Bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh
Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường sẽ góp phần bồi đắp tình yêu văn hóa dân tộc cho học sinh.
![Giáo viên Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_181_51440445/09bda16d95237c7d2532.jpg)
Giáo viên Trường tiểu học Trần Quang Cơ (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) giáo dục văn hóa truyền thống cho học sinh.
Từng có nhiều năm kinh nghiệm đào tạo cho cá nhân, doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức giáo dục, đồng hành cùng học viên trong việc rèn luyện tác phong chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp chuẩn mực và xây dựng hình ảnh cá nhân phù hợp với môi trường học tập, làm việc và hội nhập quốc tế, bà Mai Thanh Thúy - Huấn luyện viên và chuyên gia tư vấn về tác phong, phép lịch sự, nghi thức kinh doanh và ngoại giao có những trao đổi trên Báo Giáo dục và Thời đại về giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường.
* Theo bà, giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường có ý nghĩa như thế nào đối với học sinh?
- Giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường giống như trao cho học sinh "chiếc la bàn" văn hóa tinh thần.
Qua đó, giúp các em định hướng đúng đắn trong hành trình tìm về cội nguồn và giá trị bản sắc. “Văn hóa truyền thống không chỉ là những bài học khô khan hay lý thuyết, mà còn là những câu chuyện sống động, đầy trắc ẩn về lòng biết ơn, sự đoàn kết và cách mỗi thế hệ người Việt gắn bó yêu thương nhau” – bà Mai Thanh Thúy bày tỏ.
Những phong tục tưởng chừng giản dị như: bày mâm cỗ ngày Tết, tìm hiểu ý nghĩa mâm ngũ quả hay tự tay gói những món bánh truyền thống trong “ngày hội làng”… nhưng lại là bài học quý giá. Qua đó, học sinh không chỉ hiểu về văn hóa, mà còn cảm nhận sâu sắc hơn về gia đình, sự kết nối giữa các thế hệ và những điều thiêng liêng trong đời sống.
Đây không chỉ là việc gìn giữ truyền thống, mà còn là cách gieo vào tâm hồn các em những hạt mầm nhân cách: sự tỉ mỉ trong từng việc nhỏ, lòng biết ơn đối với nguồn cội và tình yêu chân thành dành cho cội nguồn văn hóa. Đó là nền tảng để các em trưởng thành trong sự cân bằng giữa hiện đại và truyền thống.
![Bà Mai Thanh Thúy.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_181_51440445/db6369b35dfdb4a3edec.jpg)
Bà Mai Thanh Thúy.
* Nói như vậy nghĩa là, giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường sẽ góp phần bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc với học sinh?
- Văn hóa truyền thống là gốc rễ của bản sắc dân tộc. Khi thế hệ trẻ hiểu về nguồn gốc của mình, các em sẽ tự nhiên phát triển lòng tự hào và tình yêu đối với quê hương, đất nước.
Tôi luôn cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, điều làm chúng ta tự tin nhất không phải là việc giống với người khác, mà chính là sự khác biệt – khác biệt bởi nền văn hóa phong phú, sâu sắc mà mỗi người Việt Nam được thừa hưởng.
Việc giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà còn là trao cho các em niềm tự hào chân thành, một cảm giác thuộc về dân tộc mình.
Khi các em hiểu ý nghĩa sâu sắc của những phong tục như: lễ cúng gia tiên, tục lì xì… thì các em sẽ nhận ra rằng, mỗi phong tục ấy là sợi dây gắn kết quá khứ và hiện tại, là sự giao thoa giữa gia đình và dân tộc.
Điều đó không chỉ làm các em tự hào, mà còn tạo nên ý thức trách nhiệm gìn giữ và lan tỏa, phát triển những giá trị truyền thống trong tương lai. Một học sinh hiểu và tự hào về văn hóa dân tộc chính là người biết trân trọng quê hương và có ý thức mang văn hóa ấy lan tỏa đến bạn bè quốc tế.
![Bà Mai Thanh Thúy trong một khóa huấn luyện viên và chuyên gia tư vấn về tác phong, phép lịch sự, nghi thức kinh doanh và ngoại giao.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_181_51440445/b4dc720c4642af1cf653.jpg)
Bà Mai Thanh Thúy trong một khóa huấn luyện viên và chuyên gia tư vấn về tác phong, phép lịch sự, nghi thức kinh doanh và ngoại giao.
* Vậy chắc hẳn, giáo dục văn hóa truyền thống trong nhà trường sẽ giúp đời sống tinh thần của học sinh thêm phong phú, lành mạnh?
- Chắc chắn là có. Tôi nghĩ rằng, trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội hiện đại khiến nhiều giá trị truyền thống dần bị mờ nhạt, việc đưa văn hóa truyền thống vào giáo dục chính là cách làm phong phú và cân bằng đời sống tinh thần cho học sinh.
Khi các em được tham gia các hoạt động giáo dục truyền thống, đó không chỉ là những bài học văn hóa, mà còn là những trải nghiệm làm giàu tâm hồn. Các nghi thức truyền thống không chỉ gợi lên niềm vui mà còn dạy cho các em cách sẻ chia, kính trọng, ứng xử và trân quý những giá trị tinh thần.
Những trải nghiệm này không chỉ mang lại hạnh phúc trong hiện tại, mà còn giúp các em xây dựng cách sống ý nghĩa, biết trân trọng những giá trị tốt đẹp và giữ cho tinh thần mình luôn cân bằng, hài hòa, tích cực.
Xin cảm ơn bà!
“Học sinh khi được tiếp xúc với những giá trị đẹp sẽ có nền tảng tinh thần vững chắc hơn, giúp các em sống lành mạnh và tích cực trong một xã hội đầy biến động” - bà Mai Thanh Thúy.