Bộ Xây dựng giảm trên 45% đơn vị sau khi hợp nhất
Dự thảo Nghị định quy định chức năng, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng (sau hợp nhất giữa Bộ GTVT và Bộ Xây dựng) vừa được trình Chính phủ.
Theo đó, Bộ Xây dựng là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: quy hoạch xây dựng, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; hạ tầng kỹ thuật đô thị và nông thôn; nhà ở; công sở; thị trường bất động sản; vật liệu xây dựng; giao thông vận tải đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không dân dụng trong phạm vi cả nước; quản lý Nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định.
Số đầu mối của hai Bộ trước khi hợp nhất là 42 đơn vị (Bộ Xây dựng 19 đơn vị, Bộ GTVT 23 đơn vị). Sau sắp xếp, hợp nhất, Bộ Xây dựng còn 23 đơn vị.
Cụ thể 19 đơn vị là tổ chức giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm: Văn phòng, Thanh tra, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Vụ Vận tải và An toàn giao thông, Vụ Khoa học công nghệ, Môi trường và Vật liệu xây dựng, Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Cục Phát triển đô thị, Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đăng kiểm Việt Nam.
4 đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ là Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo Xây Dựng, Tạp chí Xây Dựng, Học viện Chiến lược, Bồi dưỡng cán bộ xây dựng.
Tại tờ trình, hai bộ thống nhất tiếp tục duy trì hoạt động của Vụ Quản lý doanh nghiệp và Cục Y tế Giao thông vận tải theo điều 5 "Điều khoản chuyển tiếp" của Nghị định số 56/2022/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải.
Cũng tại tờ trình này, hai bộ đã thống nhất bỏ nhiệm vụ sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ ra khỏi dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Bộ Giao thông Vận tải cũng đề xuất các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng từng được sắp xếp tại Nghị định số 52/2022 và Nghị định số 56/2022 vẫn tiếp tục hoạt động theo quy định cho đến khi Bộ Xây dựng hoàn thành việc sắp xếp tổ chức.
Hai bộ cũng thống nhất trước mắt sử dụng cả hai trụ sở ở số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng và số 80 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Về lâu dài, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng trụ sở ở khu Tây Hồ Tây (Hà Nội) là khu vực quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.