Bơm mạnh tín dụng: Tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế
Tính đến cuối quý 1-2025, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 3,93%, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ trong nhu cầu tín dụng, tạo đà thuận lợi để hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% của ngành ngân hàng trong năm nay.
Hạ lãi suất, tích cực giải ngân
Từ đầu năm đến nay, hàng loạt hợp đồng tín dụng ngàn tỷ đồng được các ngân hàng rót vào lĩnh vực hạ tầng như sân bay, đường cao tốc, nhà ga… Cụ thể, Agribank vừa ký hợp đồng tín dụng với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) với giá trị cấp tín dụng gần 3.300 tỷ đồng; Vietcombank ký hợp đồng tín dụng cấp 5.472 tỷ đồng cho dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên; TPBank cấp tín dụng 2.500 tỷ đồng cho dự án BOT tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng...

Khách hàng thực hiện giao dịch tại Ngân hàng Agribank, TPHCM. Ảnh: Minh Huy
Bên cạnh bơm mạnh tín dụng, tích cực giải ngân, các ngân hàng đều giảm lãi suất cho vay. Ông Võ Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc Nam A Bank, cho biết, dư nợ tín dụng quý 1-2025 đạt gần 178.000 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm trong bối cảnh lãi suất giảm.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong thời gian tới, ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực để triển khai các gói tín dụng ưu đãi. Nam A Bank cũng vừa nâng quy mô gói tín dụng theo chuỗi giá trị ngành thủy sản từ 6.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng, với lãi suất thấp hơn 1%-2% so với lãi suất thông thường; triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 5.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi 5 năm đầu chỉ 6,1%/năm.
Trong khi đó, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết, trong quý 1-2025, tín dụng ngân hàng này đã tăng 3%. “Ngân hàng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp như duy trì mặt bằng lãi suất cạnh tranh, đưa ra chương trình cho vay ưu đãi mua nhà dành cho khách hàng trẻ; nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng thông qua giải ngân trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục vay vốn… tạo điều kiện giúp khách hàng tiếp cận vốn thuận lợi, qua đó góp phần đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng”, ông Từ Tiến Phát chia sẻ.
Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch VIB, cũng cho biết, ngân hàng sẵn sàng triển khai gói tín dụng 5.000-10.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn khoảng 1% so với mặt bằng thông thường, nhằm đồng hành cùng các chính sách trọng điểm của Nhà nước.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Khu vực 2, cho biết, tính đến cuối quý 1-2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt gần 4 triệu tỷ đồng, tăng 1,39% so với cuối năm 2024 và tăng 11,82% so với cùng kỳ. “Đây là mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2 năm trước (2024 tăng 0,96% và năm 2023 tăng 1,25%). Tín dụng trong quý 1 của TPHCM khởi sắc do các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; xây dựng; nông lâm nghiệp; vận tải kho bãi… có mức tăng trưởng trên 1,5%”, ông Lệnh cho hay.
Qua thống kê của NHNN chi nhánh Khu vực 2, thị trường hàng hóa, bất động sản và tiêu dùng được cải thiện là yếu tố thuận lợi và là động lực để tín dụng trên địa bàn TPHCM tăng trưởng hiệu quả trong quý 1 và những quý tiếp theo.
Đẩy mạnh cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số
Để đẩy mạnh tín dụng, ngay từ đầu năm, NHNN đã liên tiếp chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp tăng trưởng, yêu cầu ổn định lãi suất huy động để giữ vững ổn định lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chia sẻ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2025, lãnh đạo NHNN cho biết, mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài đã phát huy hiệu quả và trở thành một trong những động lực quan trọng giúp tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống. Mặt bằng lãi suất huy động mới chỉ tăng 0,08%, trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm 0,4% so với cuối năm 2024 cho thấy nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc hỗ trợ nền kinh tế.
Với bối cảnh hiện nay, các chuyên gia kinh tế nhận định, lĩnh vực xuất khẩu đang bị thách thức do ảnh hưởng chính sách thuế quan. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm nay từ 8% trở lên, việc đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng là một trong những giải pháp quan trọng và cũng là trọng tâm rót vốn của ngân hàng trong thời gian tới.
NHNN cho biết, hiện các ngân hàng thương mại (NHTM) đang đăng ký tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số. Đây là gói tín dụng ưu đãi lãi suất được Chính phủ chỉ đạo NHNN xây dựng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, khuyến khích đầu tư để tăng trưởng và giải phóng nguồn lực xã hội.
Theo NHNN, gói tín dụng này chủ yếu sử dụng nguồn lực từ các NHTM. Các tổ chức tín dụng sẽ cân đối nguồn vốn huy động để cho vay phù hợp, mức lãi suất ưu đãi có thể giảm 1%-2% so với lãi suất cho vay thông thường. Việc triển khai gói tín dụng sẽ tùy vào nguồn lực của từng ngân hàng, bảo đảm mục tiêu vừa hỗ trợ doanh nghiệp, phát huy hiệu quả nguồn vốn nhưng vẫn an toàn hoạt động, tránh phát sinh nợ xấu.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN ĐÀO MINH TÚ:
Khuyến khích tham gia gói tín dụng 500.000 tỷ đồng
Trước các khó khăn và thách thức hiện nay, đặc biệt là tác động từ chính sách thuế mới, việc triển khai gói tín dụng 500.000 tỷ đồng và các chính sách hỗ trợ kịp thời là rất cấp bách, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
Các khoản vay trong khuôn khổ gói tín dụng này vẫn phải đảm bảo điều kiện tín dụng, không hạ chuẩn nhưng sẽ có cơ chế hỗ trợ về lãi suất, thời hạn, cơ chế đồng tài trợ… NHNN khuyến khích mở rộng thêm sự tham gia của nhiều ngân hàng theo tinh thần ngân hàng lớn làm lớn, ngân hàng nhỏ làm nhỏ.