Bỏ yếu tố quốc tế là hạ thấp vị thế của người được công nhận GS, PGS ngành KHXH
Bỏ yêu cầu xuất bản quốc tế trong tiêu chí xét duyệt giáo sư, phó giáo sư đối với các ngành Khoa học xã hội là hạ thấp vị thế của người được công nhận đạt chuẩn.
Từ sau Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, số lượng ứng viên giáo sư ở một số ngành thuộc Khoa học xã hội có xu hướng giảm.
Trong đó, số lượng ứng viên giáo sư, phó giáo sư giảm ở liên ngành Sử học – Khảo cổ học – Dân tộc học, liên ngành Văn hóa – Nghệ thuật – Thể dục thể thao,... Đặc biệt năm 2023, một số ngành “trắng” giáo sư như: Giáo dục học, Dược học và Văn học.
Trước thực tế đó, một số chuyên gia đề xuất nên hạ chuẩn yêu cầu công bố kết quả nghiên cứu khoa học (bài báo công bố quốc tế) trong xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội đang nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học đầu ngành.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thanh Đức – Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) chia sẻ, việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư ở các ngành/liên ngành được thực hiện nghiêm túc theo Quyết định 37.
"Các quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư đã được nêu rõ ràng trong Quyết định 37 nên những ứng viên đăng ký xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư có thể căn cứ vào những tiêu chuẩn để phấn đấu", thầy Đức chia sẻ.
Thầy Đức cho rằng, tiêu chuẩn đã được quy định chung để tạo tính công bằng, do vậy không nên có quy định xét duyệt riêng đối với ngành nào.
Cùng nêu quan điểm có nên hạ chuẩn xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đối với ngành thuộc lĩnh vực Khoa học xã hội, Giáo sư Nguyễn Văn Chính (ứng viên duy nhất liên ngành Sử học-Khảo cổ học-Dân tộc học được công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư năm 2022) hiện là Trưởng bộ môn Nhân học Phát triển, Khoa Nhân học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay: “Không nên quá lo lắng về sự bất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư các ngành Sử học, Khảo cổ học, Dân tộc học nói riêng, Khoa học xã hội nói chung so với các ngành khoa học khác.
Bởi, sự lo lắng này dẫn đến nguy cơ can thiệp vào quá trình xét duyệt hồ sơ ứng viên hoặc yêu cầu sửa đổi chính sách như: hạ chuẩn, châm chước, linh động trong xem xét tiêu chuẩn công nhận chức danh, thậm chí bỏ qua một vài điều kiện còn thiếu hoặc yếu của ứng viên để “ưu tiên” các ngành thiếu giáo sư. Cách tiếp cận này dễ làm cho Quyết định 37 mới ban hành mất đi độ ổn định cần thiết.
Hơn nữa, sự bất cân đối số lượng giáo sư, phó giáo sư giữa các ngành là khủng hoảng ngắn hạn, cơ hội để ứng viên giáo sư, phó giáo sư trẻ phấn đấu quyết liệt hơn nữa".
Chỉ ra nguyên nhân khiến một số ngành Khoa học xã hội ít hoặc "trắng" giáo sư, theo thầy Chính, thứ nhất, do quy trình xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư từ sau Quyết định 37 được hội đồng giáo sư từ cơ sở đến nhà nước triển khai chặt chẽ, cùng với thực hiện Nghị định 50/2022/NĐ-CP Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập khiến các cơ sở đại học, trường đại học và viện nghiên cứu phải cho nghỉ hàng loạt giáo sư, phó giáo sư trong khi chưa có đội ngũ ứng viên giáo sư, phó giáo sư bổ sung.
Thứ hai, công tác quy hoạch đào tạo cán bộ trẻ kế cận của các cơ sở khoa học và đào tạo; Khoa học xã hội trong nước chưa theo kịp đà phát triển mạnh mẽ của Khoa học xã hội trên thế giới (ngoại trừ ngành Kinh tế học đang thăng hoa gần đây).
Thứ ba, nguyên nhân trực tiếp, cốt lõi làm giảm ứng viên giáo sư, phó giáo sư các ngành Khoa học xã hội là quy định cứng về số bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus. Thực tế, có những nhà khoa học gặp khó khăn do hạn chế về năng lực ngoại ngữ, hiểu biết ít về cộng đồng khoa học quốc tế, tiếp cận thông tin các chuẩn mực khoa học khi viết bài báo khoa học.
Cần thiết phải có công bố quốc tế lĩnh vực Khoa học xã hội
Trước đề xuất nên bỏ tiêu chí bắt buộc ứng viên giáo sư, phó giáo sư phải có công trình khoa học đăng trên tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus đối với ngành Khoa học xã hội, thầy Chính cho rằng nên khuyến khích có công bố quốc tế.
"Đã là khoa học thì các công trình nghiên cứu cần phải tuân thủ nguyên tắc chung trong nghiên cứu và công bố. Tất cả các tạp chí ISI/Scopus đều là tạp chí có phản biện quốc tế, bao quát mọi ngành khoa học, kỹ thuật, xã hội, nhân văn, và nghệ thuật, và có lịch sử từ lâu. Phản biện, dù không phải là khuôn vàng thước ngọc nhưng lại giúp các công trình nghiên cứu tuân thủ các quy chuẩn khoa học, tìm kiếm tri thức mới từ cái đã có, nâng tầm bài viết.
Có nhiều tạp chí quốc tế hàng đầu được cộng đồng khoa học thế giới, nhất là ở các nước khoa học tiên tiến chấp nhận thì cũng có thể xem đây như là chuẩn mực, là bộ lọc đảm bảo chất lượng và giúp khẳng định vị thế của các nhà khoa học Việt Nam trên diễn đàn khoa học thế giới"
_Giáo sư Nguyễn Văn Chính_
Thêm nữa, theo thầy Chính, trong khi các tạp chí Khoa học xã hội ở Việt Nam ít về số lượng, chưa có một hệ thống phản biện và biên tập bài bản, hoặc có phản biện nhưng chưa dựa trên những nguyên tắc khoa học cơ bản, còn cảm tính, thì các bài đăng trên tạp chí ISI/Scopus với sự phản biện gắt gao của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực chuyên sâu, biên tập kỹ lưỡng vẫn nên được dùng làm thước đo chất lượng khoa học.
Một luận điểm thường được các nhà khoa học thuộc khối khoa học xã hội nêu ra để "biện hộ" cho việc không có bài báo khoa học xuất bản quốc tế là do giới hạn nghiên cứu của họ về Việt Nam và chỉ cho Việt Nam nên công bố trên tạp chí quốc tế là không phù hợp. Tuy nhiên, Khoa học xã hội có sứ mạng bảo vệ lịch sử quật cường của dân tộc và nền văn hóa đặc sắc của quốc gia nên việc tham gia vào các diễn đàn khoa học quốc tế rất cần thiết.
Ở trường đại học, người có học hàm giáo sư, phó giáo sư thường được giao đứng đầu các bộ môn chuyên ngành, các đề tài khoa học quan trọng, tham gia hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, và tham gia thẩm định luận án và đề tài khoa học,… Với vị thế của một người không đủ năng lực viết bài theo chuẩn quốc tế mà lại được giao đứng đầu những lĩnh vực quan trọng, chắc chắn có ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động khoa học và đào tạo.
Do đó, thầy Chính cho rằng, bỏ yêu cầu xuất bản quốc tế trong tiêu chí xét duyệt giáo sư, phó giáo sư đối với các ngành Khoa học xã hội là hạ thấp vị thế của người được công nhận đạt chuẩn, vì họ không có đủ năng lực ngoại ngữ và kiến thức để làm việc ở tầm quốc tế, khó đứng vững ở vị trí “cầm lái” để dẫn dắt các lĩnh vực Khoa học xã hội.
Tại Khoản 4, Điều 5 Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, quy định công bố kết quả nghiên cứu khoa học đối với tiêu chuẩn chức danh giáo sư như sau:
a) Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 03 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Ứng viên không đủ công trình khoa học quy định tại điểm này thì phải có ít nhất 02 trong số các công trình khoa học nêu trên và 01 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 02 trong số các công trình khoa học nêu trên và 01 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.
b) Từ ngày 01 tháng 01 năm 2020: Ứng viên là tác giả chính đã công bố được ít nhất 05 bài báo khoa học hoặc (và) bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Ứng viên không đủ công trình khoa học quy định tại điểm này thì phải có ít nhất 03 trong số các công trình khoa học nêu trên và 02 chương sách phục vụ đào tạo do một nhà xuất bản có uy tín trên thế giới xuất bản hoặc có ít nhất 03 trong số các công trình khoa học nêu trên và 02 sách chuyên khảo do một nhà xuất bản có uy tín xuất bản.