Cầu nối quảng bá văn hóa dân tộc tới du khách
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội) đã trở thành điểm đến mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ tái hiện sinh động đời sống văn hóa của 54 dân tộc mà còn là cầu nối quảng bá bản sắc dân tộc đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
![Văn hóa không chỉ là di sản cần bảo tồn mà còn là nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những giá trị mới. Ảnh: VGP/Minh Thúy](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_146_51443502/9b4cab089f4676182f57.jpg)
Văn hóa không chỉ là di sản cần bảo tồn mà còn là nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những giá trị mới. Ảnh: VGP/Minh Thúy
Cơ hội "vàng" để ngành văn hóa vươn lên mạnh mẽ và hội nhập
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã không ngừng đầu tư vào hệ thống thiết chế văn hóa trên khắp mọi miền đất nước, từ đồng bằng đến vùng núi cao, các đảo xa xôi. Những nỗ lực này đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và phục vụ hiệu quả cho các nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Một trong những thiết chế văn hóa tiêu biểu là Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Thị xã Sơn Tây, Hà Nội), được phê duyệt quy hoạch tổng thể từ Quyết định số 667/TTg năm 1997 và chính thức hoạt động vào năm 2010. Nơi đây đã trở thành điểm đến mang ý nghĩa đặc biệt, không chỉ tái hiện sinh động đời sống văn hóa của 54 dân tộc mà còn là cầu nối quảng bá bản sắc dân tộc đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
"Giờ là lúc ngành văn hóa phải chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ bảo tồn mà còn tạo ra những giá trị mới, tiếp thu tinh hoa thế giới để làm giàu hơn bản sắc Việt Nam", Quyền Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam Trịnh Ngọc Chung nhấn mạnh.
Theo ông Chung, một trong những vấn đề quan trọng là huy động thêm nguồn lực từ xã hội. "Văn hóa sẽ không thể đi xa nếu chỉ dựa vào nguồn lực của Nhà nước. Chúng tôi cần sự chung tay từ doanh nghiệp, tổ chức và cộng đồng để tạo ra những giá trị văn hóa mới, gắn kết chặt chẽ với đời sống và thu hút du khách", ông Chung bày tỏ.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được kỳ vọng sẽ là một trong những thiết chế văn hóa tiên phong trong việc đổi mới hoạt động từ năm 2025. Ông Chung cũng đề ra 3 trọng tâm đổi mới đã được đề ra nhằm nâng cao trải nghiệm cho du khách và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.
Thứ nhất, gắn kết cộng đồng nghệ nhân, Làng sẽ phối hợp với các địa phương để đưa nghệ nhân và đồng bào dân tộc về tổ chức các hoạt động tại Làng. Điều này không chỉ giúp tái hiện sinh động đời sống văn hóa mà còn tạo điểm nhấn thu hút du khách trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn về các phong tục tập quán, giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc.
Thứ hai, phát triển dịch vụ từ xã hội hóa từ cơ sở vật chất của Làng đã được Nhà nước đầu tư bài bản. Giờ là lúc tận dụng tốt hơn thông qua xã hội hóa, cung cấp các dịch vụ du lịch chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của du khách.
Thứ ba, quan tâm đến việc số hóa giá trị văn hóa của các dân tộc. Điều này không chỉ phục vụ du khách đến Làng mà còn mở rộng trải nghiệm trên không gian số, giúp mọi người trên cả nước có thể khám phá văn hóa từ xa. Việc chuyển đổi số giúp Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút du khách đến thưởng thức, trải nghiệm, làm giàu vốn tri thức những nét văn hóa đặc sắc của mỗi dân tộc , qua đó giúp người dân khơi dậy niềm tự hào, tinh thần dân tộc.
Ông Chung khẳng định rằng, văn hóa không chỉ là di sản cần bảo tồn mà còn là nguồn cảm hứng để sáng tạo ra những giá trị mới. Chúng ta phải làm cho văn hóa sống động hơn, không chỉ là những hình ảnh tái hiện mà còn phải trở thành trải nghiệm thực sự gắn bó với du khách. Số hóa, xã hội hóa và đổi mới hoạt động là ba trụ cột để đạt được điều đó.
Với tinh thần ấy, ông Chung tin rằng việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống sẽ là cơ hội "vàng" để ngành văn hóa vươn lên mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng với thế giới. Văn hóa Việt Nam có sức hút rất riêng. Khi được đầu tư đúng cách, không chỉ giữ gìn bản sắc mà còn sáng tạo ra những giá trị mới, văn hóa chắc chắn sẽ là động lực lớn cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, để văn hóa thực sự "sống" trong đời sống hiện đại, ông Chung cho rằng việc bảo tồn cần gắn liền với sáng tạo. Các giá trị truyền thống không chỉ là ký ức mà phải được khơi dậy và tái hiện một cách sống động, thấm sâu vào ý thức của thế hệ trẻ. Việt Nam, với bề dày văn hóa đa dạng từ 54 dân tộc, cần bảo vệ những tinh hoa ấy trước nguy cơ mai một, đồng thời kiến tạo không gian sáng tạo – nơi người dân có thể phát triển tài năng, làm giàu giá trị văn hóa.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc không chỉ mở ra con đường định vị văn hóa Việt Nam trên bản đồ quốc tế, mà còn đưa hình ảnh đất nước hội nhập một cách tự tin, không hòa tan. Đây không chỉ là nhiệm vụ của hiện tại mà còn là cam kết cho một tương lai, nơi văn hóa Việt Nam tỏa sáng rực rỡ giữa muôn sắc màu văn hóa thế giới.
Trong kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ là nhiệm vụ mà còn là niềm hy vọng cho sự phát triển bền vững của văn hóa dân tộc. Đây không chỉ là sự đầu tư về nguồn lực mà sâu xa hơn, là sự vun đắp cho tâm hồn, bản sắc và giá trị tinh thần cốt lõi của cả đất nước.