Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Nghị quyết 'đánh trúng' vào các điểm nghẽn kéo dài
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Nghị quyết không tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, mà chỉ tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền Quốc hội và 'đánh trúng' vào các điểm nghẽn kéo dài.
Không tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn
Sáng 17/2, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình một số nội dung đại biểu quan tâm về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Nghị quyết không tham vọng tháo gỡ mọi điểm nghẽn, mà chỉ tập trung vào thí điểm một số ít chính sách, cơ chế đặc biệt thuộc thẩm quyền Quốc hội và "đánh trúng" vào các điểm nghẽn kéo dài, các vấn đề cấp bách, để tạo ra sự phát triển đột phá, thực hiện được ngay Nghị quyết 57.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Như Ý
Tháng 5 tới, Quốc hội sẽ thông qua Luật Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Luật Công nghiệp công nghệ số và các luật liên quan khác. Theo ông Hùng, đây sẽ là cơ hội để tiếp tục giải quyết căn cơ hơn các vấn đề thể chế, chính sách và cơ chế cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, sẽ nghiên cứu đưa ra khỏi nghị quyết một số chính sách cần thêm thời gian để nghiên cứu và đánh giá toàn diện các mặt tác động, ví dụ như chính sách về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công nghệ.
Miễn trách nhiệm dân sự
Về cải cách cơ chế quản lý tài chính trong việc thực hiện nghiên cứu khoa học công nghệ, giao quyền tự chủ trong sử dụng kinh phí nghiên cứu, chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu, theo Bộ trưởng TT&TT, đây là những nội dung có nhiều vướng mắc kéo dài. Do nhà nước muốn tránh rủi ro, nên đề ra nhiều thủ tục phức tạp, dồn rất nhiều trách nhiệm lên các tổ chức nghiên cứu.
“Nhưng nghiên cứu lại có bản chất rủi ro, là một loại đầu tư có rủi ro cao. Nghị quyết lần này thí điểm cơ chế khoán chi đối với hầu hết các nghiên cứu mà không phải cam kết về kết quả cuối cùng. Nhà nước sẽ quản lý thông qua đánh giá các giai đoạn nghiên cứu để tiếp tục cấp kinh phí, đánh giá các cơ sở nghiên cứu có kết quả để giao thực hiện tiếp các đề tài. Nghị quyết cho phép nhà nước cấp tiền cho nghiên cứu thông qua cơ chế quỹ”, ông Hùng lý giải.
Ngoài ra, Nghị quyết cũng quy định về việc miễn trách nhiệm dân sự và không phải trả lại kinh phí nếu nghiên cứu không đi đến kết quả như dự kiến. Với những chính sách, cơ chế đặc biệt này, ông Hùng hy vọng, mức chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ sẽ tăng từ 1% hiện nay lên tối thiểu 2% như quy định của Luật Khoa học công nghệ.
Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đây cũng đang là điểm nghẽn lớn kéo dài. Nghị quyết thí điểm việc cho phép người làm nghiên cứu được hưởng tối thiểu 30% kết quả thương mại hóa, được phép tham gia lập và điều hành doanh nghiệp…
“Đây là những chính sách rất mạnh mẽ để thương mại hóa kết quả nghiên cứu, kể cả các kết quả nghiên cứu của những năm trước, tạo ra ích nước lợi nhà”, ông Hùng, nói.