quốc. Theo quy định của luật pháp, đặc biệt là Điều 84 của Hiến pháp Hàn Quốc, tổng thống đương nhiệm được pháp luật bảo vệ và có nhiều đặc quyền, trong đó có đặc quyền miễn truy tố, ngoại trừ đối với tội danh “gây nổi loạn”.

Các phương tiện cảnh sát di chuyển ở quận Dongjak, thủ đô Seoul sau khi Tổng thống ban thiết quân luật. Ảnh: Yonhap

Các phương tiện cảnh sát di chuyển ở quận Dongjak, thủ đô Seoul sau khi Tổng thống ban thiết quân luật. Ảnh: Yonhap

Trong lịch sử Hàn Quốc, chưa từng có tổng thống nào bị bắt khi đương chức. Do đó, về quy trình pháp lý, để bắt giữ, xét xử, buộc tội tổng thống đương nhiệm sẽ có hai khả năng. Thứ nhất là tổng thống bị luận tội, cách chức. Thứ hai là cơ quan điều tra phải chứng minh được là tổng thống phạm tội “gây nội loạn” hoặc phạm tội “phản quốc”.

Hiện nay, có rất nhiều động thái đang diễn ra theo hướng chứng minh tổng thống gây nội loạn, song song với nỗ lực luận tội tổng thống của phe đối lập. Tất cả những động thái này đều nhằm để buộc tội tổng thống Yoon theo đúng quy trình pháp lý, mà bước khởi đầu là việc cảnh sát Hàn Quốc đã chính thức bắt giữ cựu Bộ trưởng Quốc phòng nước này Kim Yong-hyun – một nhân vật rất thân cận với tổng thống Yoon, để điều tra về cáo buộc “phản quốc” sau lệnh thiết quân luật vào đêm 03/12.

Ông Kim Yong-hyun là người vừa từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vào hôm 5/12 vừa qua, và được coi là nhân vật đề xuất Tổng thống Yoon Suk Yeol ban bố lệnh thiết quân luật. Và hiện nay, ông Yoon Suk Yeol đang phải đối mặt với ít nhất ba cuộc điều tra của ba cơ quan lớn, liên quan lệnh thiết quân luật vội vàng của mình.

Tương lai chính trị của Tổng thổng Yoon Suk Yeol

Có ý kiến cho rằng Tổng thống Yoon Suk Yeol đang ở trong trình trạng “không lối thoát”. Việc quốc hội Hàn Quốc thông qua nghị quyết yêu cầu bắt giữ 8 quan chức cấp cao trong đó có Tổng thống Yoon Suk Yeol, cùng một số động thái khác cho thấy áp lực luận tội tổng thống đang tiếp tục tăng cao, đồng thời, các lưới bủa vây xung quanh ông Yoon Suk Yeol đang dần dần thắt chặt lại. Bắt đầu từ những động thái ngay trong nội bộ đảng Quyền lực nhân dân (PPP) cầm quyền của ông Yoon Suk Yeol.

Đảng này, mặc dù phản đối luận tội tổng thống, nhưng lại yêu cầu tổng thống từ chức càng sớm càng tốt, đồng thời kêu gọi thu hồi quyền lực tổng thống của ông Yoon. Chiều tối ngày hôm qua 10/12, chính PPP đã đưa ra lộ trình cho việc tổng thống từ chức vào tháng 2 hoặc tháng 3 sang năm để tiến hành bầu cử tổng thống vào tháng 4 thoặc tháng 5/2025. Bên cạnh đó, là những áp lực của phe đối lập về việc luận tội tổng thống.

Sau khi dự thảo nghị quyết về việc luận tội tổng thống lần đầu tiên không được thông qua do không có đủ số người bỏ phiếu theo quy định, đảng Dân chủ đối lập cho biết sẽ tiếp tục yêu cầu luận tội tổng thống, và sẽ đệ trình một dự thảo nghị quyết khác về vấn đề này lên Quốc hội vào ngày 11/12, để cuộc bỏ phiếu tiếp theo có thể được thực hiện vào ngày 14/12.

Lãnh đạo đảng Dân chủ tuyên bố “sẽ không bao giờ bỏ cuộc” và sẽ luận tội Tổng thống Yoon Suk Yeol bằng mọi giá. Thậm chí còn đưa ra phương châm “mỗi tuần một dự thảo nghị quyết luận tội” để khẳng định quyết tâm. Ngoài ra còn nhiều động thái đáng chú ý khác liên quan đến vận mệnh của ông Yoon Suk Yeol. Ví dụ như lệnh cấm tổng thống xuất cảnh. Bộ Tư pháp Hàn Quốc đã chính thức công bố lệnh cấm này với Tổng thống Yoon Suk Yeol trong khi chờ điều tra các cáo buộc liên quan đến tuyên bố thiết quân luật.

Tiếp đó, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua dự luật yêu cầu bổ nhiệm một cố vấn đặc biệt thường trực để điều tra các cáo buộc Tổng thống Yoon Suk Yeol nổi loạn. Trước đó, vào ngày 8/12, cơ quan kiểm sát Hàn Quốc cũng đã thành lập tổ điều tra đặc biệt để điều tra về Tổng thống Yoon Suk Yeol với 2 cáo buộc là “gây nội loạn” và “lạm dụng chức quyền”. Hiện nay tổ này đang tiến hành đang hoạt động rất tích cực. Đặc biệt là áp lực từ phía dư luận quần chúng ngày một gia tăng. Nhìn từ những động thái này, giới phân tích bắt đầu nghĩ tới việc ông Yoon có khả năng trở thành vị tổng thống Hàn Quốc đầu tiên bị bắt và kết tội khi còn đương nhiệm.

Rối ren trên chính trường Hàn Quốc

Những bất ổn và rối ren trên chính trường Hàn Quốc sẽ tiếp tục kéo dài. Trước mắt là sự tê liệt của các hoạt động chính trị, do toàn bộ các chính trị gia đang tập trung cao độ vào cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra dưới tên gọi “thiết quân luật”, dẫn tới mọi hoạt động đều bị đình trệ. Chúng ta cứ đặt giả thiết và hy vọng là lộ trình từ chức của ông Yoon Suk Yeol cùng bầu cử tổng thống do đảng cầm quyền PPP đặt ra, mà tôi vừa nêu trên, được thực hiện, thì ít nhất phải sau khi bầu ra được tổng thống mới vào tháng 4 hoặc tháng 5 năm 2025, may ra tình hình mới được cải thiện phần nào, và cũng còn phụ thuộc vào việc ai sẽ là tổng thống mới...

Sau khi có kết quả bầu cử tổng thống với sự rõ ràng về người thắng, kẻ thua, sẽ lại có một cuộc chiến vừa ngấm ngầm vừa công khai, khi người thắng cố gắng củng cố vị trí quyền lực, còn kẻ thua sẽ tìm mọi cách hạ bệ đối thủ. Và cuộc chiến này sẽ làm tình hình vốn đã bất ổn càng thêm bất ổn. Một điều đáng lo ngại nữa là những bất ổn trên chính trường khi không có người đứng đầu, chắc chắn sẽ kéo theo những rối ren về an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cùng những hệ lụy về kinh tế.

Về thiệt hại kinh tế, mọi sự đã rõ ràng. Ngay trong phiên giao dịch đêm 03/12, khi tổng thống Yoon Suk Yeol vừa ban bố lệnh thiết quân luật, đồng Won Hàn Quốc đã trượt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2022. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán liên tục lao dốc với những con số đầy rủi ro. Liên tục trong những ngày gần đây, thị trường này còn ghi nhận sự mất giá của hàng loạt các cổ phiếu thuộc các doanh nghiệp hàng đầu Hàn Quốc.

Trong khi đó, Goldman Sachs - một ngân hàng đầu tư đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ tham gia vào các nghiệp vụ ngân hàng đầu tư, chứng khoán, quản lý đầu tư, và các dịch vụ tài chính, đã hạ mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2025 của Hàn Quốc từ 1,9% xuống 1,8%. Tôi cũng đồng ý với nhận định của giới quan sát chính trị quốc tế về việc trong thời gian tới, vẫn chưa có tia hy vọng nào cho chính trường Hàn Quốc.

Tuấn Nhật/VOV-Tokyo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/chinh-truong-han-quoc-roi-ren-sau-nghi-quyet-yeu-cau-bat-giu-tong-thong-post1141534.vov
Zalo