'Bông hoa đẹp' ở điểm đến nghĩa tình
'Bé hạt tiêu' là tên gọi thân thương đối với nhân viên phục vụ Nguyễn Thị Hương ở Trung tâm điều dưỡng người có công số I Hà Nội.
Đó là tên gọi thân thương mà các cụ các ông các bà những người có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng nghỉ dưỡng ở Trung tâm điều dưỡng người có công số I Hà Nội gọi nhân viên chăm sóc phục vụ Nguyễn Thị Hương - "Bông hoa đẹp" của điểm đến nghĩa tình.
Tọa lạc tại số 168 đường Thanh Bình, phường Mộ Lao, quận Hà Đông, Hà Nội, Trung tâm điều dưỡng người có công số I Hà Nội là điểm đến nghĩa tình của Thủ đô - nơi mà kết thúc một đợt điều dưỡng bao người lưu luyến với mong muốn ngày trở lại.
Tuổi trẻ hôm nay có thể không biết đến đạn bom, không tận mắt chứng kiến những đau thương mất mát trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, nhưng họ thấu hiểu để có được cuộc sống tươi đẹp bao người đã ngã xuống cùng những dòng nước mắt của bao bà mẹ nên biết làm gì để có thể xoa dịu buồn đau, để mùa đông không lạnh...
"Năm 2005, Hương được tuyển dụng vào làm việc tại trung tâm làm nhân viên phục vụ phòng quản lý nuôi dưỡng. Kể từ khi được tuyển dụng vào làm việc cô gái nhỏ bé luôn luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc của mình. Trong quan hệ với đồng nghiệp cô luôn hòa nhã niềm nở và thân thiện với mọi người.
Không để cho các cụ, các bác khi đến nghỉ điều dưỡng phải có ý kiến góp ý về công tác phục vụ buồng phòng gì cả mà luôn được mọi người ngợi khen"- Mạnh Thắng, người làm cùng Hương mở đầu câu chuyện.
Vừa dìu cụ bà ngồi vào ghế vừa vuốt áo cho cụ, Hương nói, trung tâm có những đợt điều dưỡng cho các cụ, các bác tuổi cao, có cụ có vấn đề về sức khỏe do ảnh hưởng bởi vết thương nên khả năng tự phục vụ mình như vệ sinh cá nhân, tắm giặt, mặc quần áo cũng khó mặc được...
Thắng chỉ vào Hương bảo: Cô ấy luôn chú ý quan sát thấy cụ nào cần làm gì thì đến giúp ngay. Có hôm thấy có bác loay hoay mãi không mặc được quần là đến mặc giúp. Cái áo hay cái quần nào của các cụ, các bác bị bật chỉ thì khâu vá cho... “Bé hạt tiêu” luôn đẫm tình người trong việc phục vụ điều dưỡng, nhiệm vụ chính trị của trung tâm chúng tôi. Đây là một "bông hoa" trong "vườn hoa xinh đẹp" của trung tâm chúng tôi đấy”.
Rồi Thắng bảo, Hương phục vụ tận tình, ân cần, chu đáo tới từng chi tiết bằng tất cả tấm lòng và sự tri ân sâu sắc, việc cô làm đã để lại tình cảm, ấn tượng tốt đẹp trong mỗi điều dưỡng viên khi đến điều dưỡng . Những việc làm tuy nhỏ bé nhưng có sức lan tỏa rộng khắp...
Nhờ vào báo chí và công nghệ thông tin kết nối ta thấy ngay, bao người bệnh hiểm nghèo chỉ cần khỏe mạnh như một người bình thường đã là hạnh phúc vô bờ. Người già lúc một mình dễ cảm thấy mình cô đơn như đang bị bỏ rơi, lãng quên... Do đó, khi được quan tâm, chăm sóc, cư xử nhẹ nhàng, dù chỉ là những việc nhỏ bé hàng ngày vẫn làm cho tâm lý các cụ tốt lên trông thấy và cảm thấy mình hạnh phúc. Đó là liều thuốc quý giúp sống vui , sống khỏe, tăng thọ, thêm xuân...
Rất nhiều lần Hương lặng lẽ giúp các cụ, tuy không nói ra nhưng đồng nghiệp và các cụ các bác rất ấn tượng, như cụ Nguyễn Gia Hanh thuộc đoàn điều dưỡng quận Thanh Xuân, đã 93, tuổi tuy chân tay yếu nhưng rất minh mẫn, cụ cảm động nói: Khi được bé giúp đỡ chăm sóc, phục vụ trong những ngày nghỉ điều dưỡng ở đây, lúc ra về tôi muốn gửi cho bé ít tiền để cảm ơn nhưng bé không nhận mà chỉ nói “được chăm sóc phục vụ các cụ các bác là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn đối với cháu cũng như tập thể anh chị em cán bộ ở trung tâm”.
Rồi cụ bảo, ở đây tôi thấy như đang ở nhà mình và cán bộ trung tâm đặc biệt là cháu Hương nó như là con cháu ruột thịt của mình! Tôi mong muốn sẽ được thật nhiều lần đến điều dưỡng tại đây. Cụ là người đã gọi Hương là “Bé hạt tiêu” chăm chỉ đáng yêu! Cái tên ấy lan nhanh đến mọi người.
"Tôi là thương binh hạng ¼ lại bị nhiễm chất độc hóa học nên tự phục vụ mình rất khó nhưng khi lên trung tâm điều dưỡng luôn được các cháu cán bộ, trong đó có cháu Hương rất nhiệt tình giúp đỡ nhiều việc. Ở đây tôi cảm thấy rất thoải mái và tự tin hơn rất nhiều, hôm nào cũng vui vì được tham gia các hoạt động như tắm nước khoáng nóng, hát karaoke giao lưu văn hóa văn nghệ....”, bà Trần Thị Ngọc Hà ở đoàn điều dưỡng huyện Phú Xuyên (Hà Nội) vui vẻ kể.
Ở đây có bà mẹ có những người con đã ra đi không ngày trở lại, để mẹ một mình với sự buồn nhớ lặng im. Các bà mẹ buồn thương luôn được "Bé hạt tiêu' sẻ chia trò chuyện. Vẫn biết chiến tranh là có sự mất mát, hy sinh và nỗi đau còn mãi nhưng tình người thương yêu sẽ xoa dịu biết bao điều...
"Bé hạt tiêu" trước giờ ăn là đi từng phòng mời các cụ các bác đi ăn cơm trưa cũng như ăn cơm tối. Khi đi ăn cơm thì đưa đón các cụ, các bác chu đáo đặc biệt là các cụ, các bác tuổi cao sức yếu thì luôn được cô dìu dắt, đưa đón cẩn thận. Những hôm trời mưa cô luôn cầm ô để che cho các cụ, các bác và luôn nhắc các cụ, các bác phải cẩn thận đi từ từ để không bị trượt ngã .
Đêm đến cô đi từng phòng để giúp đỡ các cụ, các bác mắc màn, kiểm tra xem chăn, gối phòng ngủ xem có vấn đề gì không để làm đỡ cho các cụ các bác vào ngủ ngon lành... Buổi sáng khi các cụ chưa dậy cô đã dậy vệ sinh quét sạch lá cây, vũng nước đọng để cho đường đi lối lại sạch sẽ, an toàn cho mọi người dậy tập thể dục buổi sáng nâng cao sức khỏe.
Hai mươi năm làm việc ở trung tâm Hương luôn chung tay cùng các đồng nghiệp vệ sinh cải tạo cảnh quan môi trường, tạo không gian sáng, xanh, sạch, đẹp cho trung tâm không chỉ để phục vụ tốt nhất cho công tác phục vụ điều dưỡng mà còn để cảnh quan hòa cùng điệu nhảy dân vũ, một hoạt động thể dục thể thao rất phù hợp với các chị em cùng cơ quan và các cụ, các bác đang điều dưỡng rèn luyện sức khỏe, tạo tâm lý thoải mái vui tươi.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Thanh Oai, ngoại thành Hà Nội, nơi có nhiều danh lam thắng cảnh và bao nét văn hóa truyền thống lâu đời của thủ đô, Hương luôn rèn rũa học tập và tu dưỡng mình để nét đẹp văn hóa ngày ngày đơm hoa kết trái. Cô là "bông hoa" trong "vườn hoa tươi đẹp" mang xuân ấm đến muôn nơi để nụ cười nở trên môi người.