Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Làm sao để người học hạnh phúc trong hoạt động học?

Làm sao để có nhiều hạnh phúc trong hoạt động học là chia sẻ tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tại hội thảo 'Hạnh phúc trong giáo dục'.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục". Ảnh: Trần Hiệp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội thảo quốc tế "Hạnh phúc trong giáo dục". Ảnh: Trần Hiệp.

Hội thảo diễn ra trong hai ngày 23 - 24/11, tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu Giáo dục và Phát triển Nhân lực (EDI) tổ chức.

Đâu là nhân tố quan trọng của giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc của giáo dục?

Bày tỏ hứng thú và đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo chủ đề “Hạnh phúc trong giáo dục”, Bộ trưởng nhận định cách đặt vấn đề này rộng lớn, bao trùm hơn và sâu hơn cách đặt vấn đề phát triển các trường học hạnh phúc, dẫu cho trường học hạnh phúc là một phần quan trọng của hạnh phúc trong giáo dục.

Theo Bộ trưởng, nếu đặt vấn đề một cách rộng thì cần bàn cả hai phương diện: giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc trong giáo dục; tức nền giáo dục làm thế nào hướng người học tới hạnh phúc, đạt tới hạnh phúc và nhận biết hạnh phúc ngay trong lòng của nền giáo dục.

Chủ đề hội thảo này cũng hết sức có ý nghĩa khi nền giáo dục của Việt Nam đang có những thay đổi mạnh mẽ. Trọng tâm của sự thay đổi đó là nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, giúp con người biết sống hạnh phúc, tạo ra hạnh phúc cho mình và cho những người có liên quan.

Một cộng đồng những người hạnh phúc chỉ có thể được tạo ra bởi một nền giáo dục hạnh phúc. Đây cũng chính là định hướng lớn mà Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo triển khai trong toàn ngành với những mức độ và phương cách khác nhau ở các bậc học, các đối tượng.

Hiện nay, đã có nhiều thảo luận về mục tiêu, đặc điểm, phương pháp, các thành tố, các bên liên quan tới giáo dục và của nền giáo dục hướng tới hạnh phúc của cả người học, của thầy cô, phụ huynh và những người liên quan.

Tuy nhiên, tại hội thảo với chủ đề “Hạnh phúc trong giáo dục”, một phương diện, khía cạnh - theo Bộ trưởng là nhân tố quan trọng của giáo dục hạnh phúc và hạnh phúc của giáo dục - là nhân tố nội tại, nhân tố chủ động của người học, cũng là nhân tố cốt lõi và quyết định của hạnh phúc trong giáo dục. Đó chính là việc chủ thể người học tự biết tạo ra và biết cảm nhận, nhận biết về hạnh phúc trong quá trình học. Trong quá trình học mà nhận thấy được sự sung sướng, hạnh phúc của việc học, thì người ấy sẽ làm được những việc hết sức lớn lao.

“Chúng ta đều rõ, hạnh phúc là một trạng thái tâm lý, cảm xúc, trạng thái tinh thần của con người, khi mà người ta thấy thoải mái, thỏa mãn, sung sướng, thăng hoa. Theo cách nói của truyền thống thống văn hóa Á Đông thì đó là trạng thái lạc thú, là hỷ lạc, hòa lạc, hay hoan hỷ. Hạnh phúc được hình thành và tận hưởng thông qua cảm nhận của các nhân, nó mang tính cá nhân, cá thể, riêng biệt. Có những hạnh phúc chung của một nhóm, một cộng đồng, nhưng nó được góp phần bởi các cá thể và cảm nhận bởi các cá thể.

Vậy làm thế nào để người học đạt tới trạng thái và cảm nhận hạnh phúc khi tham dự quá trình giáo dục, với tư cách là chủ thể, tự mình và tự thân?... Hạnh phúc tôi đang đề cập là chỉ nói tới hạnh phúc của việc học, tức vui học, học vui, học là vui và vui cùng với sự học, hoặc vui cùng với sự tiến bộ và càng tiến bộ càng tìm thấy niềm vui”, Bộ trưởng chia sẻ.

Yếu tố giúp hình thành trạng thái hạnh phúc cho người học

Theo Bộ trưởng, hạnh phúc thì chỉ có một, không có nhiều loại hạnh phúc, nhưng hạnh phúc lại có nhiều cấp độ, nhiều sắc thái, nhiều biểu hiện. Có hạnh phúc nho nhỏ thoáng qua trong khoảnh khắc; có hạnh phúc của cảm xúc thăng hoa; có hạnh phúc rộng lớn, sâu xa trầm tiềm trong đời sống tinh thần con người khi người ta thấy sự thỏa mãn đáp ứng cả trí tuệ và tình cảm, cả lý và tình.

Đối với người học, điều cần bàn là làm thế nào giúp học sinh có được thật nhiều niềm vui sướng trong quá trình học. Niềm vui và sự hứng thú càng lớn lao, bền vững, sâu xa, thì việc học của người đó càng thành công, càng gặt hái được nhiều kết quả tốt.

Bộ trưởng nêu ra một vài yếu tố giúp hình thành những trạng thái hạnh phúc cho người học trong quá trình học như sau:

Đầu tiên: Người học có chí hướng, có khát vọng và quyết tâm càng lớn thì những hạnh phúc tiềm năng càng dồi dào nơi người đó, niềm hạnh phúc sẽ lớn hơn khi người đó đạt được các kỳ vọng lớn. Quy mô, tầm vóc của hạnh phúc tùy thuộc và mức độ kỳ vọng và sự thỏa mãn. Vì vậy, để người học đạt được nhiều niềm vui sướng và hạnh phúc trong việc học, cần giúp người học đặt mục tiêu học tập cho đúng đắn, cho lớn, cho sâu, cho rộng…. để có động cơ từ bên trong của sự phấn đấu và phấn đấu đạt tới hạnh phúc.

Chí càng lớn, vấp ngã càng dễ vượt qua, cái vất vả cũng trở nên nhỏ bé, khó khăn cũng không thể ngăn cản, và con đường tới hạnh phúc vì vậy cũng thênh thang hơn. Chí ngắn thì dễ thỏa mãn, chí không đủ thì dễ giữa đường bỏ cuộc, không thể đi tới niềm vui hoàn thành cuối cùng của sự phấn đấu. Chí ngắn cũng có niềm vui dễ đạt, nhưng cái dễ đạt bao giờ cũng không có chiều sâu, bền vững và cuộc sống nếu là tập hợp của những cái dễ đạt, niềm vui dễ có thì sẽ không có những sự nghiệp lớn.

Thứ hai: Học sinh biết tu dưỡng rèn luyện bản thân là gốc của việc học tập phát triển toàn diện và là gốc của việc đạt tới hạnh phúc. Người biết tu dưỡng theo các chuẩn mực sẽ có cảm nhận đúng đắn về hạnh phúc về giá trị của hạnh phúc, về hạnh phúc chân chính. Hạnh phúc luôn gắn liền với giá trị văn hóa. Thực chất thì cũng không có trường học hạnh phúc chung chung. Trường học hạnh phúc chỉ đúng nghĩa chân chính khi hạnh phúc ở trường học đó phù hợp với các giá trị tích cực, các giá trị chuẩn.

Thứ ba: Cần biết cách định hướng, tạo dựng cho học sinh cách tự giải quyết vấn đề trong học tập, tự tìm hiểu, tự xử lý, tự giải đáp, chính là bắt đầu dắt tay học sinh bước đầu tiên vào con đường truy tìm hạnh phúc trong việc học.

Chỉ khi học sinh đã tự mày mò, tự tìm hiểu, tự giải quyết được, học sinh sẽ thấy hứng thú và tiếp tục tìm kiếm ở chiều rộng, sâu hơn, suy luận ở cấp độ cao hơn, từ cấp độ, biết, hiểu, tới hiểu sâu, suy luận, vận dụng, khái quát… Khi người học vượt qua bất cứ cấp độ nào, sự hứng thú và hạnh phúc cũng gia tăng. Khi học sinh không thể giải quyết được, rơi vào bức xúc, bức bối, muốn giải tỏa…, khi đó những công cụ hỗ trợ dạy và học, hoặc là người thầy giải đáp sẽ giúp học sinh tháo gỡ bỏ vướng mắc.

Khi vứt bỏ điểm nghẽn, vướng mắc đó, người học sẽ cảm thấy được giải tỏa, được thăng hoa và họ sẽ tự cảm nhận thấy cảm giác hạnh phúc. Như Vạn thế sư biểu Khổng Phu Tử từng nói về việc dạy học: “bất phẫn bất khải, bất phỉ bất phát…” (chưa bức bối vì chưa sáng rõ thì thầy không gợi mở cho, không đến cùng việc tự tìm đường thì thầy chưa chỉ lối cho). Thầy biết dạy học nêu vấn đề, biết gợi dẫn, khuyến khích người học tự giải quyết vấn đề là yếu tố chuyên môn sâu xa hướng người học tìm thấy hạnh phúc và hứng thú trong việc học…

Thứ tư: Kiến giải cá nhân và sự suy nghĩ sâu sắc là điều cần khuyến học sinh hướng tới; trong đó khuyến khích văn hóa đọc, sự tranh luận, sự tôn trọng khác biệt trong lớp học, trong quá trình dạy học chính là khuyến khích người học bày tỏ quan điểm và cách đánh giá riêng,… Đó là quá trình dạy học hướng người học, tới sự sung sướng của quá trình tự khẳng định mình.

Thứ năm: Phương pháp dạy học cá thể hóa là phương pháp rất tốt phát huy người học và có thể đem lại cho người học tìm thấy niềm vui, hứng thú riêng, phù hợp với những nhu cầu riêng, con đường riêng của người học.

Thứ sáu: Học sinh cần lấy chính bản thân mình làm chuẩn để đánh giá sự tiến bộ, để làm việc so sánh. Học sinh tự cảm nhận và đánh giá về sự tiến bộ của mình ngày hôm nay so với ngày hôm qua. Khi tự thấy mình tốt hơn ngày hôm qua, các em sẽ xuất hiện trạng thái hạnh phúc trong sự vượt lên chính mình.

Thứ bảy: Có thái độ đúng và sống trong sáng, biết quan tâm tới người khác là tiền đề của hạnh phúc đích thực…

Thứ tám là: Học đi đôi với hành, học cần thực hành. Lý thuyết luôn màu xám và khó gợi được sự hứng thú. Cần gắn chặt học đi đôi với hành, học từ hành và trong hành, hành và học không tách rời nhau. Quá trình này khiến người học nhận được các kết quả từ thực tế và họ sẽ cảm thấy hiệu quả của việc học một cách sinh động cụ thể; từ đó cảm nhận sinh động nhất về hạnh phúc.

Thứ chín là: Hoạt động giáo dục cần chú ý tới giáo dục phát triển trí tuệ cảm xúc hay năng lực cảm xúc, khả năng kiểm soát và bộc lộ cảm xúc… Đây là giáo dục cách để con người sống hạnh phúc, biết tạo dựng hạnh phúc cho mình và cho mọi người.

Thứ mười là: Trong hoạt động giáo dục, thầy luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu, luôn chia sẻ là điều rất quan trọng khiến việc học của học trò trở nên hứng thú. Chỉ có những con người hạnh phúc mới có thể kiến tạo một thế giới hạnh phúc. Muốn trò hạnh phúc, trước hết các thầy cần phải hạnh phúc.

Hội thảo “Hạnh phúc trong giáo dục” gồm chuỗi hoạt động gồm 4 phiên; quy tụ các chuyên gia giáo dục hàng đầu trong nước và trên thế giới thảo luận, chia sẻ các kỹ năng, phương pháp về các cấu trúc, mô hình để có môi trường học tập hạnh phúc cho học sinh; trong đó nhấn mạnh đào tạo thế hệ giáo viên có năng lực kiến tạo những tiết học hạnh phúc, góp phần đổi mới giáo dục, thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Phiên khai mạc sáng 23/11, các diễn giả cung cấp góc nhìn sâu sắc về việc tích hợp “hạnh phúc” và mục tiêu cá nhân vào môi trường giáo dục; chia sẻ những kinh nghiệm về giáo dục toàn diện và học tập cá nhân hóa; đặt mục đích và hạnh phúc là trọng tâm trong giáo dục. Đặc biệt, Hội thảo có các điểm nhấn mang tới hạnh phúc cho con trẻ thông qua giáo dục, bao gồm đa dạng về chủ đề, vừa có chủ đề mang tính chuyên môn và chuyên sâu, vừa có chủ để thường thức thú vị, được thiết kế tập trung vào các khía cạnh cụ thể trong mô hình hạnh phúc SPIRE.

Phiên Hội thảo dành cho Phụ huynh diễn ra chiều 23/11, tập trung khai thác vai trò “giáo viên” của cha mẹ trong việc định hướng, hỗ trợ con em phát triển một cách tích cực, và trọng tâm vẫn là những “tiết học hạnh phúc” tại nhà.

Các hội thảo chuyên đề dành cho giáo viên và nhà quản lý giáo dục tập trung trong ngày 24/11 chia sẻ các phương pháp giáo dục sáng tạo và ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, lấy giáo viên làm trung tâm và khuyến khích các giải pháp để giáo viên có thể sáng tạo và làm chủ một tiết học hạnh phúc, tạo niềm hứng khởi học tập cho học sinh trên mọi phương diện.

Hiếu Nguyễn. Ảnh: Trần Hiệp

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-truong-nguyen-kim-son-lam-sao-de-nguoi-hoc-hanh-phuc-trong-hoat-dong-hoc-post709726.html
Zalo