Lấp 'lỗ hổng' quản lý thực phẩm sữa: Bài 1 - Còn nhiều bất cập!

Vụ 'sữa giả' gần 500 tỷ đồng bị triệt phá cho thấy công tác quản lý thực phẩm từ sữa do Bộ Y tế được giao trách nhiệm chính còn rất nhiều bất cập cần tháo gỡ.

LTS: Trước hết cần hiểu rõ câu chuyện "một hộp sữa nhiều bộ quản lý" theo Nghị định số 15/2018/NĐ- CP của Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường. Còn các sản phẩm sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt do Bộ Y tế quản lý. Các sản phẩm trong vụ án bị triệt phá gây xôn xao dư luận vừa qua đều thuộc nhóm sau và sau 7 năm vận hành nghị định đã bộc lộ nhiều lỗ hổng nghiêm trọng cần xử lý kịp thời.

Trong vụ án, hàng triệu hộp sản phẩm sữa với nhãn mác tổ yến, đông trùng, nano vàng… từng được quảng bá rầm rộ, bày bán công khai suốt nhiều năm, lại là sản phẩm được hợp thức hóa bằng một bộ hồ sơ… mà không ai thẩm định.Chỉ đến khi công an ập vào kho, bóc ra từng lớp vỏ thương hiệu, lần theo từng đơn vị phân phối, người ta mới giật mình nhìn lại: Hệ thống cấp phép đang hoạt động thế nào? Và vì sao thứ được gọi là “tự công bố” lại có thể trở thành giấy thông hành cho hàng giả?

Sản phẩm sai, nhưng hồ sơ đúng. Công dụng gian dối, nhưng vẫn livestream bán hàng tràn lan. Khi người nổi tiếng biến thành “thần hộ mệnh” cho những sản phẩm chưa ai kiểm chứng, còn cơ quan quản lý thì thiếu chế tài quản lý chặt chẽ vì trong câu chuyện này mỗi mảng, mỗi lĩnh vực một cơ quan quản lý khác nhau về cấp phép, hậu kiểm, quảng cáo...

Để góp phần làm rõ thực trạng và tìm ra giải pháp hữu hiệu, Báo Công Thương mở tuyến bài nhìn lại hiện tượng này, nhằm lành mạnh hóa, ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý một mặt hàng hết sức quan trọng liên quan đến hàng triệu người tiêu dùng và rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.

“Quả bom” chấn động thị trường

Vụ sữa sản xuất, buôn bán sữa giả xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group như một “quả bom” cực mạnh dội xuống thị trường sữa Việt Nam.

Sóng “xung kích” từ vụ nổ không chỉ tác động tới thị trường sữa, mà còn ảnh hưởng tới toàn ngành thực phẩm chức năng, tác động rất lớn tới thị trường và tâm lý người tiêu dùng.

Thông tin ban đầu Bộ Công an phát đi cho biết, từ tháng 8/2021 đến khi bị triệt phá, đường dây này đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho những người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai.

Vụ sữa giả gần 500 tỷ đồng bị Bộ Công an triệt phá cho thấy công tác quản lý thực phẩm, đặc biệt là với sữa, vẫn còn những lỗ hổng cùng nhiều bất cập.

Vụ sữa giả gần 500 tỷ đồng bị Bộ Công an triệt phá cho thấy công tác quản lý thực phẩm, đặc biệt là với sữa, vẫn còn những lỗ hổng cùng nhiều bất cập.

“Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng”, Bộ Công an thông tin.

Tới thời điểm hiện tại, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 đối tượng trong đường dây này. Các đối tượng gồm: Hoàng Mạnh Hà, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Rance Pharma từ tháng 8/2021 đến tháng 8/2024; Vũ Mạnh Cường, Giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Công ty Hacofood từ tháng 4/2022 đến tháng 10/2024 và 6 người khác là Phó giám đốc, cổ đông góp vốn, kế toán trưởng và nhân viên kế toán 2 công ty.

Quản lý thị trường tích cực đấu tranh trên trận tuyến chống sữa giả

Như đã nói, vụ án này như một “quả bom” dội xuống thị trường thực phẩm, song nó không phải vụ án đầu tiên, chắc chắn cũng chưa phải vụ án cuối cùng. Cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục điều tra, mở rộng và xác minh, làm rõ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm tương tự. Vụ án này chỉ khác các vụ án trước đó bởi quy mô và doanh thu, lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động làm ăn gian dối.

Trả lời phỏng vấn Báo Công Thương, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương không cấp phép và quản lý trực tiếp mặt hàng của các công ty vi phạm nêu trên.

Căn cứ theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành.

Theo đó, Bộ Công Thương có trách nhiệm quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường, không bao gồm các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt, các sản phẩm này hiện nay do Bộ Y tế quản lý.Theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý hàng trăm vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là sữa. Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thêm, trong 4 năm từ 2021 – 2024, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ; số tiền xử phạt hơn 2,2 tỷ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm là 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon.

“Điển hình như địa bàn Hà Nội đã kiểm tra và xử phạt 53 vụ với tổng số tiền phạt 546 triệu đồng; tổng số lượng hàng hóa tịch thu, tiêu hủy với mặt hàng sữa là 5.853 lon, hộp, chai… với tổng giá trị hơn 200 triệu đồng”, ông Trần Hữu Linh thông tin.

Lực lượng Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng kiểm sản xuất, buôn bán sữa do V.T.C làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Lực lượng Quản lý thị trường cùng các lực lượng chức năng kiểm sản xuất, buôn bán sữa do V.T.C làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Năm 2024, Cục Quản lý thị trường Hà Nội (nay là Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã chuyển 2 vụ tới cơ quan cơ quan điều tra. Cụ thể, ngày 10/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 8 phối hợp Công an huyện Gia Lâm khám phương tiện mang BKS 29H-485.71 phát hiện 3.000 lon sữa bột không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ và thành phần chưa đạt chi tiêu chất lượng quy định của Viện kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia của Hộ kinh doanh Trần Thị Kim Cúc, tại HA11.SP11-40, đường HA11, Vinhomes Oceanparl, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Ngày 10/1/2024, Đội Quản lý thị trường số 9 phối hợp với Công an huyện Đông Anh và Công an huyện Gia Lâm kiểm tra Công ty Cổ phần sản xuất thực phẩm công nghệ cao NCT3 Food tại địa chỉ thôn Mỹ Nội, xã Bắc Hồng, huyện Đông Anh, phát hiện hơn 123.600 là hộp, túi, gói… liên quan đến sữa và các chế phẩm từ sữa có dấu hiệu tẩy xóa, sửa chữ thời hạn sử dụng và có chỉ tiêu chất lượng dưới 70% chỉ tiêu đã công bố.

Một điển hình khác là vụ xảy ra tại tỉnh Bình Dương, vào hồi đầu năm 2024. Theo đó, ngày 19/1/2024, lực lượng chức năng gồm Cục Quản lý thị trường Bình Dương (nay là Chi cục Quản lý thị trường), Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Bình Dương, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an TP Hồ Chí Minh, Công an TP Dĩ An (Bình Dương) đồng loạt kiểm tra 4 địa điểm sản xuất, buôn bán sữa do V.T.C làm chủ ở nhiều địa điểm tại Bình Dương và TP Hồ Chí Minh.

Đối tượng V.T.C trong đường dây sản xuất sữa giả tại tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Đối tượng V.T.C trong đường dây sản xuất sữa giả tại tỉnh Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh.

Tại 4 địa điểm, lực lượng phát hiện hơn 7.500 lon sữa bột thành phẩm các loại; 70 thùng giấy chứa nắp lon sữa bằng kim loại; 150.000 vỏ lon sữa nhiều nhãn hiệu nổi tiếng; 7 bao tải chứa nắp nhựa hộp sữa, cùng máy móc, thiết bị để sản xuất, buôn bán hàng giả. Ước tính giá trị tang vật bị thu giữ lên đến 14,5 tỷ đồng.

Lỗ hổng quản lý thị trường sữa

Nghị định 15/2018/ NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm (ATTP), với chính sách tự công bố và đăng ký sản phẩm được Cục ATTP, Bộ Y tế đánh giá là một chính sách tiên tiến, tiệm cận với phương thức quản lý thực phẩm của các nước phát triển trên thế giới.

Tuy nhiên, quy định này cùng với công tác hậu kiểm lỏng lẻo cũng chính là lỗ hổng để các gian thương lạm dụng, từ đó đưa ra thị trường thị trường các sản phẩm kém chất lượng, thậm chí là hàng giả, hàng nhái.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước dẫn các quy định của pháp luât và cho biết, Bộ Công Thương không có thẩm quyền để cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp.

“Việc thành lập và đăng ký hoạt động của doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp”, ông Trần Hữu Linh thông tin.

Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, theo quy định pháp luật hiện hành, Bộ Công Thương chỉ có thể tiến hành kiểm tra đối với các doanh nghiệp này khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về phía Cục ATTP, Bộ Y tế, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương chiều 16/4, lãnh đạo đơn vị khẳng định công tác hậu kiểm các sản phẩm sau công bố hết sức quan trọng.

“Bộ Y tế với vai trò là thường trực Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về ATTP hàng năm xây dựng và ban hành kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm làm cơ sở cho các bộ ngành và địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch của mình; phối hợp liên ngành để xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, lừa dối người tiêu dùng…”, lãnh đạo Cục ATTP cho biết.

Theo lãnh đạo Cục ATTP, hằng năm đơn vị có các văn bản chỉ đạo Sở Y tế các địa phương, Sở ATTP TP. Hồ Chí Minh triển khai công tác hậu kiểm ATTP trên địa bàn.

Cụ thể từ đầu năm 2025 đến nay, Cục ATTP đã có 3 văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác hậu kiểm năm 2025, công tác triển khai Tháng hành động vì ATTP gắn với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đề nghị các địa phương rà soát, cung cấp thông tin về tình hình tiếp nhận hồ sơ tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm; cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; tình hình thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các cơ sở và sản phẩm có liên quan.

Từ thực tế trên có thể thấy, dù đã có những quy định về tự công bố sản phẩm, về hậu kiểm ATTP, nhưng việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập. Không ít sản phẩm được "hợp pháp hóa" bằng bộ hồ sơ đúng quy trình, song lại vận hành sai mục đích, vượt ra ngoài mọi tầm kiểm soát.

Khi cơ chế hậu kiểm chưa theo kịp tốc độ sản xuất - phân phối - quảng bá, thì chính sách tự công bố chẳng khác nào cánh cửa mở rộng cho những sản phẩm chưa được kiểm chứng chất lượng.

Vấn đề không chỉ nằm ở một doanh nghiệp hay một nhóm cá nhân. Vấn đề nằm ở chỗ: Giấy tờ thì đủ, nhưng niềm tin thì thiếu. Và nếu những lỗ hổng này không sớm được bịt lại, thị trường sữa sẽ tiếp tục trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng giả, hàng nhái len lỏi dưới vỏ bọc hợp pháp.

Bài 2: Tự công bố và hậu kiểm lỏng lẻo – lỗ hổng chết người!

Nhóm Phóng viên

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lap-lo-hong-quan-ly-thuc-pham-sua-bai-1-con-nhieu-bat-cap-383383.html
Zalo