Petrolimex 'hụt' hơn 1.000 tỷ đồng sau 15 ngày Mỹ công bố thuế đối ứng

Theo lãnh đạo Petrolimex, chỉ 15 ngày sau khi Mỹ công bố mức thuế quan mới, trong thời gian từ kỳ điều hành ngày 10/4 đến ngày 17/4, doanh thu của tập đoàn đã 'bốc hơi' 1.300 tỷ đồng.

Ban chủ tọa điều hành đại hội. Ảnh chụp màn hình.

Ban chủ tọa điều hành đại hội. Ảnh chụp màn hình.

Hai năm liên tiếp phân phối 100% lợi nhuận sau thuế

Sáng 25/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025. Trong năm 2025, Petrolimex đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 248.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.200 tỷ, giảm lần lượt 13% và 19% so với kết quả năm ngoái.

Về phương án phân phối lợi nhuận, báo cáo cổ đông tại đại hội, ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT PLX, cho biết, HĐQT trích hơn 53 tỷ đồng cho các quỹ khen thưởng, phúc lợi; 94 tỷ đồng cho quỹ đầu tư phát triển.

"Về phương án chi trả cổ tức, trình cổ đông tại đại hội thông qua phương án chia cổ tức tỷ lệ 12%, tương đương số tiền chi ra là 1.524,7 tỷ đồng. Như quý vị thấy, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023 là 0 đồng và năm 2024 cũng vậy, chủ yếu là để chi trả cổ tức cho cổ đông," ông Trần Ngọc Năm nói.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 của Petrolimex. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2025.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 của Petrolimex. Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ năm 2025.

Năm 2025, Petrolimex cho biết sẽ tập trung đàm phán hợp đồng hiệu quả với các nhà máy lọc dầu trong nước, đồng thời nghiên cứu để mở rộng quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, quản lý tồn kho hợp lý theo diễn biến thị trường, đảm bảo đủ nguồn hàng đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Đối với hệ thống bán lẻ, tập đoàn sẽ ưu tiên phát triển hệ thống cửa hàng xăng dầu, trạm dừng nghỉ tại các tuyến cao tốc, trục lộ chính, địa bàn trọng điểm; thúc đẩy phương án thuê cửa hàng hoặc hợp tác kinh doanh nhằm tối ưu chi phí đầu tư, giảm rủi ro trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng.

Bên cạnh đó, Petrolimex quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ các dự án trạm dừng nghỉ giai đoạn 1 và tiếp tục tham gia dự thầu giai đoạn 2; triển khai dự án trạm dịch vụ xe tải theo kế hoạch năm 2025.

Nghiên cứu Dự án đầu tư kho - cảng xăng dầu Lạch Huyện; tham gia đầu tư, sở hữu, vận hành kho xăng dầu hàng không, hệ thống tra nạp ngầm, xuất cấp nhiên liệu hàng không trong Cảng sân bay Long Thành và tuyến ống, kho ngoài Cảng quốc tế Long Thành.

"Hụt" hơn 1.000 tỷ đồng do tác động bởi tuyên bố về chính sách thuế mới của Mỹ

Trả lời câu hỏi của cổ đông liên quan đến ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, ông Trần Ngọc Năm cho biết, Petrolimex liên tục cập nhật những biến động thế giới, đặc biệt sau khi Mỹ công bố mức thuế đối ứng.

Theo ông Năm, sau ngày 2/4 khi ông Trump công bố thuế đối ứng, giá dầu Brent giảm sâu từ 75 USD/thùng xuống dưới 60 USD/thùng chỉ trong vài ngày, giảm rất sốc. Mức độ giảm sâu nhất là trên 20%.

"Với những quy định hiện nay yêu cầu thương nhân đầu mối dự trữ tối thiểu 20 ngày và chu kỳ điều hành giá trong 7 ngày, khi biến động giá dầu thế giới lên tới 20% chỉ trong vài ngày thì tác động đối với tập đoàn rất ghê gớm. Cụ thể, ngay trong kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 10/4, doanh thu của tập đoàn mất luôn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, với lượng tồn kho chưa bán hết, được tiêu thụ trong chu kỳ điều hành giá ngày 17/4, tập đoàn tiếp tục thiệt hại thêm 300 tỷ đồng nữa".

Ông Trần Ngọc Năm, thành viên HĐQT Petrolimex

"Nguyên nhân là vì giá bán giảm sâu trong khi giá vốn hàng hóa đã mua trước đó ở mức cao. Điều này ảnh hưởng trọng yếu đến kết quả kinh doanh trong quý I1/2025 của tập đoàn. Khi công bố báo cáo tài chính, cổ đông sẽ thấy được mức độ ảnh hưởng thế nào đến tập đoàn thế nào, đặc biệt đến kinh doanh xăng dầu," ông Năm nói.

Cũng theo ông Trần Ngọc Năm, những ngày gần đây thông tin tích cực và tiêu cực đan xen nhau, những biến động giá cả không theo xu hướng. Chỉ cần thông tin phản ứng thuế quan Mỹ - Trung thế nào thị trường xăng dầu cũng đảo chiều. Năm 2025 là năm rủi ro về biến động giá xăng dầu rất lớn, rất khó kiểm soát, tuy nhiên, Petrolimex sẽ có giải pháp mang tính chất tích cực để cố gắng đạt chỉ tiêu lợi nhuận.

Sáp nhập tỉnh thành là cơ hội, năng lượng sạch là tương lai

Liên quan đến vấn đề sáp nhập tỉnh, thành phố ảnh hưởng như thế nào tới việc kinh doanh của tập đoàn, ông Phạm Văn Thanh, Chủ tịch HĐQT PLX cho biết, việc này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng, nhưng theo chiều hướng tích cực.

Cổ đông đặt câu hỏi cho HĐQT Petrolimex tại đại hội. Ảnh chụp màn hình.

Cổ đông đặt câu hỏi cho HĐQT Petrolimex tại đại hội. Ảnh chụp màn hình.

Theo ông Thanh, hoạt động bán lẻ hiện chiếm tới 60-70% lợi nhuận của Petrolimex, do đó tập đoàn sẽ chủ động bám sát các quy hoạch mới để mở rộng hệ thống bán lẻ tại các địa phương sau sáp nhập.

"Ngay sau khi có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố, Petrolimex đã thành lập ban chỉ đạo để tinh gọn bộ máy. Lãnh đạo tập đoàn hiện cũng đang nghiên cứu và xây dựng mô hình tổ chức phù hợp, nhằm định vị lại hệ thống trong bối cảnh Việt Nam chỉ còn 30 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Chúng tôi đã xin ý kiến từ ban lãnh đạo các đơn vị thành viên, tham khảo các chuyên gia và mô hình tập đoàn quốc tế, với mục tiêu tối thượng là đảm bảo lợi ích cổ đông và tiết giảm chi phí,” ông Thanh nhấn mạnh.

Đối với thắc mắc của cổ đông về vai trò của ngành xăng dầu nói chung cũng như Petrolimex nói riêng trong quá trình chuyển dịch năng lượng, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Thanh cho biết, mặc dù xăng dầu vẫn được xác định là trụ cột trong vòng 15 năm tới nhưng tập đoàn cũng đang chủ động xây dựng các kịch bản chuyển đổi từ nhiên liệu truyền thống sang nhiên liệu sạch, trong bối cảnh hơn 140 quốc gia đã cam kết đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050.

Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh giải đáp thắc mắc của cổ đông tại đại hội. Ảnh chụp màn hình: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

Chủ tịch HĐQT Petrolimex Phạm Văn Thanh giải đáp thắc mắc của cổ đông tại đại hội. Ảnh chụp màn hình: Thu Thảo/Mekong ASEAN.

"Tuy nhiên, xu hướng chuyển dịch năng lượng trên thế giới đang có những thay đổi đáng chú ý trong ba năm gần đây. Nhiều tập đoàn lớn quốc tế đã điều chỉnh chiến lược đầu tư năng lượng xanh theo hướng thận trọng hơn. Điển hình là Tập đoàn BP (Anh) đã cắt giảm mạnh ngân sách đầu tư vào năng lượng tái tạo từ 5 tỷ USD/năm xuống còn 1,5 - 2 tỷ USD. Động thái này diễn ra dưới sức ép từ phía cổ đông, yêu cầu ban lãnh đạo tập đoàn phải thay đổi hướng đi. Một số tập đoàn lớn khác cũng đang thu hẹp đầu tư vào năng lượng xanh.

Ngoài ra, chính sách năng lượng của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump cũng ảnh hưởng đáng kể đến xu hướng toàn cầu, khi chính quyền này khuyến khích tăng sản lượng nhiên liệu hóa thạch và giảm cam kết liên quan đến biến đổi khí hậu," ông Thanh thông tin.

Trước tình hình đó, Petrolimex khẳng định sẽ theo sát các diễn biến quốc tế cũng như cam kết của Việt Nam đối với mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Tập đoàn cho rằng cần phải có cái nhìn linh hoạt, thực tế hơn trong việc điều chỉnh các chính sách liên quan, trong đó có Nghị quyết 55 về định hướng phát triển năng lượng quốc gia.

Ông Thanh cũng cho biết, tại một hội nghị cho ý kiến về Nghị quyết 55 diễn ra gần đây, nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam cần sửa đổi để tránh đi quá nhanh hoặc đi tắt trong quá trình chuyển dịch năng lượng. Còn đối với Petrolimex, tập đoàn cũng đang vừa triển khai các bước chuyển đổi, vừa theo dõi sát diễn biến để có chiến lược phù hợp.

“Chúng tôi sẽ tùy vào tình hình để quyết định đi nhanh hay chậm trong quá trình này,” lãnh đạo tập đoàn cho biết.

Giải đáp thắc mắc của cổ đông về tình hình thoái vốn của Petrolimex tại các tổng công ty và đơn vị thành viên, ông Trần Tuấn Linh, thành viên HĐQT PLX cho biết, tập đoàn đang phát triển đề tài cơ cấu lại đến năm 2025, tầm nhìn 2035 với mục tiêu tinh gọn bộ máy.

Trong đó, liên quan đến việc sát nhập Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) vào công ty mẹ đã được thông qua tại ĐHĐCĐ bất thường cuối tháng 3/2025 và đang trong quá trình hoàn tất thủ tục.

"Đối với việc thoái vốn tại Công ty TNHH MTV Petrolimex Lào, tập đoàn đã thực hiện theo đúng lộ trình trong đề án tái cơ cấu. Ngày 8/4 vừa qua, tập đoàn đã tổ chức đấu giá phần vốn góp tại Petrolimex Lào nhưng không thành công, dự kiến ngày 8/5 tới đây sẽ tổ chức đấu giá lại. Nếu đấu giá thành công sẽ giúp thu hồi, bảo toàn và phát triển nguồn vốn đầu tư của tập đoàn," ông Linh thông tin.

Còn về việc thoái vốn Tổng công ty Xây lắp và thương mại Petrolimex (PGCC) thuộc diện thoái vốn trong nhiều năm qua, ông Linh cho biết việc thoái vốn tại đơn vị này hiện đang gặp khó khăn do điều kiện thị trường tài chính không thuận lợi. Tập đoàn đang nghiên cứu phương án phù hợp hơn.

Đối với việc giảm sở hữu cổ phần tại Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (PLC) từ gần 80% xuống còn khoảng 41%, ông Trần Tuấn Linh cho biết tập đoàn đang xem xét những phương án phù hợp để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên.

Thu Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/petrolimex-hut-hon-1000-ty-dong-sau-15-ngay-my-cong-bo-thue-doi-ung-40837.html
Zalo