Bộ trưởng Tài chính Mỹ kêu gọi Tây Ban Nha tăng chi tiêu quốc phòng
Ngày 16/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã kêu gọi Tây Ban Nha tăng chi tiêu quốc phòng nhằm đáp ứng nghĩa vụ trong khuôn khổ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời bày tỏ quan ngại về chính sách thuế kỹ thuật số của nước này.

Binh sỹ Đức trong một cuộc tập trận. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Carlos Cuerpo tại Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent nhấn mạnh rằng Madrid cần tăng chi tiêu quốc phòng để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong NATO, trong bối cảnh các nước đồng minh phải cùng chia sẻ trách nhiệm đảm bảo an ninh chung. Theo tuyên bố từ Bộ Tài chính Mỹ, ông Bessent đã lưu ý việc Tây Ban Nha cần nâng mức đóng góp trong lĩnh vực quốc phòng nhằm đáp ứng cam kết trong liên minh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần chỉ trích các nước châu Âu, đặc biệt là các đồng minh NATO vì không đáp ứng mục tiêu chi tiêu quốc phòng tối thiểu 2% GDP và phụ thuộc quá mức vào sự bảo trợ an ninh của Mỹ. Trong khi đó, Tây Ban Nha hiện chỉ chi 1,32% GDP cho quốc phòng và đặt mục tiêu đạt mốc 2% vào năm 2029.
Ngoài vấn đề ngân sách quốc phòng, ông Bessent cũng phê phán chính sách thuế kỹ thuật số của Tây Ban Nha và cho rằng các quy định này tạo ra gánh nặng bất hợp lý đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ như Meta, Google và Amazon. Ông cũng nêu rõ lo ngại về các rào cản phi thuế quan khác được cho là gây khó khăn cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ tại thị trường Tây Ban Nha.
Phản hồi sau cuộc gặp, Bộ trưởng Carlos Cuerpo bày tỏ hy vọng Washington sẽ nghiêm túc đối thoại với Liên minh châu Âu (EU) để đạt được thỏa thuận thương mại trước khi thời hạn tạm hoãn mức thuế 20% do ông Trump ban hành hết hiệu lực vào tháng 7.
Ông Cuerpo nói với báo chí Tây Ban Nha: “Chúng tôi tin tưởng Ủy viên châu Âu Maros Sefčovic sẽ đạt được một thỏa thuận cân bằng, công bằng và cùng có lợi với phía Mỹ”. Trước đó, Tổng thống Trump đã áp dụng mức thuế 20% đối với hàng hóa EU như một biện pháp đáp trả mà ông cho là sự bất công trong thương mại xuyên Đại Tây Dương, song sau đó tạm hoãn thực hiện trong 90 ngày để chờ kết quả đàm phán.