Bộ Y tế nói gì về trách nhiệm vụ 600 loại sữa giả?

Vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố đã làm bàng hoàng người tiêu dùng cả nước.

Phối hợp chặt với cơ quan liên quan

Vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an khởi tố đã làm bàng hoàng người tiêu dùng cả nước. Không chỉ bởi hành vi gian dối trắng trợn, mà bởi sản phẩm bị làm giả là sữa bột - mặt hàng thiết yếu liên quan trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em và người cao tuổi, những đối tượng dễ tổn thương nhất trong xã hội.

Theo Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), đối với vụ việc sản xuất, buôn bán và tiêu thụ sữa bột giả có quy mô lớn, hoạt động trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh lân cận, Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án.

Vụ việc đang trong quá trình điều tra, Bộ Y tế đã và sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an về các vấn đề chuyên môn để Bộ Công an có căn cứ xử lý đúng pháp luật, truy cứu rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. Ảnh: VTV

Lực lượng chức năng kiểm tra kho hàng trong đường dây sản xuất 573 loại sữa bột giả. Ảnh: VTV

Liên quan đến việc phòng chống thực phẩm không đảm bảo an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng, Bộ Y tế luôn nhất quán trong công tác chỉ đạo điều hành thông qua việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; trong công tác phối hợp liên ngành nhất là phối hợp với Bộ Công an và Ban Chỉ đạo 389 của Bộ Công Thương trong việc xử lý thực phẩm giả, thực phẩm có chứa chất cấm…

Việc quản lý an toàn thực phẩm được quy định tại Luật An toàn thực phẩm, trong đó quản lý an toàn thực phẩm của các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương và UBND các cấp được quy định tại các Điều 62, 63, 64 và 65. Trách nhiệm "Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trong lưu thông, kinh doanh thực phẩm" được quy định tại khoản 5 Điều 64 Luật An toàn thực phẩm.

"Tự công bố" biến thành "tự tung tự tác"?

Theo Bộ Y tế, cơ chế quản lý an toàn thực phẩm hiện hành đang được thực hiện theo Luật An toàn thực phẩm và Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm, trong đó có quy định rõ về trách nhiệm của doanh nghiệp và cơ quan quản lý.

Theo đó, đa số các thực phẩm được tự công bố và có 4 nhóm cần kiểm soát chặt hơn thì phải được đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

Việc trao quyền công bố sản phẩm cho các doanh nghiệp để tạo thông thoáng trong thủ tục hành chính nhưng khi công bố doanh nghiệp phải "cam kết thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm và hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ công bố và chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đã công bố" (quy định tại Bản tự công bố và Bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018).

Quy định này nhằm gắn trách nhiệm trong tuân thủ các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và chịu trách nhiệm về an toàn sản phẩm do mình sản xuất, kinh doanh đã được quy định tại điểm a Khoản 2 Điều 7 và điểm a Khoản 2 Điều 8 Luật an toàn thực phẩm.

Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị Công an TP. Hà Nội triệt phá. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Công nhân đóng hộp thành phẩm tại cơ sở sản xuất sữa bột giả quy mô lớn vừa bị Công an TP. Hà Nội triệt phá. Ảnh: Báo Công an nhân dân

Bộ Y tế đánh giá, chính sách tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm của Nghị định 15/2018/NĐ-CP là một chính sách tiên tiến, tiệm cận với phương thức quản lý thực phẩm của các nước phát triển trên thế giới.

Tại các nước này, doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, không cần đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chỉ một số ít các sản phẩm có công bố liên quan đến hỗ trợ bệnh tật mới cần được phê duyệt của cơ quan nhà nước trước khi lưu thông trên thị trường.

Theo quy định tại khoản 8 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm "Tổ chức tiếp nhận và quản lý hồ sơ, cấp Giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt, sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ đến 36 tháng tuổi".

Có kế hoạch hậu kiểm hàng năm

Theo Bộ Y tế, công tác hậu kiểm, tức kiểm tra sau khi doanh nghiệp đã công bố sản phẩm có ý nghĩa then chốt để đảm bảo chất lượng sản phẩm thực tế đúng như công bố. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, nguồn lực kiểm tra còn hạn chế, việc tổ chức hậu kiểm chưa thực sự đồng bộ và chưa đủ sức răn đe.

Bộ Y tế cho biết, hàng năm đều xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm để các bộ ngành, địa phương triển khai. Từ đầu năm 2025 đến nay, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành 3 văn bản chỉ đạo các Sở Y tế, Sở An toàn thực phẩm địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, rà soát hồ sơ công bố sản phẩm, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và xử lý nghiêm các vi phạm.

Tuy nhiên, để hậu kiểm phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền cấp tỉnh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 40 Nghị định 15/2018/NĐ-CP, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn, tổ chức thanh kiểm tra và chịu trách nhiệm trước Chính phủ nếu để xảy ra vi phạm nghiêm trọng.

Như Báo Công Thương đã đưa tin, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra vụ án "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" xảy ra tại Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma, Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group, các cơ quan, tổ chức liên quan trên địa bàn TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định từ năm 2021 đến nay, nhóm này đã sản xuất tới 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai với các thành phần công bố trên sản phẩm như: Chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này.

Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.

Nguyên Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-y-te-noi-gi-ve-trach-nhiem-vu-600-loai-sua-gia-383088.html
Zalo