Bồi đắp lý tưởng cho thế hệ trẻ
Những ngày qua, Nhân dân cả nước rộn ràng chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), không khí ấy cũng lan tỏa mạnh mẽ trong từng mái trường trên địa bàn tỉnh. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng ý nghĩa thiêng liêng của ngày non sông thu về một mối vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục thôi thúc ngành giáo dục tỉnh gìn giữ và lan tỏa mạch nguồn truyền thống, bồi đắp lòng yêu nước và lý tưởng sống cho thế hệ học sinh hôm nay.

Học sinh Trường Tiểu học Đông Quan (Lộc Bình) tìm hiểu lịch sử, truyền thống cách mạng tại Bảo tàng tỉnh
Việc giáo dục truyền thống cách mạng cho học sinh trên địa bàn tỉnh không còn bó hẹp trong những bài giảng lý thuyết đơn điệu. Thay vào đó, lịch sử đã được tái hiện sống động qua từng hoạt động học tập, trải nghiệm thực tế, góp phần thắp lên niềm tự hào dân tộc, khơi dậy ý chí vươn lên và trách nhiệm công dân trong mỗi học sinh. Từ tiết học chính khóa đến sinh hoạt dưới cờ, từ cuộc thi tìm hiểu lịch sử đến những chuyến đi “về nguồn” tại các di tích lịch sử, dòng chảy truyền thống đang len lỏi vào từng lớp học, từng trái tim tuổi trẻ.
Lịch sử sống động từ lớp học đến hành trình trải nghiệm
Nhận thức rõ ý nghĩa đặc biệt của cột mốc 50 năm thống nhất đất nước, từ đầu năm học 2024 – 2025, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn cụ thể nhằm triển khai đồng bộ hoạt động giáo dục truyền thống cách mạng trong các cơ sở giáo dục. Theo đó, nội dung giáo dục được tích hợp vào chương trình chính khóa, hoạt động ngoài giờ, sinh hoạt dưới cờ và các buổi trải nghiệm, với mục tiêu nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước, ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị lịch sử hào hùng của dân tộc.
Không còn dừng lại ở việc “dạy sử” theo cách truyền thống, nhiều trường học đã triển khai những hoạt động sáng tạo, sinh động, khiến lịch sử trở nên gần gũi và hấp dẫn hơn với học sinh. Tại Trường THPT Việt Bắc (thành phố Lạng Sơn), buổi sinh hoạt dưới cờ đầu tháng Tư vừa qua để lại ấn tượng sâu đậm: học sinh không chỉ được nghe cựu chiến binh kể lại ký ức hào hùng về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, mà còn được hòa mình vào không gian nghệ thuật đầy cảm xúc qua những bài ca cách mạng, thước phim tư liệu quý giá và phần giao lưu ý nghĩa với Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh. Tất cả đã khơi dậy niềm tự hào dân tộc và khát vọng cống hiến trong mỗi học sinh.
Tinh thần ấy tiếp tục lan tỏa sâu rộng đến các trường học khác trên địa bàn tỉnh. Đơn cử như tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Văn Quan, ngày 5/4 vừa qua, các chi đoàn tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Theo dòng lịch sử”, giúp học sinh được tìm hiểu những thời khắc hào hùng qua lời kể, phim tư liệu và những câu hỏi gợi mở. Trong khi đó, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh tổ chức chương trình “Biên giới – Biển đảo và Thống nhất non sông” vào ngày 15/3, kết hợp giữa tuyên truyền, biểu diễn nghệ thuật và thuyết trình theo nhóm, góp phần nâng cao nhận thức của học sinh về vai trò của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Em Tôn Thị Kiều Trang, học sinh lớp 11A7, Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, chia sẻ: “Trước đây em học lịch sử chỉ để làm bài kiểm tra, từ khi được tham gia các hoạt động như xem phim tư liệu, nghe kể chuyện, thảo luận nhóm, em thấy môn học này gần gũi và có ý nghĩa hơn rất nhiều. Em hiểu rằng biết ơn thế hệ đi trước không chỉ bằng lời nói, mà còn bằng hành động, em sẽ cố gắng học tập thật tốt để mai này góp sức dựng xây quê hương.”

Học sinh Trường Tiểu học - THCS Thanh Sơn (Hữu Lũng) tìm hiểu truyền thống tại Nhà trưng bày chiến thắng Chi Lăng
Không chỉ dừng ở các hoạt động trong trường, nhiều chuyến tham quan, học tập tại các địa chỉ đỏ cũng được tổ chức thường xuyên. Đơn cử như: học sinh Trường Tiểu học và THCS xã Thanh Sơn (huyện Hữu Lũng) được tìm hiểu về chiến thắng Chi Lăng tại Nhà trưng bày Di tích Quốc gia đặc biệt, lắng nghe thuyết minh, tận mắt thấy những hiện vật lịch sử quý giá. Ngày 29/3, học sinh các trường: Tiểu học Hưng Vũ (huyện Bắc Sơn), THCS Tú Đoạn (huyện Lộc Bình), Tiểu học và THCS Mỏ Đá (huyện Chi Lăng) đã tới Bảo tàng tỉnh tham gia học tập theo chuyên đề giáo dục địa phương. Những hoạt động ấy hơn bất kỳ bài giảng nào, giúp học sinh khắc sâu giá trị của độc lập, tự do; hình thành ý thức giữ gìn, phát huy di sản văn hóa – lịch sử của quê hương.
Truyền lửa từ ký ức chiến trường
Một trong những điểm sáng nổi bật của hoạt động giáo dục truyền thống dịp này là chương trình phối hợp giữa Trường THPT Chi Lăng và Hội Doanh nhân Cựu chiến binh tỉnh tổ chức vào ngày 1/4/2025. Gần 200 học sinh khối 10 đã được lắng nghe những câu chuyện đầy xúc động từ các cựu chiến binh – những nhân chứng sống của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được xem phóng sự về Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tham gia trả lời câu hỏi tương tác về đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng hòa mình vào những giai điệu cách mạng hào hùng.
Thầy Hoàng Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Chi Lăng chia sẻ: Chúng tôi không chỉ dạy lịch sử như một môn học, mà luôn coi mỗi hoạt động, mỗi chương trình giao lưu là cơ hội quý báu để học sinh cảm nhận sâu sắc giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay. Việc mời các cựu chiến binh – những người từng cầm súng chiến đấu đến nói chuyện với học sinh đã để lại ấn tượng mạnh mẽ, góp phần hình thành lý tưởng sống cao đẹp trong các em.
Không chỉ học sinh, đội ngũ cán bộ, giáo viên, đảng viên trong ngành giáo dục cũng tích cực tham gia các hoạt động về nguồn. Tiêu biểu, Chi bộ Trường THPT Tràng Định phối hợp với Chi bộ Trường THPT Bắc Sơn tổ chức sinh hoạt chuyên đề tại khu di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn. Chương trình vừa giúp ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quê hương, vừa là dịp để các đơn vị trao đổi chuyên môn, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy – một minh chứng sinh động cho việc "học lịch sử để đổi mới, để phát triển”.
Giáo dục truyền thống cách mạng được triển khai hiệu quả trong chương trình học chính khóa thông qua những phương pháp dạy học đổi mới, linh hoạt. Tại Trường THPT Cao Lộc, các tiết học lịch sử được tổ chức theo hình thức thảo luận nhóm, trình bày dự án, vẽ sơ đồ tư duy, kể chuyện dưới góc nhìn nhân vật… giúp học sinh không chỉ nắm chắc kiến thức mà còn hiểu sâu bối cảnh, ý nghĩa các sự kiện lịch sử, phát triển tư duy phản biện và kỹ năng trình bày. Trong khi đó, tại Trường Tiểu học – THCS Lê Quý Đôn (thành phố Lạng Sơn), các bài học đạo đức và hoạt động trải nghiệm được lồng ghép khéo léo với các câu chuyện về anh hùng nhỏ tuổi, gương người tốt, việc tốt địa phương, thông qua hình thức kể chuyện, đóng vai, vẽ tranh, viết nhật ký… tạo nên môi trường học tập giàu cảm xúc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương, lòng biết ơn và tinh thần trách nhiệm trong mỗi học sinh.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, từ đầu năm học đến nay, toàn ngành đã tổ chức hơn 100 hoạt động giáo dục truyền thống, thu hút gần 5.000 lượt học sinh, giáo viên tham gia. Các hoạt động trải dài trên nhiều hình thức: sinh hoạt chủ đề, thi tìm hiểu lịch sử, giao lưu với nhân chứng, thăm địa chỉ đỏ, lồng ghép trong dạy học các môn Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân...
Bà Phan Mỹ Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh: “Giáo dục truyền thống cách mạng không chỉ là nhiệm vụ trong một dịp lễ lớn, mà phải là mạch nguồn xuyên suốt trong quá trình giáo dục học sinh. Thời gian tới, ngành tiếp tục khuyến khích các trường đổi mới phương pháp, phát huy vai trò của giáo viên trong dẫn dắt, tổ chức các hoạt động sáng tạo, giúp học sinh chủ động tiếp cận và thấu hiểu giá trị lịch sử, từ đó hình thành bản lĩnh và lý tưởng sống đúng đắn.”
Có thể khẳng định, giáo dục truyền thống cách mạng, đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh thiêng liêng của ngành giáo dục Lạng Sơn. Với tất cả tâm huyết, sáng tạo và lòng yêu nghề, những nhà giáo đang tích cực truyền ngọn lửa cách mạng từ quá khứ đến tương lai, để lớp lớp học sinh hôm nay hiểu, trân trọng và tiếp bước cha anh dựng xây quê hương, đất nước trong hành trình hội nhập và phát triển.